Từ định hướng phát triển của Chính phủ
Năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 750/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Theo đó, diện tích cao su trồng trên lãnh thổ Việt Nam ổn định 800 ngàn ha. Trong giai đoạn 2010 - 2015 cao su Việt Nam có bước phát triển nhanh bởi giá cao su thị trường xuất khẩu tăng cao, có lúc lên tới 5.000 USD/tấn mủ khô (năm 2011). Vì thế, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN), các doanh nghiệp, nông dân đã mở rộng diện tích trồng trên cả nước.
Năm 2008 Bộ NN-PTNT ra Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN xác định, cây cao su là cây đa mục tiêu. Đồng thời, Thông tư 58/2009/TT-BNN-PTNT năm 2009 cho phép chuyển diện tích đất rừng nguyên liệu, đất trồng rừng sản xuất có đủ điều kiện sang trồng cao su. Chính từ những nguyên nhân trên trong giai đoạn 2009 - 2015 diện tích cao su trên toàn quốc tăng 304 ngàn ha, bình quân mỗi năm tăng trên 50 ngàn ha.Chiều về trên rừng cao su.
Sau 5 năm thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích cao su toàn quốc lên tới 981 ngàn ha, vượt quy hoạch 181 ngàn ha. Đặc biệt là vùng Đông Bắc không quy hoạch trồng cao su nhưng cũng đã trồng lên tới 6,2 ngàn ha…chủ yếu cao su tiểu điền. Điều này thể hiện cây cao su có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn, việc làm nên nông dân xem cây cao su là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.Theo số liệu thống kê, trong 10 năm gần đây, năng suất cao su Việt Nam tăng 3 tạ/ha (từ 13,9 tạ/ha năm 2004, tăng lên 16,9 tạ/ha năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân 2%/năm. Hiện năng suất cao su Việt Nam đứng thứ hai (chỉ sau Ấn Độ). Năng suất tăng cao do Tập đoàn, các chủ đầu tư đưa các giống cây phù hợp với tiểu khí hậu từng vùng, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng, chăm sóc, cạo mủ,... . Vì thế, vườn cây cao su đưa vào khai thác 3 - 4 năm đầu đạt trung bình 1,1 - 1,3 tấn/ha và đạt năng suất cao nhất từ 11 - 25 năm.
Hiệu quả từ cây đa mục tiêu
Phải khảng định rằng, cây cao su là cây đa mục tiêu, là cây công nghiệp dài ngày đưa lại giá trị kinh tế khai thác liên tục từ 25-30 năm. Sau khi thu hoạch hết khối lượng mủ, số diện tích cao su này trở thành cả một rừng gỗ quý, chủ đầu tư sẽ đưa vào khai thác chế biến ra các sản phẩm mộc dân dụng và xuất khẩu. Bình quân mỗi ha khai thác gỗ cho thu nhập trên 300 triệu đồng, sau đó tiếp tục tái canh trồng mới trở lại, phát triển theo chu kỳ.
Nói về giá trị kinh tế, từ năm 2015 về trước sản lượng mủ cao su liên tục tăng với tốc độ trung bình 6,2 %/năm. Năm 2015 sản lượng cao su đạt đỉnh 1.017 ngàn tấn, tăng 339,2 ngàn tấn so với năm 2009. Năm 2014- 2015 sản lượng mủ cao su Việt Nam đã vượt qua các nước Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, vươn lên vị trí thứ 3 về sản lượng mủ khai thác, chiếm gần 11% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Sản phẩm cao su chuẩn bị xuất khẩu tại Công ty CP Cao su Việt - Lào.
