Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, việc Bộ Công an chỉ đạo làm rõ trắng đen về các cáo buộc không minh bạch trong hoạt động quyên góp từ thiện sẽ chấn chỉnh, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực, răn đe những kẻ bất lương có ý định trục lợi trên lòng nhân ái của đồng bào.
Lùm xùm quyên góp từ thiện, Bộ Công an vào cuộc
Thời gian vừa qua, những ồn ào xung quanh sự việc một số nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành… có hoạt động gây quỹ để hoạt động từ thiện, cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại miền Trung năm 2020 có dấu hiệu không minh bạch đã gây ra những phản ứng khác nhau từ dư luận.
Đặc biệt, từ cuối tháng 8/2021 đến nay, trên mạng xã hội nổ ra câu chuyện “sao kê từ thiện” liên quan đến các nghệ sĩ khiến người dân không khỏi băn khoăn, nghi ngờ và đặt câu hỏi: Liệu rằng có việc lợi dụng hoạt động quyên góp từ thiện để trục lợi?
Trước những ngờ vực trên, dư luận mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ sự việc lấy lại danh tiếng cho các nghệ sĩ, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân nếu có hành vi khuất tất, vi phạm pháp luật.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TPHCM) cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an 21 quận, huyện và Công an TP.Thủ Đức về việc phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 2/10/2021, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an xác nhận, Bộ Công an nhận được tin báo tố giác tội phạm và những đơn tố cáo liên quan đến một số cá nhân liên quan đến hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại khu vực miền Trung 2020. "Bộ Công an đã chỉ đạo cho Cục cảnh sát hình sự thụ lý kiểm tra, xác minh các nguồn tin", ông Xô thông tin.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, hiện nay, Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng tiến hành rà soát, xác định các tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ quá trình tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân của một số cá nhân.
Cục Cảnh sát hình sự cũng đang phối hợp với UBND, MTTQ Việt Nam các cấp của các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ những số tiền, hàng mà các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, từ thiện tại các địa phương đó.
"Hiện, cơ quan Công an đã mời làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan để sớm có kết luận chính xác về vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Làm rõ trắng đen, giải tỏa nghi vấn
Trước việc Bộ Công an vào cuộc xác minh các tố giác sai phạm trong hoạt động từ thiện, trao đổi với phóng viên, Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin phản ánh một số hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động từ thiện của một số người nổi tiếng, khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải có hoạt động điều tra xác minh, làm rõ những tin đồn đó có căn cứ hay không.
Cũng theo ông Hiếu, các cơ quan chức năng cũng đã nhận được một số đơn trình báo, tố giác tội phạm cũng liên quan đến vấn đề này. Do đó, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh là hoạt động bình thường, theo quy định của pháp luật.
“Trước yêu cầu, mong mỏi của cộng đồng xã hội về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện, sự vào cuộc này là cần thiết và kịp thời”, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Theo Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu nhận định, có thể xảy ra các khả năng sau khi cơ quan chức năng của Bộ Công an vào cuộc. Cụ thể: Thứ nhất, sẽ phát hiện, làm rõ và xử lý tội phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Bởi vì, nếu một người kêu gọi cộng đồng làm từ thiện để nhận được tiền và chiếm đoạt hoàn toàn, hoặc một phần số tiền đó, thì hành vi có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, nếu người sử dụng mạng xã hội tố cáo đích danh người khác ăn chặn, biển thủ tiền từ thiện mà không có căn cứ xác đáng, hoặc cố ý bịa đặt và lan truyền những thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị cáo buộc, thì hành vi có dấu hiệu của tội vu khống, tội làm nhục người khác, hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người phạm tội này sẽ bị xử lý về hình sự.
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng nhấn mạnh, việc cơ quan chức năng của Bộ Công an tiến hành xác minh các thông tin cáo buộc sai phạm trong hoạt động từ thiện là rất có ý nghĩa, điều này thể hiện trên các khía cạnh. Đó là sẽ giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận.
Phân tích điều này, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, hiện nay lòng tin của nhiều người đang bị xói mòn bởi các thông tin cáo buộc đối với một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức hoạt động từ thiện để trục lợi. Từ đó dẫn đến tình huống những người có tấm lòng nhân ái, muốn giúp đỡ người khác trong hoạn nạn, nhưng lại e ngại số tiền phát tâm thiện nguyện của mình không đến được đúng địa chỉ, nên không tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Hậu quả cuối cùng là người cần cứu giúp sẽ không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng.
Đặc biệt, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, việc xác minh làm rõ trắng đen, thực hư xung quanh các cáo buộc, giúp giải tỏa nghi vấn, giải oan cho người vô tội, hoặc trừng trị thích đáng người có tội.
“Qua sự vào cuộc này, sẽ giúp chấn chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực, răn đe những kẻ bất lương có ý định trục lợi, kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào”, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.