Chiều tối 1-10, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp và phiên họp thứ nhất Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự buổi lễ.
 
Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp  ​ ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chúc mừng Viện Nghiên cứu lập pháp có khung khổ mới để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu lập pháp, thiết chế quan trọng có tính đặc thù, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Viện cần mở rộng, từng bước thiết lập quan hệ với các cơ sở nghiên cứu trong cả nước; tăng cường ngoại giao nghị viện trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ kỳ vọng Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ là nòng cốt thành lập mạng lưới sáng kiến Quốc hội; tham gia tích cực vào Diễn đàn kinh tế, xã hội thường niên, các hoạt động trong khuôn khổ của diễn đàn; hình thành tổ tư vấn cho cho Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp chặt chẽ với Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cung cấp kịp thời tài liệu cho đại biểu Quốc hội, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu về khoa học, luật pháp; chủ động tổng kết, đánh giá kinh nghiệm hoạt động 80 năm của Quốc hội…

Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp  ​ ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Theo Nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng có nhiệm vụ thu hút chuyên gia và cộng tác viên tham gia hoạt động nghiên cứu và tổ chức cung cấp thông tin khoa học lập pháp; tổ chức các hội nghị, hội thảo phục vụ các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội giao.

* Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Hội đồng Khoa học đã thông qua Chương trình công tác của Hội đồng khoa học; quy chế làm việc của hội đồng; phân công nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng khoa học; đồng thời, xem xét cho ý kiến vào định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển. Hội đồng có 22 ủy viên.

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ có trách nhiệm thảo luận, xem xét định hướng khoa học, công nghệ; tư vấn nhiệm vụ, danh mục khoa học, công nghệ hàng năm; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ; điều hòa thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Hội đồng khoa học thực hiện nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề quan trọng của đất nước... khi được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền giao.