Xem những thước phim tư liệu về quá trình xây dựng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải những năm đầu miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội càng thấy rõ sự vĩ đại của sức mạnh lòng dân.

Trên đại công trường Bắc Hưng Hải, hàng vạn con người ngày đêm thi đua lao động không ngơi tay để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất. Không phân biệt các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên hay quần chúng, người chỉ huy công trường hay người lao động, tất cả cùng xắn tay làm việc cật lực để đào, đắp, vận chuyển hàng triệu khối bùn, đất. Riêng với những đồng chí cán bộ, họ đã để lại một hình ảnh thực sự xúc động về sự gương mẫu, gần dân, sát cánh cùng nhân dân để tạo nên kỳ tích Bắc Hưng Hải. 

Gần dân, dân sẽ giúp
Bác Hồ cấy thử máy cấy tại Trại thí nghiệm của thanh niên ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 1960. Ảnh tư liệu

Chuyện gần dân của người cán bộ, người đứng đầu, nói thì dễ, nhưng làm thì không dễ. Nó phụ thuộc vào ý chí của con người. Ở cơ sở, cần phải ghi nhận, nhiều đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu có tác phong làm việc sâu sát, tỉ mỉ, gần dân, chịu khó lắng nghe những khó khăn từ cơ sở để có biện pháp tháo gỡ phù hợp. Tuy vậy, cũng không ít lãnh đạo, người đứng đầu còn biểu hiện xa dân. Câu chuyện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bất ngờ đi kiểm tra một số cơ sở trong thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa qua càng cho thấy, tình trạng một số cán bộ, người đứng đầu xa dân, không nắm được công việc, quan liêu trong lĩnh vực, địa phương mình quản lý bộc lộ rõ. Biểu hiện cụ thể nhất là cán bộ ngại đi cơ sở, tác phong kiểm tra, làm việc qua loa, đại khái. Hệ quả là việc ban hành những chủ trương, chính sách, quyết định không phù hợp, gây bức xúc cho dư luận. Đó là những quyết định ban hành "trong phòng máy lạnh", thiếu tính thực tiễn.

Trên thực tế, khi có vấn đề bức xúc, hoặc muốn trình bày tâm tư, nguyện vọng, người dân ít có cơ hội gặp được người đứng đầu cơ sở, người thực sự có trách nhiệm giải quyết. Gõ cửa phòng cán bộ thì cửa phòng luôn đóng, gọi điện thì không có người nghe, vì đơn giản, đó là số máy lạ. Tình trạng cán bộ trốn, tránh tiếp dân, không giải quyết, không đương đầu với vấn đề mà người dân bức xúc không hiếm. Một số cán bộ lại tự cho mình quyền như ban phát. Rất đáng suy nghĩ khi những từ ngữ xin-cho với cơ quan công quyền như một sự mặc định: “Đi xin học cho con”, “Đi xin giấy khai sinh”, “Đi xin giấy chứng tử”, “Đi xin giấy xác nhận”... Từ "xin" là không đúng với bản chất của chế độ ta, bởi nghĩa vụ của cơ quan công quyền là phục vụ người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thực hiện được những thủ tục, giấy tờ ấy. Chính sự xa dân, sự quan liêu của một số cán bộ đã sinh ra tư tưởng đó.

Luật pháp có quy định rất rõ, các cơ quan nhà nước từ Trung ương xuống đến cơ sở đều phải thực hiện tiếp công dân. Người đứng đầu phải định kỳ tiếp công dân theo quy định của luật. Mục đích của việc này là để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của công dân, từ đó giải thích, hướng dẫn, giải quyết các vấn đề như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Tuy vậy, trên thực tế nhiều nơi, người đứng đầu không thực hiện tiếp công dân hoặc tiếp công dân một cách hình thức. Đây là một trong số nguyên nhân khiến cho những bức xúc của người dân không sớm được tháo gỡ, giải quyết, dẫn đến gia tăng tình trạng tụ tập đông người, khiếu nại, tố cáo vượt cấp phức tạp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: “Có dân là có tất cả”. Trong cuộc đời mình, Người đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, đi thăm nhân dân. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 10 năm, từ năm 1955 đến 1965, Bác đã về địa phương, cơ sở, đến với nhân dân hơn 700 lần. Những chuyến đi của Bác thường không được báo trước, không gây tốn kém, lãng phí cho cơ sở và đặc biệt là tác phong giản dị, không bao giờ có chút gì quan cách. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tấm gương sáng để chúng ta học tập. Gần dân, thấu hiểu để làm việc vì dân luôn là phẩm chất, tác phong cần thiết của người cán bộ.