Thêm nhiều tín hiệu tích cực từ TP.HCM khi số lượng quận, huyện kiểm soát được dịch bệnh đang tăng lên, tạo đà mở cửa kinh tế theo kế hoạch chung của TP.HCM sau ngày 30.9.
Người dân Q.7, TP.HCM  đạp xe ra công viên  tập thể dục     /// KHẢ HÒA
Người dân Q.7, TP.HCM đạp xe ra công viên tập thể dục
KHẢ HÒA

Mở rộng vùng xanh

Trong buổi làm việc mới đây với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo TP.Thủ Đức cho biết địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch theo các tiêu chí tại Quyết định 3979 của Bộ Y tế.
 
Cụ thể, từ ngày 28.8 - 21.9, số ca mắc Covid-19 giảm liên tục; tuần gần nhất từ ngày 15 - 21.9, số ca mắc mới giảm hơn 69% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; cũng trong thời gian này không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới trên địa bàn. Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 của TP.Thủ Đức đạt trên 99% và mũi 2 trên 36%, địa phương này đặt mục tiêu đến 30.9 sẽ phủ vắc xin đến 100% người dân trên 18 tuổi; đồng thời cấp thẻ xanh Covid cho toàn bộ F0 đã khỏi bệnh trên địa bàn. Với những kết quả trên, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đánh giá TP.Thủ Đức đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
TP.HCM xanh hóa nhiều vùng - ảnh 1

Người dân mua bán tại chợ dã chiến xã Tân An Hội, H.Củ Chi, TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Trước đó, đoàn kiểm tra do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM công nhận H.Nhà Bè đã kiểm soát được dịch Covid-19 dựa trên các tiêu chí về số ca mắc mới, tỷ lệ dương tính trên tổng số người lấy mẫu và không ghi nhận chùm ca nhiễm mới.
Đến nay, ngoài 3 địa bàn: Q.7, H.Cần Giờ và H.Củ Chi công bố đã kiểm soát được dịch Covid-19 thì nhiều địa phương khác cũng đã thẩm định, tự đánh giá theo bộ tiêu chí để đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 công nhận đã kiểm soát được dịch như: TP.Thủ Đức, Q.Phú Nhuận, Q.3, Q.5, Q.11, H.Nhà Bè…
Ông Nguyễn Trần Bình, Phó chủ tịch UBND Q.11, cho rằng những ngày gần đây các chỉ số về ca mắc mới tại cộng đồng, chỉ số về tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm, nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm đều rất khả quan. Đáng chú ý, tỷ lệ dương tính trên tổng số lấy mẫu giảm liên tục trong vòng 14 ngày, nếu như ngày 4.9 chiếm tỷ lệ 2,63% thì đến ngày 18.9 kéo giảm còn 0,41%. Về phân vùng nguy cơ, đến ngày 22.9, tổ dân phố vùng xanh chiếm 43%, vùng cận xanh chiếm 19%, vùng vàng chiếm 22%, vùng cam 7% và vùng đỏ 8%; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt hơn 98% và mũi 2 gần 43%.
 
 
Điều chỉnh tiêu chí theo đặc thù TP.HCM
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6 - địa bàn được xếp vào nhóm vùng cam, cho rằng số ca nhiễm những ngày gần đây giảm nhiều, nhưng vẫn ở mức trung bình gần 100 ca/ngày, nên chưa thể gọi là an toàn tuyệt đối, quận đang cố gắng đến cuối tháng 9.2021 sẽ kiểm soát được dịch.
TP.HCM xanh hóa nhiều vùng - ảnh 2

