Trong bối cảnh TPHCM dần mở cửa trở lại một số hoạt động thiết yếu sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội triệt để, ngành y tế có kế hoạch chuyển đổi hoạt động của các cơ sở y tế để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Mong ngóng bệnh viện “sạch” Covid-19

Đã 3 tháng nay, bà Phan Thị Trân (67 tuổi, ngụ phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức) không dám đi khám bệnh. Mắc đái tháo đường tuýp 2 cùng với cao huyết áp nhưng không đến bệnh viện (BV) khám vì sợ lây nhiễm Covid-19, bà Trân đành phải dùng đơn thuốc cũ của bác sĩ kê và tìm mua tại các hiệu thuốc gần nhà.

“Thời gian qua, BV TP Thủ Đức nơi tôi đang theo điều trị đã “tách đôi”, vừa điều trị Covid-19 vừa điều trị bệnh thường. Các con tôi sợ đến đó sẽ lây nhiễm bệnh, không cho tôi đi khám bệnh nên đành sử dụng đơn thuốc cũ”, bà Trân cho hay. 

Cũng do lo Covid-19 nên chỉ đến khi đau nhức không thể bước đi nổi, ông Phạm Tam Khôi (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mới đến BV Chợ Rẫy để khám bệnh thì phát hiện mình mắc ung thư phổi đã di căn sang xương, buộc phải nhập viện điều trị. “Nếu không có dịch bệnh thì chắc rằng tôi đã đi khám sớm và phát hiện bệnh sớm hơn, không để nặng như thế này”, ông Khôi buồn rầu nói.

Theo các bác sĩ, việc người dân trì hoãn không dám đến BV khám chữa bệnh do ngại Covid-19 khá phổ biến thời gian qua. Tại các BV, tỷ lệ bệnh nhân giảm 40%-60% so với bình thường. Và hậu quả là nhiều người bệnh trở nặng do không được thăm khám, điều trị kịp thời.

Đơn cử, trong tuần qua, khi BV TP Thủ Đức bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh nền quay trở lại khám bệnh, các bác sĩ đã phát hiện nhiều bệnh nhân đã trở nặng hơn do trì hoãn khám bệnh quá lâu hoặc tự ý sử dụng đơn thuốc cũ mua tại các hiệu thuốc. Thậm chí, có những trường hợp rơi vào nguy kịch, phải đưa đi cấp cứu.

Dần “bình thường hóa” hoạt động bệnh viện

Sở Y tế TPHCM cho biết, sở có kế hoạch giảm dần các khu cách ly tập trung, BV dã chiến tại các địa điểm là trường học, ký túc xá... Bên cạnh đó, dần chuyển đổi lại hoạt động của các BV, trong đó ưu tiên chọn BV đa khoa ở các quận, huyện để tiếp nhận điều trị những bệnh nhân mắc bệnh thông thường.

Cụ thể, từ ngày 22-9 đến ngày 30-9, Sở Y tế chuyển đổi 3 bệnh viện đa khoa ở các địa phương được đánh giá là an toàn với dịch bệnh gồm: BV quận 7, BV huyện Cần Giờ và BV Đa khoa khu vực Củ Chi trở về với công năng ban đầu.

Đưa hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường ảnh 1
Nhân viên điều dưỡng Khoa cấp cứu, Bệnh viện quận 7 kiểm tra các thiết bị để sẵn sàng điều trị bệnh nhân thông thường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Dù không điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng các bệnh viện vẫn phải đảm bảo có khu cách ly 10-20 giường để sẵn sàng cách ly những trường hợp nghi ngờ, có hệ thống oxy để kịp thời hồi sức cho bệnh nhân nặng, sau đó chuyển đến bệnh viện điều trị Covid-19”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho hay.

Tại BV quận 7, những ngày qua toàn bộ nhân viên y tế đang khẩn trương chuẩn bị mọi công việc để BV trở lại bình thường sau 2,5 tháng “tách đôi” điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi công năng như ban đầu, đơn vị đã tiến hành các công đoạn vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ các khoa, phòng, dụng cụ, trang thiết bị y tế... Công tác khử khuẩn cũng được thực hiện nhiều lần để đảm bảo sạch virus trước khi đón bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường vào điều trị từ ngày 30-9.

Trong những ngày qua, một số cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đã mở trở lại một số hoạt động phục vụ người bệnh mà trước đó đã tạm ngưng do dịch Covid-19. Cụ thể, BV Bệnh nhiệt đới mở lại hoạt động khám ngoại trú cho người bệnh HIV; BV Nhi đồng TP mở lại hoạt động đơn vị phẫu thuật trong ngày, tiêm chủng trẻ em; Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cũng mở lại hoạt động tiêm chủng cho trẻ em...

Theo quy định của Bộ Y tế, người dân khi đến khám bệnh tại các BV đều bắt buộc phải thực hiện test nhanh kháng nguyên với mức giá từ 238.000-350.000 đồng/người. Với bệnh nhân nội trú, trước khi làm thủ tục nhập viện phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR với mức giá hơn 735.000 đồng/người. Người có thẻ bảo hiểm y tế và là đối tượng được hưởng mức 80% chi phí khám chữa bệnh thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.

Trong quá trình điều trị nội trú, người bệnh và người nuôi bệnh phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR định kỳ 7 ngày/lần. Như vậy, người dân khi đi khám chữa bệnh trong thời điểm này phải chi trả thêm chi phí xét nghiệm Covid-19. Điều này cũng gây áp lực lớn cho các bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.