Chỉ có thể nói cách hành xử của nữ giám đốc Công ty Mỹ phẩm Đông Anh chính là thái độ xem thường kỷ cương xã hội, xem thường sức khỏe cộng đồng.
Vụ việc gây bức xúc dư luận cả thời gian dài.
Chủ doanh nghiệp là bà Nguyễn Huỳnh Như là F2 của một chuỗi lây nhiễm. Sau khi cơ quan y tế hướng dẫn cách ly tại nhà, bà Như phớt lờ, nhởn nhơ tiếp xúc với nhiều người, đến công ty và nhiều nơi khác trong lúc TP Bạc Liêu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Hậu quả, bà Như dương tính với SAR-CoV-2 và là nguồn lây cho nhiều người khác.
Thật không thể chấp nhận thái độ sống kỳ quặc như thế. Bản thân là đối tượng nghi nhiễm đã được khuyến cáo cách ly, xã hội đang giãn cách nhưng bà vẫn bất chấp, ngang nhiên rong ruổi khắp nơi.
Biện minh rằng thiếu hiểu biết cũng không được, bởi cơ quan y tế đã cảnh báo dịch bệnh với bà.
Lấy lý do công việc cấp thiết cũng là dối trá, bởi đang giãn cách thì doanh nghiệp mỹ phẩm của bà chẳng có lý do đón nhận khách hàng.
Vả lại, những nơi bà đến cũng không phải là những dịch vụ cấp thiết phục vụ đời sống.
Chỉ có thể nói cách hành xử của nữ giám đốc trên chính là thái độ xem thường kỷ cương xã hội, xem thường sức khỏe cộng đồng.
Là đối tượng cách ly nhưng bà Nguyễn Huỳnh Như vẫn ra ngoài tiếp xúc nhiều người và làm lây lan dịch bệnh
Vụ việc gây bức xúc xã hội, cơ quan y tế xác định rõ nguyên nhân và nguồn lây từ nữ giám đốc này nhưng vì sao cơ quan công an sở tại không sớm vào cuộc, đợi đến khi người dân bức xúc có đơn tố cáo thì vụ việc mới được điều tra (?!).
Vì bà Như là nữ doanh nhân trẻ nổi tiếng hay vì bà là con của một cán bộ cấp phó phòng công tác tại công an tỉnh Bạc Liêu? - dư luận có quyền đặt nghi vấn và yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu phải xử lý sòng phẳng, bình đẳng.
Cho đến nay không còn ai nghi ngờ về hậu quả khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn xã hội. Sản xuất đình trệ, công ăn việc làm bị mất, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn muôn bề. Chính phủ phải huy động mọi lực lượng tham gia chống dịch. Hàng mớ tiền đã phải bỏ ra để chăm sóc y tế cho người bệnh, trợ cấp người khó khăn, mất việc và công cuộc tái thiết kinh tế sắp tới còn phải cần rất nhiều tiền của và sức lực.
Hiện nay đội ngũ y tế gần như kiệt sức và nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ sức khỏe của người dân. Thế nhưng, vẫn có không ít người vô trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cả cộng đồng khi ngang nhiên phá bỏ những quy định phòng ngừa dịch bệnh mà mọi người khác đang vất vả tuân thủ. Không thể cứ vô tri khi mối nguy hiểm từ dịch bệnh đang rình rập từng ngày.
Sự tàn phá của đại dịch ai cũng mong sớm được chấm dứt nên không thể dung thứ cho bất cứ ai "tiếp tay". Lơ là trách nhiệm của bản thân với dịch bệnh đã đáng trách thì lơ là xử lý những người vi phạm càng đáng trách hơn, bởi cái giá phải trả cho những vụ việc này vô cùng lớn, là cả sinh mạng của người khác.
Chiều qua 25-9, trong phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã tuyên phạt 30 tháng tù với một tài xế. Anh này vi phạm quy định giãn cách xã hội, từ TP HCM lái xe về Ninh Thuận, tiếp xúc với nhiều người. Hậu quả là chính anh ta bị nhiễm SAR-CoV-2 và lây cho người khác.
Tại các địa phương như An Giang, Bình Định… đã khởi tố, tuyên phạt nhiều người vi phạm, làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Bạc Liêu cũng không thể ngoại lệ, phải mạnh tay xử lý những người coi thường sức khỏe của cộng đồng thì mới mong công tác chống dịch tại địa phương mang lại hiệu quả.
Điều này còn mang ý nghĩa siết chặt kỷ cương để nỗ lực chống dịch của cả quốc gia không bị cản trở và nhanh đi đến kết quả cuối cùng là người dân được an toàn, xã hội trở lại đà phát triển.