Người dân Q.7, TP.HCM tập thể dục tại công viên

KHẢ HÒA

Trong Quyết định 3979 của Bộ Y tế có nêu tiêu chí trong vòng 14 ngày không có chùm, chuỗi ca lây nhiễm mới nhưng trên thực tế hơn 1 tháng nay TP.HCM không còn xác định chùm, chuỗi lây nhiễm mới do dịch đã thấm sâu vào cộng đồng khiến địa phương băn khoăn đánh giá sao cho phù hợp. Hiện các ca trong cộng đồng vẫn còn xuất hiện rải rác, nhưng theo bà Thảo, điều quan trọng là quản lý, chăm sóc và kiểm soát được F0 tại nhà thật tốt, hạn chế chuyển nặng.
Trả lời Thanh Niên chiều 24.9, Phó chủ tịch UBND Q.8 Nguyễn Thanh Sang cho hay quận từ vùng đỏ nay chuyển xuống vùng cam nên phải làm thận trọng. Xét theo bộ tiêu chí, quận có 6 phường vùng xanh, đến cuối tuần sẽ đánh giá thêm một số phường khác. Trong các tiêu chí của Bộ Y tế, ông Sang nhìn nhận tiêu chí số ca bệnh giảm liên tục trong vòng 14 ngày rất khó đạt. Trên thực tế, số ca nhiễm “có ngày giảm sâu nhưng cũng có ngày tăng lên chút xíu” nên đối chiếu theo bộ tiêu chí thì không thể đạt, ngay cả TP cũng đang vướng chỉ tiêu này nên cần điều chỉnh.
Một địa phương khác chuyển màu từ vùng đỏ xuống vùng cam là H.Bình Chánh. Theo lãnh đạo Huyện ủy Bình Chánh, trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 23.9, đoàn kiểm tra đánh giá những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện 5 xã vùng xanh, 7 xã vùng cam và 4 xã vùng đỏ. Huyện đã đạt 5/6 tiêu chí theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế, còn tiêu chí phát sinh ca nhiễm trong 14 ngày không đạt vì huyện đang trong đợt cao điểm xét nghiệm diện rộng. Cụ thể, vùng đỏ và vùng cam xét nghiệm 2 ngày/lần, còn vùng vàng và vùng xanh 4 ngày/lần; tỷ lệ ca dương tính trên số mẫu xét nghiệm vùng cam và vùng đỏ giảm còn 0,44%, còn vùng xanh là 0,31%.
Tại buổi họp báo định kỳ chiều 24.9, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc các địa phương phản ánh khó đạt tiêu chí giảm số ca nhiễm liên tục trong 2 tuần liên tục và giảm 50% so với ngày cao điểm của đợt dịch thì TP.HCM có đề xuất gì không? Trả lời, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện Sở Y tế đang cùng các sở ngành, cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề xuất Bộ Y tế.
TP.HCM xanh hóa nhiều vùng - ảnh 3

Người dân mua nhu yếu phẩm tại Q.7, TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

“TP.HCM có tính đặc thù nên một số tiêu chuẩn trước đây so với tình hình mới không còn phù hợp. Sau khi xin ý kiến và Bộ Y tế ban hành thì Sở Y tế sẽ công bố”, bà Mai nói.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, thông tin TP đã có quyết định thành lập 22 đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương. Tính đến trưa 24.9, có 14/22 đoàn làm việc với địa phương, còn 8 đơn vị tiếp tục làm việc mới có đánh giá tổng thể về tình hình dịch Covid-19 trên toàn thành phố theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế.
 
 
Các nơi “bình thường mới” ra sao?
Từ ngày 15.9, Q.7 và H.Củ Chi, H.Cần Giờ được chọn thí điểm hoạt động trạng thái “bình thường mới”. Đây là 3 địa phương của TP.HCM sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Trong nhóm này, Q.7 thí điểm cho 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thiết yếu được phép hoạt động trở lại có kiểm soát. Đến ngày 20.9, UBND Q.7 có kế hoạch thử nghiệm hoạt động luyện tập thể dục thể thao trên địa bàn quận trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, giai đoạn 1 từ ngày 20 - 30.9, hoạt động này được thí điểm ở P.Tân Phong và P.Tân Phú. Và người dân được đi bộ, tập thể dục dụng cụ đơn giản ngoài trời và hoạt động tennis ở 2 công viên và 5 sân quần vợt. Thời gian luyện tập gồm 2 khung giờ: 6 - 8 giờ và 16 - 18 giờ tại các điểm luyện tập thuộc vùng xanh, phải có ban quản lý, người quản lý công viên, sân luyện tập. Người được tham gia tập thể dục, thể thao phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đảm bảo xét nghiệm theo quy định và khai báo y tế hằng ngày trên app Y tế HCM; cư trú ở vùng xanh thuộc khu phố, tổ dân phố liền kề với điểm luyện tập; đăng ký với UBND phường và được cấp phiếu đủ điều kiện tham gia luyện tập; thực hiện 5K… Giai đoạn 2, từ ngày 1.10 trở về sau quận sẽ cho phép câu lạc bộ thể thao trong nhà, ngoài trời, sân vận động, sân bóng đá, sân cỏ nhân tạo... được hoạt động. Các cơ sở này phải đảm bảo theo 10 bộ tiêu chí bắt buộc của UBND TP.HCM ban hành.
TP.HCM xanh hóa nhiều vùng - ảnh 4

Tỷ lệ hộ dân/vùng nguy cơ và tình hình xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM

