1. Nhiều lần nghe con kể về một thầy giáo không giảng bài mà chủ yếu đọc cho học sinh chép, lại hay nói tục trong giờ học, tôi rất bất bình, định sẽ kiểm tra lại thông tin cho chính xác rồi phản ánh với ban giám hiệu nhà trường...

Thế nhưng hôm con học trực tuyến, chứng kiến thầy dạy online khá hay và nói rất khéo, tôi thắc mắc thì con gái bảo: “Thầy “diễn” đấy bố ạ, vì thầy biết học online thì sẽ có phụ huynh xem. Bọn con gọi thầy K. là “siêu diễn” mà. Hôm nào có ban giám hiệu dự giờ thầy cũng “diễn”. Tôi gọi điện hỏi hai bạn của con thì các cháu đều khẳng định đúng như vậy, thậm chí còn nói thêm: Việc thầy “diễn” giỏi khiến các học sinh càng bức xúc, không tin những điều thầy dạy!     

2. Dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, nhưng ông chủ tịch UBND huyện rất hiếm đi cơ sở kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp. Hơn một năm từ khi được bầu làm người đứng đầu UBND huyện, hầu như ngày nào ông cũng mặc áo trắng, đeo cà vạt hoặc khoác comple ngồi phòng lạnh, đi tiếp khách; cách ứng xử của ông thì quan cách, hách dịch, khác hẳn với trước đó-lúc đang lo vào ban chấp hành đảng bộ, rồi vào hội đồng nhân dân và nhất là chức chủ tịch UBND huyện, ông thường xuyên sâu sát cơ sở, thể hiện sự gần gũi, quan tâm đến cán bộ các cấp và nhân dân. Sự thay đổi bất ngờ của ông khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng những người tinh đời thì biết thừa là ông đã hoàn thành “vở diễn”. Hết nhiệm kỳ chủ tịch thì đến tuổi nghỉ hưu nên ông hiện nguyên hình... thích hưởng thụ! Giờ ông chỉ “diễn” khi cấp trên về kiểm tra, hay khi nhà báo chĩa máy ảnh, máy quay phim vào mình. Xem những hình ảnh ông “diễn” khác hẳn với những gì hằng ngày được chứng kiến, cán bộ, nhân viên dưới quyền ông thường... cười nhếch mép!

“Bệnh diễn” nguy hiểm!
Chốt kiểm soát dịch tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HỒNG GIANG 

3. Trong cuộc sống và quá trình công tác, chúng ta gặp khá nhiều người “diễn”. Có những người không hề biết và chẳng hề làm, nhưng trước cấp trên thì “khua môi múa mép” khoe mình tài giỏi, có công (kiểu Lý Thông cướp công Thạch Sanh)! Có những anh rất lười làm và cũng chẳng biết làm nên ít được giao việc, đến cơ quan toàn đi các phòng nói chuyện phiếm, khoe khoang, các đồng nghiệp rất sợ mỗi khi “anh diễn” xuất hiện! Có những chị gặp ai cũng khoe mình có mối quan hệ thân thiết với các sếp lớn, vờ gọi điện nói chuyện với sếp để “cáo mượn oai hùm”, rồi chuyên nghe lỏm, đoán mò mà “phán như đúng rồi”! Chối nữa là trong các cuộc họp, không ít cán bộ làm việc thì láo nháo nhưng báo cáo rất hay, rằng mình đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai... song đó chỉ là “bài diễn”! Đặc biệt nhức nhối là có những ông “sống bẩn”, bí mật vơ vét, bớt xén chế độ tiêu chuẩn của nhân viên, thậm chí còn gạ gẫm cấp dưới phải “chạy”, phải cung phụng mình, nếu không thì trù úm, gây khó dễ; thế nhưng trước tập thể thì thản nhiên tuyên bố mình sống đàng hoàng, rao giảng đạo đức, vỗ ngực rằng mình luôn nêu gương và yêu thương cấp dưới... Ông còn “diễn” giỏi đến mức lúc nào cần thì rơm rớm nước mắt, khóc như thật khiến cấp trên và người lần đầu tiếp xúc cũng xúc động; còn nhân viên của ông thì đã “biết tỏng cáo già” và họ cười khẩy, mỉa mai rằng ông không có dây thần kinh xấu hổ!

Loại người “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” mà làm cán bộ hoặc là báo cáo viên, giáo viên chuyên lên lớp dạy dỗ người khác thì vô cùng nguy hiểm. Họ càng giảng, càng “diễn” thì càng khiến người nghe bức xúc, mất niềm tin, không chỉ mất niềm tin vào chính con người “nói một đằng, làm một nẻo” ấy, mà còn mất niềm tin vào đường lối, chủ trương, chính sách, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức. Thực tế đã có một số cán bộ hùng hồn tuyên bố kiên quyết chống tham nhũng, kêu gọi mọi người phải tu dưỡng đạo đức... và những quan điểm, “diễn xuất” của họ liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khiến dư luận phấn chấn, tung hô; nhưng chỉ một thời gian ngắn là lộ ra “cáo già ăn vụng” khiến bao người sững sờ, phẫn nộ!