Ngoài xuất khẩu mủ cao su khô, nhiều thành phần kinh tế đã tham gia chế biến nguyên liệu cao su thiết yếu. Được biết, hiện cả nước có 238 doanh nghiệp chế biến mủ cao su, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. Riêng Tập đoàn CNCSVN hiện có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, với công suất thiết kế 433 ngàn tấn/năm, chiếm 36,1% công suất các cơ sở chế biến mủ cao su cả nước. Tổng công suất của các cơ sở chế biến hiện nay vượt sản lượng cao su hàng năm từ 15- 20%. Hàng năm Tập đoàn CNCSVN chế biến từ 300 - 330 nghìn tấn mủ các loại, trong đó chiếm hơn 70% là sản lượng cao su của Tập đoàn, còn lại gần 30% sản lượng là thu mua của cao su tiểu điền. Chủng loại sản phẩm chế biến khá phong phú, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước. Công nghệ chế biến chủ yếu là sản xuất trong nước đáp ứng khá tốt sơ chế nguyên liệu xuất khẩu thô với 92% là vốn đầu tư trong nước, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động từ các nhà máy chế biến.Rừng cao su còn có tác dụng phủ xanh đất trống đồi trọc, có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái nói chung. Giáo sư Vương Văn Quỳnh – Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái rừng & Môi trường, Đại học Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: "Là cây xanh thì loài nào cũng có lợi cho môi trường, chúng luôn có hiệu quả trong việc làm trong lành khí quyển, hấp thụ CO2, giải phóng O2, cải tạo đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các giống loài…. Rừng cao su với lượng sinh khối hàng trăm mét khối trên mỗi hecta có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái nói chung, nên trong lâm nghiệp cây cao su được xem là loài cây rừng đa mục đích, nhiều tỉnh tính diện tích rừng cao su là diện tích rừng, thậm chí còn xem là diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong chương trình kiểm kê rừng quốc gia người ta tính diện tích cao su là diện tích rừng".
Tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động
Theo báo cáo của Tập đoàn CNCSVN, sau khi hết thời kỳ khai thác mủ, số diện tích cao su này được thanh lý trở thành rừng gỗ quý đưa vào khai thác chế biến SX đồ mộc dân dụng, xuất khẩu chế biến gỗ ván ép, gỗ MDF. Hiện nay Tập đoàn có 13 nhà máy chế biến gỗ, công suất trên 200 nghìn m3 gỗ phôi/năm, sử dụng hơn 7 ngàn ha cao su thanh lý hàng năm. Điển hình như nhà máy chế biến gỗ cao su ở tỉnh Gia Lai, công suất 9 ngàn m3 phôi/năm. Tỉnh Quảng Trị có 2 nhà máy, công suất đạt 120-240 nghìn m3 gỗ MDF/năm, được lắp đặt thiết bị EU. Tại tỉnh Bình Phước có nhà máy MDF công suất lớn lên tới 400 ngàn tấn/năm, được lắp ráp bởi công nghệ Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổng doanh thu của các nhà máy đạt hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.
Đánh giá của một số chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về cây cao su cho rằng, phát triển cây cao su không chỉ đơn thuần kinh doanh khai thác mủ mà khi dự án trồng cao su được thực hiện thì kéo theo cả một toa ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn công nhân lao động như trung tâm kỹ thuật về sản xuất giống, dịch vụ phân bón phân bón, dịch vụ tiêu thụ mủ cao su. Nói về lao động, ngành cao su tăng liên tục trong những năm qua, hiện tại số lao động trực tiếp khoảng 0,5 triệu người.
Thu hoạch mủ cao su.
Đối tượng lao động ngày càng được mở rộng không chỉ là các hộ lao động người Kinh mà có cả lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa như ở vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, vùng núi phía Bắc. Riêng lao động người địa phương làm công nhân cho VGR có trên 80 ngàn lao động. Đời sống của người lao động ngành cao su trong nhiều năm qua có mức thu nhập khá cao trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, ổn định trong nhiều năm, hơn hẳn so với một số cây trồng nông nghiệp khác. Đặc biệt tất cả các dự án phát triển cao su của Tập đoàn CNCSVN đều song hành với đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm xá… Cao su đi đến đâu đời sống dân sinh văn hóa xã hội gắn với an ninh quốc phòng đều được phát triển đến đó.Kết thúc bài viết này, tác giả xin được nêu lên ý kiến của những người dân trồng cao su ở xã Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị: Đời sống của nông dân trong xã chúng tôi đến nay có nhà lầu xe hơi, con cái được ăn học nên người, tất cả là nhờ vào gốc cao su. Chúng tôi xem gốc cao su là hũ tiền, ngày nào cây cao su cũng cho thu nhập đều đặn, không bao giờ chúng tôi quay lưng lại với cây cao su.