Gần 5 tháng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn không đón khách, không có nguồn thu, trong thời gian chờ hỗ trợ từ ngân sách, Giám đốc Thảo Cầm Viên tính đi vay tiền để duy trì các hoạt động, nuôi đưỡng động vật, bảo quản cây xanh...
Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa phòng dịch Covid-19, không có nguồn thu trong nhiều tháng liền
TRẦN KIM ANH
Mấy ngày qua, mạng xã hội xuất hiện một số bài viết kêu gọi chung tay hỗ trợ Thảo Cầm Viên chi phí chăm sóc động vật, thực vật do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài. Đặc biệt là sự quan tâm dành cho số phận của những con vật ở đây.
Ngày 24.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết dịch bệnh Covid-19 ập đến và kéo dài, không chỉ mình Thảo Cầm Viên gặp khó khăn, mà người dân khắp nơi cũng rơi vào cảnh tương tự. Do vậy, Thảo Cầm Viên không chủ động kêu gọi trên mạng xã hội mà xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Ông Tân chia sẻ: "Mấy ngày qua thấy cộng đồng mạng kêu gọi cùng hỗ trợ Thảo Cầm Viên khiến chúng tôi rất cảm kích. Có thể vì đây là điểm đến được yêu thích của các gia đình, bạn trẻ nên mọi người yêu mến. Chúng tôi cũng đang tính khi hết dịch, được mở cửa trở lại sẽ làm chương trình gì đó tri ân người dân".
Không có nguồn thu, Thảo Cầm Viên vẫn phải duy trì các khoản chi phí chăm sóc động vật, thực vật TRẦN KIM ANH |
Ông Tân cho biết, trong thời gian Thảo Cầm Viên đóng cửa không đón khách, không có nguồn thu nhưng khẩu phần ăn của động vật không cắt giảm, vẫn duy trì như bình thường. Để đảm bảo thức ăn cho các loài động vật, trước đó Thảo Cầm Viên đã làm việc với các đơn vị cung ứng thức ăn để dự trữ sẵn, dùng trong thời gian xe cộ vận chuyển khó khăn
Vào tháng 7.2021, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã có văn bản gửi Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất hỗ trợ chi phí thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng động vật và duy tu, bảo quản công viên cây xanh trong 6 tháng là 30.180.000.000 đồng. Các khoản chi được nhắc đến gồm: chi phí thức ăn cho động vật, chi phí thuốc thú y, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công cụ, dụng cụ, vật tư sửa chữa, chi phí điện - nước, chi phí các dịch vụ mua ngoài, tiền lương, BHXH, BHYT...Theo ông Tân, hiện các sở ngành thẩm định xong đang trình UBND để trình HĐND thông qua và hỗ trợ. Trong giai đoạn này, chưa tới 50% nhân viên của Thảo Cầm Viên được đi làm, nhân viên của những bộ phận soát vé, phục vụ du khách, trưng bày hoa ngắn ngày tạm nghỉ ở nhà.
"Thảo Cầm Viên đóng cửa không đón khách từ tháng 5 tới giờ, hết tháng 9 là 5 tháng không có nguồn thu. Trong khi chúng tôi đang chăm sóc hơn 1.500 cá thể, thú phải cho ăn; người phải đi làm cần được trả lương. Hết tháng này là hết sạch tiền, nếu chưa nhận được hỗ trợ từ ngân sách chúng tôi không biết kiếm đâu ra tiền để trang trải và đang tính đường đi vay. Nhưng mấy ngày gần đây thấy cộng đồng mạng chia sẻ, chúng tôi cảm kích lắm", Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn bộc bạch.
Thảo Cầm Viên là điểm đến quen thuộc của người dân TP.HCM TRẦN KIM ANH |
Trước đó, tháng 8.2020, gặp khó khăn khi doanh thu giảm từ hơn 330 triệu đồng/ngày xuống còn khoảng 15 triệu đồng/ngày, nhân viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn chấp nhận giảm 30% lương, đồng thời kêu gọi cộng đồng giúp đỡ hỗ trợ để quần thể động vật, thú hoang dã ở đây có bữa ăn đầy đủ trong mùa dịch Covid-19. Sau 2 ngày, nhận được số tiền tạm đủ để xoay xở, nơi đây thông báo ngưng nhận tiền và hiện vật từ nhà hảo tâm, để nhường cho nơi khác khó khăn hơn.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TP.HCM. Được xây dựng cùng lúc với Bưu điện TP.HCM, Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành, Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xem như một chứng nhân của lịch sử, đi qua những thăng trầm của con người và vùng đất này.