Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật bao gồm điều khoản mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC do Mỹ tổ chức. Trung Quốc từng được mời tham gia sự kiện này 2 lần vào năm 2014 và 2016.

Hạ viện Mỹ đồng ý mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất - Ảnh 1.
Tàu chiến các nước trong tập trận RIMPAC 2020 - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Điều khoản yêu cầu mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2022 được ghi trong dự luật Ủy quyền quốc phòng cho năm tài khóa 2022 (FY 2022 NDAA). Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này hôm 23-9 với 316 phiếu thuận và 118 phiếu chống.

Ngoài yêu cầu trên, các nhà lập pháp Mỹ còn đề nghị chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường hợp tác quân sự với Đài Bắc. Động thái này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, nước luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Theo trang Taiwan News, các điều khoản liên quan trực tiếp đến Đài Loan chủ yếu được liệt kê trong mục 1243, 1247 và 1248 của FY 2022 NDAA.

Mục 1248 nêu rõ "lực lượng hải quân của Đài Loan nên được mời tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương tiến hành năm 2022".

Mục 1243 kêu gọi bộ trưởng quốc phòng Mỹ đệ trình một báo cáo về "tính khả thi" của việc tăng cường hợp tác giữa Vệ binh quốc gia Mỹ và Đài Loan. 

Mục 1247 thì yêu cầu hỗ trợ liên tục cho Đài Loan để duy trì khả năng tự vệ của vùng lãnh thổ này, như đã được quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan (năm 1979).

Hạ viện Mỹ đồng ý mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất - Ảnh 2.

Tàu đổ bộ Ngọc Sơn (Yu San) của Đài Loan trong lễ hạ thủy tháng 4-2021 - Ảnh: CƠ QUAN PHÒNG VỆ ĐÀI LOAN

FY 2022 NDAA còn có một số mục yêu cầu chính quyền Mỹ báo cáo về các bước phát triển quân sự của Trung Quốc, những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở vùng Caribê và Nam Mỹ.

Mỹ tổ chức tập trận RIMPAC lần đầu vào năm 1971. Hiện đây là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới diễn ra theo tần suất 2 năm/lần.

Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) được mời và cử tàu chiến tham dự RIMPAC vào các năm 2014, 2016. 

Năm 2018, quân đội Mỹ hủy lời mời Trung Quốc với lý do Bắc Kinh cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể chiếm đóng trên Biển Đông.

Hiện Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa lên tiếng về FY 2022 NDAA. Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối các nước tiếp xúc với Đài Loan và để ngỏ khả năng thu hồi hòn đảo này bằng quân sự.

Washington không duy trì quan hệ chính thức với Đài Bắc nhưng liên tục bán vũ khí và tiến hành các hỗ trợ khác cho hòn đảo này, phản đối thay đổi hiện trạng bằng biện pháp vũ lực.

-------------------------------------------------------------------------------------

Trung Quốc phản đối Đài Loan gia nhập CPTPP, điều 19 máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối các nước thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan. Quân đội Trung Quốc cũng có động thái đáng chú ý sau khi Đài Bắc nộp đơn gia nhập CPTPP.

Trung Quốc phản đối Đài Loan gia nhập CPTPP, điều 19 máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan - Ảnh 1.
Tiêm kích J-16 của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

"Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và đây là chuẩn mực được công nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế", ông Triệu trả lời trong cuộc họp báo ngày 23-9 khi được hỏi về việc Đài Loan xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Chúng tôi kiên quyết phản đối các nước có quan hệ chính thức với Đài Loan, phản đối việc kết nạp khu vực Đài Loan vào bất kỳ tổ chức hoặc hiệp định, hiệp ước chính thức nào. Quan điểm của chúng tôi về chuyện này rất rõ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm.

Không lâu sau tuyên bố của phía Trung Quốc, Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo đã phát hiện 19 máy bay quân sự các loại của Trung Quốc "xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan" (ADIZ).

Theo cơ quan này, một nhóm gồm 5 máy bay ném bom H-6 và máy bay cảnh báo sớm Y-8 đã đi sâu vào ADIZ, bay vòng xuống cực nam đảo Đài Loan và bay thêm về phía đông bắc khoảng 100km trước khi quay đầu. 

Một nhóm khác gồm 14 máy bay chiến đấu J-16 và J-11 cũng cất cánh hướng về Đài Loan và bay gần quần đảo Đông Sa. Nhóm máy bay này vượt qua đường trung tuyến giả định eo biển Đài Loan một đoạn ngắn rồi quay đầu.

Đài Loan đã phản ứng bằng việc điều chiến đấu cơ lên nhận dạng và theo dõi nhóm máy bay Trung Quốc bằng radar hệ thống tên lửa phòng thủ.

Trung Quốc phản đối Đài Loan gia nhập CPTPP, điều 19 máy bay xâm nhập ADIZ Đài Loan - Ảnh 2.

Đường bay của 19 máy bay quân sự Trung Quốc được Cơ quan phòng vệ Đài Loan công bố trên trang web ngày 23-9 - Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan

Tối 22-9, Đài Loan thông báo đã gởi đơn xin gia nhập CPTPP với tên gọi "Vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ". 

Đây là tên Đài Bắc sử dụng khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm tránh các phiền phức chính trị với Trung Quốc đại lục.

Giới quan sát đã dự đoán Trung Quốc sẽ phản đối và có các bước đi nhằm ngăn cản Đài Loan trở thành thành viên của CPTPP. 

Do việc kết nạp dựa trên nguyên tắc đồng thuận (cần sự đồng ý của tất cả thành viên), việc Trung Quốc gia nhập trước sẽ đồng nghĩa Đài Loan hết cơ hội và ngược lại.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và liên tục gây sức ép bằng ngoại giao, quân sự kể từ năm 2016 đến nay. 

Việc Bắc Kinh điều động máy bay chiến đấu tiến vào ADIZ Đài Loan ngày 23-9 có thể được diễn giải là cách Trung Quốc phản ứng trước việc Đài Bắc xin gia nhập CPTPP. Song động thái này nên được đặt chung với nỗ lực tăng sức ép quân sự lên Đài Loan mà Trung Quốc đã thực hiện từ trước đến nay.