Trong khi những ồn ào quanh thỏa thuận AUKUS chưa lắng xuống, cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ kim cương (QUAD) giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản tại Nhà Trắng có thể là sự kiện quan trọng bậc nhất liên quan đến tương lai của Mỹ ở châu Á.

QUAD triển khai tầm nhìn châu Á - Ảnh 1.
Lãnh đạo QUAD (từ trái qua): Thủ tướng Úc, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Ấn - Ảnh: ABC NEWS

Vào tháng 3-2021, họ (QUAD) đã đặt ra một tầm nhìn. Lần này là để vận hành tầm nhìn đó.

SHRUTI PANDALAI (chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại New Delhi)

Chiều 24-9, giờ Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp trực tiếp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison để bàn chủ đề thúc đẩy tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đối phó Trung Quốc

Theo các nội dung dự thảo rò rỉ, Trung Quốc vẫn là mối quan ngại lớn nhất của bộ tứ và các thành viên QUAD. 

Nhóm bộ tứ dự kiến sẽ thảo luận về phương án đối trọng với sáng kiến Vành đai - con đường của Trung Quốc, chẳng hạn ý tưởng "Đối tác vì chất lượng hạ tầng" do Nhật đề xuất, hoặc "Xây lại thế giới tốt đẹp hơn" của chính quyền ông Biden.

Thượng đỉnh QUAD diễn ra giữa lúc Mỹ đang củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác ở châu Á. Ngoài ra Nhật có đang thể hiện quan điểm ngày càng cứng rắn với Trung Quốc, trong khi Úc mới đây đã tham gia thỏa thuận AUKUS với Mỹ, Anh để củng cố quân sự và ngoại giao.

Đến nay, quân sự vẫn là khía cạnh được các lãnh đạo QUAD thúc đẩy trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực tiếp tục đụng độ với Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia tại Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nhận định cách hành xử của Bắc Kinh chính là một yếu tố có thể chi phối hành động của QUAD đối với Trung Quốc. "Trung Quốc càng sẵn sàng đe dọa lợi ích của các nước khác, dọa cưỡng ép kinh tế... thì các nước sẽ càng phản ứng" - bà Glaser nói.

Theo rò rỉ dự thảo tuyên bố chung của QUAD mà Hãng tin Kyodo có được, các lãnh đạo bộ tứ sẽ có những lời lẽ cứng rắn hơn đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, "thách thức trật tự hàng hải dựa trên luật pháp" ở Biển Đông và Hoa Đông. 

Trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 3-2021, các bên chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp và tự do đi lại tại các khu vực này.

Trong khi Nhật Bản và Úc đã thể hiện sự hoan nghênh Mỹ can dự tại khu vực, Ấn Độ đến nay vẫn tỏ thái độ thận trọng. Tuy nhiên giới nghiên cứu nhận định New Delhi vẫn đang xích lại gần Mỹ, thông qua các cuộc tập trận chung, mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ.

Ông Richard Rossow, cố vấn cấp cao về quan hệ Mỹ - Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng việc ông Modi đích thân đến Washington dự cuộc họp trực tiếp giữa đại dịch là một điều đáng chú ý.

QUAD triển khai tầm nhìn châu Á - Ảnh 3.

Dữ liệu: TRẦN PHƯƠNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bàn y tế, CPTPP

Theo Hãng tin Reuters, các lãnh đạo bộ tứ cũng sẽ bàn về hàng loạt vấn đề từ xuất khẩu vắc xin ngừa COVID-19, hợp tác trong công nghệ mạng 5G, an ninh mạng, đảm bảo chuỗi cung ứng chip bán dẫn, cho đến diễn tập hàng hải và chia sẻ tình báo.

Một số quan chức Mỹ tiết lộ ông Suga muốn thảo luận với ông Biden về việc "một số nước gần đây nỗ lực để có thể gia nhập CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương)" mà Tokyo là thành viên chủ chốt. 

