Làn sóng người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở về quê chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người kéo nhau tản cư. Đó là một hiện tượng, một vấn đề xã hội không thể cưỡng, thậm chí có thể có những phức tạp, nan giải phát sinh do dịch bệnh gia tăng sau làn sóng tản cư nhưng nhìn về mặt lâu dài thì "trong nguy vẫn có cơ".
Hơn 15.000 người dân tự phát về An Giang
Tản cư sau bão dịch - bước đường tất yếu của mưu sinh
Tản cư không chỉ là nhu cầu mà là lựa chọn bắt buộc của đại đa số người lao động rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Từ thực trạng này, dư luận xã hội nổi lên một số vấn đề đáng lưu tâm. Nhiều người trong giới chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… bày tỏ lo ngại về tình trạng khủng hoảng thiếu lao động trong các KCN, KCX thời hậu Covid-19.
Đó là một thách thức nhãn tiền, không thể tránh.
Một bộ phận khác nhân hiện tượng này, bày tỏ thái độ bi quan, lên án Chính phủ, quy chụp hệ thống chính trị bỏ rơi người lao động. Trên cơ sở đó, người ta lèo lái dư luận xã hội theo hướng cực đoan, gây rối loạn mục tiêu, giải pháp chống dịch và kế sách phục hồi kinh tế - xã hội (KTXH) của Chính phủ.
Khuynh hướng này rất nguy hiểm. Nó tạo cớ để các thế lực bên ngoài lợi dụng xuyên tạc tình hình, kích động chống phá chế độ, chống phá đất nước. Và cả 2 khuynh hướng trên đều mang tính cực đoan, võ đoán. Chúng ta cần nhìn nhận thực trạng này bằng thái độ bình tĩnh, khách quan. Chỉ có như thế mới tìm ra phương án giải quyết tình hình. Không có phương án hoàn hảo. Chỉ có phương án tối ưu.
Với hàng vạn công nhân, cuộc di tản trên diện rộng diễn ra trong thời gian qua và cả hiện tại, là một phương án tối ưu. Sự tối ưu đó giúp họ tạm thời thoát khỏi cuộc sống túng thiếu, nghèo đói, ngột ngạt… trong các khu trọ. Khi số đông người lao động chọn phương án tối ưu tản cư, chính quyền và doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác, phải đồng hành, ủng hộ phương án tối ưu đó bằng những giải pháp tối ưu của mình. Vấn đề đặt ra là các hoạt động, diễn biến cần đặt dưới sự quản lý, điều hành, hỗ trợ một cách tốt nhất để tránh tản cư tự phát, vô tổ chức, nảy sinh những hành động cực đoan, vi phạm pháp luật trong một bộ phận cá biệt những người tản cư.
Cần tuyệt đối tránh và đề phòng việc lợi dụng tản cư vì lý do đời sống để tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thực hiện các mưu đồ chính trị.
Nên giữ chân người lao động hay tìm giải pháp tối ưu khác?
Việc các địa phương liên kết, phối hợp giúp đỡ, đưa đón con em trở về quê hương, chính là sự thể hiện sự tối ưu đó nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật và an toàn phòng, chống dịch.
Lực lượng công an tuyên truyền cho người dân về các chủ trương của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thúy An/qdnd.vn. |
Phương án tối ưu chỉ có giá trị mang tính thời điểm. Nó không thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh, vì vậy, khi mục tiêu thay đổi, phương án sẽ thay đổi theo.
Về hiện tượng công nhân, người lao động tản cư ồ ạt hiện nay, ta thấy, họ phải về quê vì không còn lựa chọn nào tốt hơn. Vậy thì muốn giữ chân họ, không thể cứ vận động, phong tỏa. Mà kể cả có vận động, phong tỏa thì cũng chỉ giữ được thể xác chứ không ai giữ được tinh thần, động lực của họ được. Như vậy, yếu tố quyết định để thu hút, giữ chân nguồn lao động cho các KCN, KCX hiện nay nằm ở thái độ phản ứng, chế độ vận hành, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp và địa phương chứ không phải ở đôi chân, ý thức của người lao động.
Từ đó suy ra, để giải quyết thiếu hụt lao động sau dịch, doanh nghiệp, địa phương phải bắt đầu ngay việc tái khởi động bằng một chiến lược hoàn toàn mới. Không thể lấy khuôn mẫu vận hành doanh nghiệp trước dịch để mong giữ chân công nhân. Chìa khóa để doanh nghiệp thực hiện chiến lược này chính là truyền thông trung thực và mạnh mẽ các chính sách, chế độ đãi ngộ cho công nhân. Doanh nghiệp phải cam kết trả lương cao, có các chính sách dân sinh, nhân đạo tiến bộ, có các khoản phúc lợi hấp dẫn... người lao động ắt sẽ tự quay trở lại và tự tìm đến.
Cơ hội mới để tái cấu trúc kinh tế, ly nông bất ly hương
Quy luật cuộc sống là chỗ nào tốt thì người ta tìm đến, không cần nói nhiều, không cần vận động. Làn sóng người lao động rời quê ra phố lập thân, lập nghiệp, mưu sinh trong những thập niên vừa qua cũng chính là kết quả và hệ quả của quy luật này. Mà để làm được điều đó thì doanh nghiệp phải chấp nhận hy sinh. Đừng vội đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận vào lúc này, mà phải nghĩ cách thu hút nhân lực để tái khởi động chuỗi vận hành sản xuất kinh doanh trước đã. Phải dũng cảm chấp nhận bù lỗ năm đầu để tạo đà cho những năm tiếp theo. Tư duy “bóc ngắn cắn dài” kiểu trước đây sẽ không còn đắc dụng trong tình hình mới.
