Do tổ chức thực hiện tốt giải pháp "7 xanh", đến nay đã có gần 60% doanh nghiệp trong KCX - KCN tại TP. HCM tái hoạt động sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các KCX - KCN TP. HCM cho biết, việc chính quyền địa phương giữ và mở rộng được vùng xanh là điều kiện thuận lợi, thậm chí là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất ổn định. 

gan 60 doanh nghiep trong kcx  kcn tai tp hcm da tai san xuatnho thuc hien giai phap 7 xanh hinh 1

Để việc tái hoạt động thuận lợi, công nhân có thể lựa chọn “3 tại chỗ”  hoặc giải pháp “di chuyển xanh” kết hợp “gia đình xanh” sống trong “khu vực xanh”. 

Theo ông Nguyễn Văn Bé, hiện một số doanh nghiệp chưa phục hồi được sản xuất, đa phần do chưa có “vùng xanh” ở các khu vực lân cận nơi sản xuất của doanh nghiệp.  

Ngoài việc chủ động an toàn sản xuất, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng nên thiết lập bệnh viện hoặc trung tâm điều trị F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tại khu vực có đông công nhân tập trung như KCX, KCN.

Việc thiết lập này sẽ giúp hỗ trợ kịp thời cho DN trong việc bóc tách và điều trị F0 nếu có. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp "sống chung với Covid-19". 

Chủ tịch Hiệp hội DN các KCX - KCN TP. HCM cho biết, hiện có nhiều DN đã chủ động thực hiện giải pháp “7 xanh” bao gồm: nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, gia đình xanh, nhà cung cấp xanh, vaccine (xanh) và trạm y tế tại chỗ (xanh). Và kết quả đạt được rất khả quan.

Theo ông Bé, đến nay đã có gần 60% doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, phần lớn do đã tổ chức tốt “7 xanh”. 

Đơn cử, tại KCX Tân Thuận đã có 110/230 DN đã hoạt động lại, khu công nghệ cao 67/85 DN, KCX Linh Trung 1, 2 có 40/65 DN… 

Mặc dù công suất hoạt động của các doanh nghiệp này còn hạn chế, chưa đủ 100% như trong điều kiện bình thường nhưng cơ bản giải quyết được những đơn hàng tồn đọng đã đến hạn giải giao cho đối tác, không thể kéo dài.

Bên cạnh đó, các doan nghiệp đề nghị TP. HCM nên đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó ưu tiên công nhân các ngành sản xuất, phân phối hàng hóa, logistics. 

Bởi việc gián đoạn sản xuất từ tháng 5 đến nay đã khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy. 

Không chờ được, nhiều doanh nghiệp FDI đã dời một phần đơn hàng sang nước lân cận, và tình trạng này nếu không được khắc phục nhanh thì doanh nghiệp trong nước có nguy cơ mất hẳn đơn hàng. Đây sẽ là khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.