Nhiều sân khấu cho rằng không hợp lý khi Liên hoan Kịch nói toàn quốc diễn ra vào tháng 10, giữa dịch.

Sự kiện dự kiến diễn ra cuối tháng 10 ở Hải Phòng, sau nhiều lần bị trì hoãn. Ban tổ chức - Cục Nghệ thuật Biểu diễn - đưa hai giải pháp: thi trực tiếp từ ngày 6 đến 8/11, thi trực tuyến dành cho các đoàn ở xa, chịu ảnh hưởng dịch từ ngày 28/10 đến 4/11.

Tính đến ngày 15/9, miền Bắc có 13 đơn vị đăng ký, miền Nam có bốn đoàn: Hội Sân khấu TP HCM, công ty TNHH Giải trí HN Media, công ty TNHH Giải trí Hero Film, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liệu. Hiện, đoàn tỉnh Bạc Liêu đã thông báo rút với ban tổ chức. Chiều 23/9, Hội Sân khấu TP HCM, Công ty TNHH Giải trí Hero Film nói họ không tham gia.

Một số đại diện sân khấu phía nam phản đối tổ chức liên hoan, đề xuất chuyển sang năm khác. Nghệ sĩ Mỹ Uyên - giám đốc kịch 5B Võ Văn Tần - cho biết năm ngày trước, khi nhận được thông báo, chị từ chối. "Gần hai năm gồng gánh vì dịch bệnh, chúng tôi hiện đuối về tâm trí và tài chính. Liên hoan là hội hè, phải vui vẻ, mà tinh thần lúc này đã kiệt quệ thì làm sao vui nổi", chị nói.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - "bầu" sân khấu Idecaf - nói đa số sàn diễn ở TP HCM là đơn vị xã hội hóa, tự làm tự chi. Ông cho biết: "5 tháng qua, sân khấu đã kiệt quệ. Tại Sài Gòn, kịch sống bằng công chúng, khán giả nuôi nghệ sĩ, mà dịch bệnh như thế này thì ai nuôi ai?".

Đơn vị Nhà hát 5B Võ Văn Tần của Mỹ Uyên đoạt nhiều giải với vở Gương mặt kẻ khác tại Liên hoan Kịch nói năm 2018. Lần này, chị không tham gia tranh giải. Ảnh: Mai Nhật

Đơn vị Nhà hát 5B Võ Văn Tần của Mỹ Uyên đoạt nhiều giải với vở "Gương mặt kẻ khác" tại Liên hoan Kịch nói năm 2018. Lần này, chị không tham gia tranh giải. Ảnh: Mai Nhật

Đồng quan điểm, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho rằng việc liên hoan thời điểm này rất khó cho sân khấu phía nam. Trước dịch, đơn vị sân khấu chị và nhiều sàn diễn khác nóng lòng tham gia sự kiện vì ba năm mới tổ chức một lần, là dịp đồng nghiệp cả nước gặp gỡ, nâng cao kỹ năng diễn. Chị từng lên kế hoạch tập dượt, cúng khai trương vở đăng ký thi. Dịch bùng phát, mọi hoạt động chững lại. Theo chị, sau giãn cách, việc tập hợp nhân lực tham gia liên hoan cũng sẽ rất khó.

Đạo diễn Ngọc Hùng - giám đốc công ty TNHH Giải Trí Hero Film, đơn vị đã rút khỏi sự kiện - nói: "Tổ chức để làm gì khi dưới sân khấu không có khán giả, nghệ sĩ sẽ diễn cho ai xem?". Đơn vị anh đăng ký lúc Covid-19 chưa bùng phát, đã chuẩn bị kịch bản và dựng sẵn tiết mục.

Các nghệ sĩ cũng chưa đồng tình việc thi trực tuyến. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, kịch nói phải có tương tác trực tiếp, diễn "sống", còn thi trực tuyến giống liên hoan truyền hình. Chưa kể, các đơn vị sẽ mất khoản kinh phí không nhỏ trong khâu chuẩn bị chất lượng đường truyền. Trịnh Kim Chi cho rằng việc diễn sân khấu không khán giả cũng khó lòng đảm bảo mạch cảm xúc cho nghệ sĩ. Nhiều người đồng tình đề xuất của ông Tuấn: "Không làm năm nay thì có thể làm năm sau. Kinh phí tổ chức năm nay có thể dùng để hỗ trợ các nghệ sĩ nghèo, bị ảnh hưởng bởi dịch trên cả nước".

Vở Hà thành chính khí của Nhà hát Kịch Hà Nội là một trong những tác phẩm tham dự liên hoan năm nay. Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội

Vở "Hà thành chính khí" của Nhà hát Kịch Hà Nội là một trong những tác phẩm tham dự liên hoan năm nay. Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội

Đại diện một số đoàn phía Bắc thông cảm với các đồng nghiệp. Họ cho biết dù không bị ảnh hưởng nặng nề như sân khấu phía Nam, nhiều đơn vị thuộc khối công lập ở miền Bắc như Nhà hát Kịch Việt Nam, Tuổi trẻ, Kịch Hà Nội... cũng khó khăn vì không thể biểu diễn, nghệ sĩ chỉ hưởng lương cứng. Ngoài ra, họ còn gặp rào cản khi tập luyện thời giãn cách.

Nghệ sĩ Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho biết cơ quan anh dự định mang vở Hà thành chính khí đi tranh tài, nhưng chưa tập luyện được, vì vở diễn có những đại cảnh lên đến hàng trăm người. Tuy nhiên, họ đều mong muốn sự kiện diễn ra suôn sẻ vì quá nhớ nghề.

Nghệ sĩ Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - nhận định giải pháp thi trực tuyến là hợp lý. "Hiện tại, chúng tôi dự định thi trực tiếp nhưng nếu ban tổ chức yêu cầu, chúng tôi vẫn chấp nhận diễn online để đảm bảo an toàn", anh nói.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - cho biết kế hoạch tổ chức liên hoan đã được thông báo từ năm ngoái, nhiều lần phải lùi lịch vì dịch. Nếu không tổ chức sự kiện năm nay, ba năm sau, các nghệ sĩ mới có dịp hội ngộ. Ban tổ chức hiện nhận đăng ký đến ngày 15/10, đồng thời tiếp nhận ý kiến của các đoàn để điều chỉnh phương án phù hợp, có thể cân nhắc tổ chức theo vùng, miền. "Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà hát. Những đoàn khó khăn có thể đề nghị hỗ trợ một phần", ông nói.

Kỳ liên hoan trước - năm 2018 - diễn ra ở TP HCM, có 22 đơn vị với 27 vở diễn, trong đó có 13 đoàn ngoài công lập. Liên hoan Kịch nói toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và sở văn hóa các địa phương tổ chức, diễn ra ba năm một lần, thu hút hàng nghìn nghệ sĩ.

'Hoa cúc xanh trên đầm lầy'
Ca khúc "Chạm tay đến nơi thiên đường" trong vở kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" (Lưu Quang Vũ) - tác phẩm đoạt huy chương vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018. Video: Nhà hát Tuổi trẻ