H.Củ Chi đang thí điểm nhiều hoạt động “bình thường mới”. Trong đó, từ ngày 17.9, tại xã Tân An Hội, chợ dã chiến được mở phục vụ người dân tại xã. Sáng 24.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chợ dã chiến Tân An Hội được mở trên sân bóng đá ở đường Bùi Thị Bùng, ấp Bàu Tre 1. Người dân vào chợ đều khai báo y tế, 5K và xịt khuẩn… Một người dân đi chợ chia sẻ: “Cảm thấy an toàn khi mua hàng hóa tại chợ dã chiến, vì mỗi gian chợ đều giữ khoảng cách 5 - 6 m, có màn che, giá cả lại rẻ”. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An Hội (H.Củ Chi) Trần Quang Duy cho hay xã Tân An Hội không có chợ truyền thống. Trước đây người dân tại xã đi chợ Củ Chi. “Khi TP giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, xã nào ở xã đó, nên khi mở chợ dã chiến người dân rất mừng”, ông Duy nói.
Tương tự, H.Cần Giờ cũng đang thí điểm hoạt động du lịch. Từ 19.9, 4 điểm Chiến khu rừng Sác, Khu du lịch Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch Hòn ngọc Phương Nam trên địa bàn H.Cần Giờ chính thức khôi phục hoạt động, mở cửa đón khách du lịch theo mô hình khép kín. Trong đó, 100% người lao động làm việc tại các bộ phận tiếp xúc với khách lưu trú và người ngoài cơ sở đảm bảo tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc F0 khỏi bệnh. Du khách đến tham quan cũng phải tiêm ngừa 2 mũi hoặc là F0 khỏi bệnh… Theo lãnh đạo H.Cần Giờ, hoạt động du lịch sẽ được thí điểm đến cuối tháng 9.2021, sau đó huyện sẽ có đánh giá, nếu thuận lợi sẽ nới lỏng hơn nữa, cho phép nhiều đơn vị du lịch được tham gia tổ chức hoạt động. Ngoài ra các hoạt động kinh tế khác như dịch vụ vui chơi, ăn uống… cũng được huyện tính toán để có lộ trình mở cửa từng bước.
 
 
Ngóng chờ thẻ xanh Covid-19
Mới đây, tại buổi làm việc với TP.Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhắc lại Thành ủy đã thống nhất 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế gồm: giai đoạn 1 từ 1 - 31.10, giai đoạn 2 từ 1.11 - 15.1.2022 và giai đoạn 3 từ 16.1.2022 trở đi.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND Q.Phú Nhuận cho hay đang chuẩn bị mọi mặt, hướng dẫn các doanh nghiệp đánh giá mức độ an toàn theo các bộ tiêu chí của TP.HCM với tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vị lãnh đạo quận băn khoăn vì tiêu chí thẻ xanh Covid của người lao động chưa rõ ràng và chắc chắn sẽ phát sinh khi triển khai trên thực tế. Nguyên nhân chính là các dữ liệu về tiêm vắc xin 2 mũi, 1 mũi hay F0 khỏi bệnh có mã số, F0 điều trị tại nhà… là điều kiện cấp thẻ xanh Covid chưa được cập nhật đầy đủ.
Trong bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM có nêu điều kiện “không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày” nhưng không nêu rõ cơ quan nào xác nhận cũng khiến địa phương bối rối. Chưa kể, khi dịch bệnh Covid-19 đã thấm sâu trong cộng đồng thì nguy cơ tiếp xúc F0 luôn hiện hữu mà chính người dân không hề hay biết.

Dự kiến phương án đi lại ở TP.HCM từ ngày 1.10

Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng dự thảo phương án tổ chức giao thông tại TP.HCM từ ngày 1.10 tới. Đồng thời gửi và đề nghị các cơ quan, đơn vị góp ý để Sở tổng hợp, trình UBND TP.HCM ban hành.

Khu vực nguy cơ

Ngoài các xe được phép lưu thông tại khu vực phong tỏa, bổ sung thêm xe của: shipper, xe chở hàng hóa, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh.
Xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư…; xe taxi được cấp phép hoạt động (có mã QR).
Xe đưa người dân TP về quê và xe đón người dân trở lại TP theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được cấp phép hoạt động.

Khu vực phong tỏa

Chỉ cho phép lưu thông các loại xe công vụ, phục vụ công tác phòng chống dịch, vận tải hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế, điện, nước, xe xử lý sự cố hệ thống thông tin, hạ tầng kỹ thuật đô thị; tang lễ, xe vận chuyển đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly tập trung, F0).

Khu vực bình thường mới

Ngoài các loại xe được phép đi lại tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được cấp phép hoạt động (có mã QR) để kiểm soát số lượng.
Đối với xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể qua các thông báo của Sở GTVT.
Về hoạt động hàng hóa, đối với khu vực nguy cơ, bình thường mới: xe tải nhẹ chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24h cho đến khi có thông báo mới. Xe tải nặng hoạt động theo quyết định số 23/2018/QĐ-UBND năm 2018.
Về hoạt động vận tải khách: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ (xe công nghệ), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế theo công bố của Sở GTVT và được kiểm soát thông qua mã QR.

Đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh

Tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên, gồm: vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; người dân từ các tỉnh đến TP khám chữa bệnh; đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Phan Thương