"Đói lũ" nhiều năm, cư dân miền Tây sông nước tìm sinh kế khác thay cho việc săn bắt sản vật mùa nước nổi.
Ngày cuối tháng 9, anh Bùi Trí Nhân, 27 tuổi, thành phố Hồng Ngự, Đồng Tháp, bơi xuồng đi thăm ruộng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh được ba tháng. Mực nước cao khoảng 7 tấc, nước lên đến đâu lúa vượt đến đó với thân, lá cứng cáp. "Đây là giống lúa mọc hoang sức sống và chống chịu sâu bệnh rất tốt", anh nói và cho biết, lúc làm đất, chuẩn bị xuống giống anh chỉ bón 6 tấn phân hữu cơ còn lại lúa phát triển tự nhiên, không phun thuốc ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Vừa bơi xuồng trong ruộng lúa, anh Nhân chỉ qua ao bên cạnh, cùng thời điểm lúa xuống giống, 300.000 con tôm càng xanh cũng được thả nuôi. Sau ba tháng, con lớn to bằng ngón tay cái chiếm khoảng 10%. Cách đây mấy ngày, chúng đã được chọn để thả sang ruộng lúa. Trước khi thả vào ruộng, tôm cần loại bỏ càng để chúng tập trung phát triển thịt. Riêng số tôm nhỏ tiếp tục nuôi trong ao.
Đến cuối tháng 11 khi nước lũ rút cũng là lúc lúa trổ bông. Một tháng sau lúa chín, tôm cũng đủ kích cỡ để thu hoạch một lượt. "Sở dĩ chọn tôm càng xanh vì chúng phát triển rất tốt cùng với lúa. Trời mát tôm sẽ lên ruộng ăn trứng nước (Artemia, một loại ấu trùng mới nở), trời nắng chúng xuống mương để trú và ăn rong rêu, tảo quanh gốc rạ. Mô hình này hoàn toàn không tốn thức ăn", anh Trí Nhân chia sẻ.
Anh Nhân là một trong số những nông dân đang thí điểm nuôi tôm càng xanh và cá linh trên ruộng lúa ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Dự án sinh kế mùa lũ này do Phòng Kinh tế thành phố Hồng Ngự triển khai từ tháng 6 trên diện tích 11 ha với một ao rộng một ha dùng để nuôi tôm giống và 10 ha trồng lúa.
Cùng thực hiện mô hình, ông Nguyễn Văn Tuấn, 45 tuổi, cho biết trước đây vào mùa nước nổi gia đình sống nhờ việc giăng lưới, cắm câu ếch. Mấy năm gần đây nước lũ về ít và muộn, tôm cá lại ngày một khan hiếm, việc đánh bắt đủ ăn chỉ đủ ăn. Khi được gợi ý thực hiện mô này ông đồng ý ngay.
Để chủ động trữ nước, lúc nuôi cá linh, ông Tuấn lên đê bao cao khoảng 1,5 m xung quanh thửa ruộng. Sau đó, ông tận dụng nước thải các ao cá tra xung quanh đưa vào ao, ruộng tạo nguồn trứng nước để làm thức ăn cho cá linh.
"5 triệu con cá linh giống thả xuống, chúng lớn rất nhanh mà không tốn chi phí thức ăn. Sau một tháng đã có thể thu hoạch với giá bán 130.000 đồng mỗi kg. Sản lượng thu được khoảng 1,5 tấn", ông Tuấn cho biết. Trừ đi chi phí mua con giống 3 đồng một con, tiền công và một số chi phí khác, giá thành cá linh chỉ khoảng 15.000 đồng mỗi kg, ông thu lợi hơn 170 triệu đồng.
Ông Tuấn giải thích cặn kẽ, thu hoạch cá linh xong sẽ xuống giống lúa để chuẩn bị thả tôm. Chủ ruộng cần xuống giống trước lũ khoảng 1,5 tháng (cuối tháng 6), thời gian sinh trưởng kéo dài sáu tháng tức sẽ thu hoạch sau khi lũ rút một tháng. Khi nước về có thể cho vào ruộng lúa sâu đến 1,2 m và trữ lại bằng hệ thống đê bao.
Ông Dương Phú Xuân, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Hồng Ngự, cho biết khi thiết kế dự án đã chủ động chọn thời điểm lúa mùa trổ bông trùng với các ruộng trong khu vực để giảm bớt thiệt hại do chim, chuột tấn công. Người dân tham gia sẽ được hỗ trợ về con giống, kỹ thuật và một số chi phí đầu tư khác.
Theo ông Xuân, thay vì làm lúa vụ ba, chỉ với một tháng nuôi cá linh nông dân đã có lợi nhuận bằng ba vụ lúa. Các nguồn thu khác như lúa, tôm sẽ giúp thu nhập của người dân tăng gấp 2-3 lần. Việc tận dụng các phụ phẩm như nước thải ao nuôi cá để tạo thức ăn cho tôm và cá linh cũng giúp giảm chi phí đầu tư và thuần tự nhiên.
Ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự, cho biết dự án hài hòa với các điều kiện cư dân xung quanh, đồng thời tạo ra thu nhập tốt. Sau khi đánh giá, tổng kết mô hình, thành phố sẽ tiến hành nhân rộng, để người dân không còn phụ thuộc việc săn bắt mùa nước nổi.
Theo ông Luân, sắp tới địa phương xây dựng làng nghề cá linh, trong đó ngoài bán cá tươi cần khai thác sâu theo hướng giá trị gia tăng như nước mắm cá linh, cá linh đóng hộp, mắm cá... Lúa mùa sau khi thu hoạch bông tận dụng phần rơm để làm nấm rơm. "Đi đôi với việc nuôi trồng cần đẩy mạnh chế biến, tận dụng phụ phẩm để gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, đây là mô hình thuần tự nhiên cần chú trọng xây dựng thương hiệu để có đầu ra ổn định", ông Luân nói.
Tiến sĩ Dương Văn Ni - chuyên gia về môi trường, Đại học Cần Thơ, cho biết một dự án sinh kế mùa lũ cần đạt được 4 mục tiêu, trước hết là tạo sinh kế cho người dân trong mùa lũ mà ít rủi ro nhất.
Ngoài ra, nước lũ khi vào đồng ruộng sẽ cung cấp phù sa giúp đất ít bạc màu. Mục tiêu thứ ba là trữ nước để chia sẻ rủi ro ngập lụt cho hạ nguồn và xả nước trong điều kiện khô hạn. Mục tiêu cuối cùng là gầy dựng đa dạng sinh học, cá trắng sinh sôi sẽ là thức ăn cho cá đen, cá đen tiếp tục là thức ăn của chim cò. Tùy vào từng điều kiện sinh thái cụ thể để ưu tiên chọn mục tiêu nào hàng đầu.
Tiến sĩ Ni nhấn mạnh để tránh mô hình sinh kế mùa lũ "chết yểu" sau khi hết tài trợ, cần thiết kế mô hình có tính tập trung vì việc quản lý nếu manh mún sẽ rất tốn công. Đồng thời mô hình không để xảy ra xung đột với các hộ xung quanh.
"Cần xây dựng chiến lược cho người dân thích ứng từ từ, ít nhất cũng 2-3 năm để người dân có sự chuẩn bị. Mô hình cần dựa vào nội lực từ bên trong của người dân chứ không phải từ sự tài trợ từ bên ngoài", tiến sĩ Ni nói.