Mới đây, vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đã nộp đơn chính thức tham gia hiệp định thương mại này, và trước đó là Anh.

Chuyên gia Ben Scott, thuộc Viện Lowy ở Sydney (Úc), cũng cho rằng Mỹ cần nhiều hơn ngoài thỏa thuận AUKUS để gây ảnh hưởng tại khu vực, nhắc đến việc một số nước như Indonesia mới đây đã lên tiếng lo ngại về thỏa thuận nghiêng về quân sự này. 

Theo ông, Washington cần hướng QUAD đến các thỏa thuận "tích cực và mang tính bao hàm" tại châu Á - Thái Bình Dương nếu muốn đối phó với Trung Quốc. 

"Nếu muốn giành được tình cảm và lý trí của khu vực (châu Á - Thái Bình Dương), ưu tiên trước hết của Mỹ phải là COVID-19 và tiếp theo là an ninh và sự ổn định kinh tế rộng hơn" - ông Scott đánh giá.

Trong khi đó Đài CNN dẫn lời nhà phân tích Malcolm Davis, thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc, nhận định: "QUAD không phải là một NATO ở châu Á, nhưng rõ ràng nó đang đi theo hướng là một sự tiếp cận hợp tác về an ninh".

----------------------------------------------------------------

Việt Nam hoan nghênh mong muốn hợp tác của ‘bộ tứ kim cương’ QUAD với ASEAN

Trong thời gian qua, giới quan sát đánh giá các nước 'QUAD' gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc mong muốn tăng cường quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việt Nam hoan nghênh mong muốn hợp tác của ‘bộ tứ kim cương’ QUAD với ASEAN - Ảnh 1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 15-10 - Ảnh: BNG

Như Tuổi Trẻ Online thông tin trước đó, cuộc họp QUAD gần đây tại Tokyo (Nhật Bản) cho thấy một số tín hiệu mới trong cách tiếp cận của Mỹ, Nhật, Ấn và Úc. Đây là cuộc họp cấp ngoại trưởng thứ hai của một nhóm không chính thức có tên gọi "Đối thoại an ninh bốn bên" - thường được gọi là "QUAD" hay "Bộ tứ kim cương", "Tứ giác kim cương" hoặc "Tứ giác an ninh" - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Cụ thể, giới phân tích cho rằng các nước QUAD, đặc biệt là Nhật Bản, đang đề cao mối quan hệ hợp tác với ASEAN.

Trả lời câu hỏi về bình luận của Việt Nam trước nhận định này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định ASEAN luôn hoan nghênh các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung.

"Là chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đặt nhiệm vụ chính trong năm là xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò chủ tịch của mình, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN", bà Thu Hằng nói.

Cũng theo người phát ngôn, trong bối cảnh đại dịch do virus corona gây ra (COVID-19) đang tác động trực tiếp, lâu dài và sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu và khu vực, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng ASEAN và các nước đối tác, cũng là đối tác của ASEAN chung tay khôi phục kinh tế, ổn định đời sống người dân vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

"Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác cần luôn được đề cao", bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp ở Tokyo nêu trên, Ngoại trưởng Nhật Motegi Toshimitsu bóng gió về khả năng làm việc sâu sát hơn với các nước láng giềng của Nhật cũng như nước khác khi nói về thách thức Trung Quốc tạo ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông

"Nhằm giải quyết những căng thẳng này, đối thoại đa phương là rất quan trọng. Vì vậy, những gì Nhật Bản đang đề xuất là một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở - đó là tự do, dân chủ, thượng tôn luật pháp và tự do hàng hải. Các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị này có thể tham gia vào tầm nhìn này" - ông Motegi nói tại cuộc họp báo liên quan tới cuộc gặp Tokyo.

Theo báo Nhật Japan Times, đề cập riêng tới QUAD, ông Motegi nói rằng các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức cũng đang thúc đẩy cam kết đối với khu vực: "Điều quan trọng là phối hợp với càng nhiều nước nhất có thể, những nước chia sẻ giá trị chung và cơ bản này".