Theo Bộ Công Thương, trong nhiều năm giá gạo xuất khẩu đều dưới 500 USD/tấn. Việc giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng 2021 đạt 534 USD/tấn là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải cẩn trọng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được gần 4 triệu tấn gạo, tương đương 2,13 tỷ USD, giá bình quân đạt 534USD/tấn.
So với cùng kỳ năm ngoái giảm 13% khối lượng, kim ngạch giảm 5,5% nhưng giá lại tăng 9,2%. Đây là điều ngành gạo trông đợi từ lâu để nâng cao giá trị hạt gạo.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định: Trong nhiều năm giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt bình quân đều dưới 500 USD/tấn. Việc giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt 534 USD/tấn là tín hiệu tích cực cho hạt gạo Việt Nam.
Theo ông Hải, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38% về kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là Trung Quốc gần 37%. Bên cạnh đó, tại châu Phi, Gana cũng thiết lập kỷ lục mới với 406.000 tấn gạo, giá trị xuất khẩu đạt gần 590 USD/tấn.
“Trước đây, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên, trong vài năm gần đây sản lượng xuất khẩu gạo sang Philippines ngày càng tăng”, ông Hải cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của gạo Việt Nam là Thái Lan. Trong hai năm qua tác động dịch bệnh, xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 13%.
Dự kiến xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm xuống ngưỡng 6 triệu tấn/năm, giảm 200.000 tấn so với thời gian trước đây. Điều này cho thấy, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, mà nó còn ảnh hưởng chung tới các nước xuất khẩu.
Với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long tới các cảng; tiếp cận hỗ trợ tín dụng để thu mua lúa gạo từ nông dân.
Dù vậy, các Bộ, ngành vẫn đang tích cực tháo gỡ những khó khăn, để ổn định tình hình sản xuất cũng như xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Trên cơ sở sở giữ vững thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới, ông Trần Thanh Hải kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tuân thủ nghiêm ngặt quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng chất kiểm dịch thực vật để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đây, Trung Quốc được coi là thị trường dễ tính, thế nhưng, gần đây họ cũng đang siết lại các quy định kiểm dịch. Vì thế trong quá trình doanh nghiệp mở rộng chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất với người trồng thì phải đảm bảo chất lượng duy trì, đảm bảo tốt”, ông Hải chia sẻ.
Trước hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ, sau đó tái xuất dưới thương hiệu gạo Việt, đại diện Bộ Công Thương đang kiểm tra và làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp phải nói không với hành vi gian lận xuất xứ, vì không chỉ tổn hại thương hiệu gạo Việt Nam mà cả bà con nông dân”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nói.