Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng TP không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt mà cần phải mở cửa dần. Lường trước những vấn đề phát sinh khi bình thường mới để kiểm soát nhưng phải đảm bảo các quyền sinh hoạt của người dân.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chiều 23-9, đoàn công tác của TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã tham dự hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP Thủ Đức từ ngày 16 đến ngày 22-9.

TP Thủ Đức cơ bản kiểm soát được dịch 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - cho biết địa phương này  đang xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế theo các giai đoạn cụ thể. Xác định lộ trình, lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên để từng bước nới lỏng, thí điểm khởi công lại các công trình dự án...

Theo bà Lê Thị Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc mới của TP Thủ Đức liên tục giảm trong 3 tuần gần đây. Tỉ lệ mẫu dương tính qua xét nghiệm cũng giảm. Đối chiếu với các tiêu chí, TP Thủ Đức đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - đưa ý kiến đồng tình với kế hoạch từng bước mở cửa nền kinh tế của TP Thủ Đức. 

"Chúng ta không thể tiếp tục kéo dài giãn cách nghiêm ngặt mà cần phải từng bước mở dần, thích ứng an toàn để kinh tế phục hồi và các hoạt động xã hội dần trở lại bình thường", ông Nên nói. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu TP Thủ Đức xây dựng chiến lược bài bản trong giai đoạn bình thường mới. Tương tự, trong chiến lược an sinh xã hội thì phải tính đến việc làm, chỗ ở cho công nhân, người lao động.

Lường trước vấn đề phát sinh khi bình thường mới 

Khi công nhân lao động có việc làm thì gánh nặng an sinh sẽ giảm nhưng việc mở cửa các hoạt động phải đảm bảo an toàn với dịch bệnh. TP Thủ Đức phải rà soát các khu vực nhà ở chật hẹp và có kế hoạch kêu gọi đầu tư.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng đến nay có một số hạn chế như việc kiểm soát đi lại. Hiện nay, dù số lượng người được ra đường rất ít nhưng việc dừng xe quét mã QR vẫn gây ùn ứ. Khi TP bình thường mới, số người ra đường cao gấp nhiều lần mà vẫn thực hiện giải pháp này để kiểm tra "thẻ xanh COVID" là không ổn.

Ông Nên đề nghị TP Thủ Đức đưa ra những sáng kiến và thử nghiệm mô hình quản lý phù hợp cho giai đoạn bình thường mới, từ đó có thể nhân rộng ra toàn TP. Các ngành, các cấp phải lường trước những tình huống phát sinh khi mở cửa trở lại để kiểm soát, không tạo ra ùn ứ nhưng vẫn đảm bảo các quyền đi lại, hoạt động giao thương, sinh hoạt của người dân.

Không để học sinh bỏ học vì khó khăn

23-09-2021-tung-buoc-mo-cua-phuc-hoi-kinh-te-dua-cuoc-song-cua-nhan-dan-tro-lai-trang-thai-binh-thuong-moi-c299cac4-details

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: hcmcpv.org.vn

Cùng ngày, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng tham dự hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch trong 7 ngày, từ 16-9 đến 22-9 của huyện Củ Chi.

Tại đây, Chủ tịch HĐND TP đề nghị huyện Củ Chi tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sát với tình hình thực tiễn, kiểm soát lây nhiễm cùng với các hoạt động từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế, với nguyên tắc "an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó; mở cửa thì phải giữ vững an toàn".

Bà Lệ cũng lưu ý huyện cần rà soát, lập danh sách và tổ chức thẩm định, phê duyệt danh sách người dân gặp khó khăn thật sự để hỗ trợ đợt 3, với nguyên tắc chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú.

Đồng thời, quan tâm chăm lo hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần cho các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, các em mồ côi có cha mẹ mất vì dịch. Kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; không để bất cứ một em nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.