4. “Bệnh diễn” gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, bởi việc “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói zậy mà không phải zậy” chính là kiểu đạo đức giả, lừa dối-một trong những thói xấu mà mọi người khinh ghét nhất. Nếu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (những người có trách nhiệm nêu gương về đạo đức) mà “mắc bệnh diễn” thì càng nguy hại, vì sẽ khiến nhân dân mất niềm tin, ảnh hưởng rất tiêu cực tới uy tín của Đảng, Nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá cách mạng nước ta. Đặc biệt, người đứng đầu mà dối trá, “nói một đằng, làm một nẻo” thì chắc chắn cấp dưới sẽ khinh thường, tổ chức sẽ suy yếu nghiêm trọng. Vì vậy, có thể khẳng định: “Bệnh diễn” là một trong các bệnh nguy hiểm nhất của các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cần phải kiên quyết đấu tranh để loại trừ.

Để phòng, chống “bệnh diễn”, trước tiên cần phải xác định, đây là thói xấu nhất trong các thói xấu, là “kẻ thù” nguy hiểm hàng đầu của cách mạng mà tổ chức Đảng và tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thường xuyên phê phán, đấu tranh; mọi cán bộ, đảng viên, nhân viên, quần chúng cần tích cực, thẳng thắn phê bình, không khoan nhượng.

Mục đích của việc “diễn” nhằm lừa dối cấp trên và quần chúng để che giấu những tật xấu của mình, quảng bá cá nhân không đúng sự thật nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối. Do đó, chúng ta cần tăng cường kiểm tra đột xuất để nắm thực chất con người, công việc, đồng thời đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, đảng viên, nhân viên, chú trọng thực hiện bỏ phiếu kín, lấy phiếu tín nhiệm với các nội dung cụ thể để mọi người trong tổ chức và quần chúng có thể phản ánh, thẳng thắn đánh giá rõ những ưu điểm, khuyết điểm của người được lấy ý kiến, không để đối tượng “diễn” lừa dối tổ chức.

5. Cuối cùng, tôi xin kể lại chuyện được chứng kiến: Cơ quan nọ tổ chức buổi gặp mặt truyền thống, mời cán bộ, nhân viên qua các thời kỳ tới dự. Lâu ngày mới được hội ngộ, ai cũng tay bắt mặt mừng, hớn hở thăm hỏi, nói cười, cùng nhau chụp ảnh lưu niệm. Riêng có một “sếp cũ” thì như... người thừa vì chẳng ai hỏi han, đến lúc liên hoan mọi người đều lảng tránh ngồi cùng. Ban tổ chức phải thuyết phục, kéo người vào ngồi cùng với vị “sếp cũ” đó, nhưng chỉ được một lát là những người này cầm bát sang mâm khác, mặc “sếp cũ”... một mình một mâm. Nguyên nhân bởi vị “sếp cũ” ấy trước đây rất bẩn tính nhưng “diễn giỏi” nên vẫn được đề bạt. Khi ông đương chức, cấp dưới không phục, xem thường, song phải cố chịu đựng. Nhưng từ khi ông nghỉ hưu thì anh em trong cơ quan chẳng ai quan tâm hỏi han, toàn lấy ông làm ví dụ điển hình về loại người “điêu-diễn”!

Đặc biệt, ngay cả vợ con cũng không phục ông, thậm chí còn thường xuyên cãi lại (vì biết rõ những “chiêu bài diễn” của ông)! Vậy là, ông như người thừa không chỉ ở trong nhà, suốt ngày tha thẩn, thui thủi, đi đâu cũng chẳng dám ngẩng đầu...

Ngạn ngữ có câu: “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi tới được trái tim” và “cái kim trong bọc có ngày lòi ra”. Những ai chân thành, thật thà thì dù có ứng xử thô vụng, mọi người cũng hiểu và cảm thông, quý mến. Ngược lại, loại người “lươn, chạch”, xấu tính, thì dù “diễn” giỏi đến mấy cũng sẽ bị phát hiện, càng “diễn” càng khiến những người xung quanh khinh thường.

“Bệnh diễn” còn rất nguy hiểm ở chỗ, người mắc nó rất khó sửa sai, bởi không thể giải thích; muốn thật lòng thay đổi thì mọi người vẫn nghi ngờ “lại diễn”. Phải có thời gian, thực sự tu nhân tích đức, hoặc phải trải qua những va vấp lớn, hậu quả lớn thì mới mong chữa được bệnh này.