Đó là phân tích dưới góc độ lợi ích doanh nghiệp, lợi ích kinh tế cục bộ của địa phương. Còn với tổng thể của nền kinh tế đất nước, xu hướng tản cư chính là cơ hội để tái cấu trúc kinh tế vĩ mô để phải làm sao vừa tiếp tục có giải pháp tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của những thành phố, trung tâm kinh tế lớn; vừa tiếp tục tái cấu trúc, hỗ trợ các địa phương khác phân bố lại lao động và dân cư hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Đại dịch Covid đã, đang và sẽ tiếp tục làm xoay chuyển trục kinh tế theo nhiều hướng, có thể tạo thêm cơ hội bứt phá thuộc về các địa phương, trong đó có nhiều địa phương vốn dĩ ì ạch xưa nay.Cờ đã đến tay các địa phương này theo cách "Bất chiến tự nhiên thành". Cơ hội rõ nhất là họ đang có một nguồn nhân lực hồi hương hùng hậu, yếu tố quyết định để tạo bứt phá. Những tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... xưa nay bị "chảy máu" nhân lực, nay có điều kiện giữ chân, thu hút lao động mà không cần đến bất cứ chiến dịch huy động nào.
Trên cơ sở các KCN đang xây dựng, cần đến hàng vạn công nhân, các địa phương này đứng trước cơ hội thuận lợi nhất từ trước đến nay để bứt phá vượt lên. Tính cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương chính là động lực để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, giảm áp lực chỉ đạo, điều hành kiểu “cầm tay chỉ việc” cho Chính phủ.
Cái được của tổng thể nằm ở chỗ đó. Và cái được này có tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn.
Còn TP Hồ Chí Minh và các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làn sóng tản cư này không phải là tín hiệu tiêu cực, mà cần nhìn nhận nó như cơ hội để tái cấu trúc kinh tế. Cái được lớn nhất, dễ thấy nhất chính là sự giảm tải áp lực gia tăng dân số cơ học, vốn đã quá tải khủng khiếp trong những năm vừa qua. Những điểm nghẽn về tắc đường, kẹt xe, quá tải hạ tầng giao thông... tự nhiên sẽ được giải quyết một phần rất căn cơ. Từ đứt gãy trong đại dịch, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động phải có giải pháp để thu hút giữ chân lao động một cách bền vững hơn, hiệu quả hơn theo hướng "tinh, gọn, mạnh", giải quyết tốt hơn bài toán an sinh xã hội.
Bao năm nay, TP Hồ Chí Minh đã cần đến hàng trăm hội thảo, hàng ngàn đề tài khoa học, với sự vào cuộc của đội ngũ chuyên gia hùng hậu trong nước và quốc tế, tiêu tốn nguồn tiền khổng lồ để giải quyết vấn nạn tắc đường, nhưng hiệu quả đạt được vẫn vô cùng khiêm tốn. Càng chống càng tắc. Tháo chỗ này, tắc chỗ kia. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do sự gia tăng dân số cơ học một cách chóng mặt, trong lúc đường sá, hạ tầng thì chỉ có thế. Để giải quyết căn cơ vấn đề này thì phải di dân, giãn dân, giải phóng áp lực cho thành phố. Trong điều kiện cuộc sống bình thường như khi chưa có dịch Covid-19, việc di dân, giãn dân là bất khả thi. Mà nếu có di dân, giãn dân được thì phải cần đến một nguồn tiền khổng lồ.
Nhìn như thế để thấy, hiện tượng tản cư là cơ hội quá thuận lợi để giảm tải áp lực dân số cho thành phố vốn đã quá ngưỡng chịu đựng về sự chật chội, ách tắc, quá tải. Khi trật tự xã hội được sắp xếp lại một cách tự nhiên, môi trường kinh tế, thu hút đầu tư phải chuyển hướng tinh, gọn, chất lượng. Nó phù hợp với các tiêu chí xây dựng thành phố thông minh dựa trên nền tảng công nghệ vi mạch và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cổ nhân dạy, trong họa có phúc, trong cái rủi có cái may. Nếu nhìn đại dịch Covid-19 qua lăng kính của một cuộc sát hạch tự nhiên, cơ hội để TP Hồ Chí Minh và đất nước tái cấu trúc kinh tế, sắp xếp lại trật tự hạ tầng cơ sở là không hề nhỏ, nếu không muốn nói là vô cùng lớn. Vấn đề là cần xoay trục tư duy quản lý để phù hợp với xu hướng xoay trục của nền kinh tế. Không thể ôm khư khư tư duy cũ, cách làm cũ, quan niệm cũ.
Đừng nhìn tản cư bằng màu đen.
Thời cơ, vận hội, thử thách, khó khăn… luôn đan xen và song hành, như chính virus và kháng thể trong phổi con người ta vậy.
Hãy dùng thêm những ngọn đèn, ngọn đuốc khoa học để phân tích rõ hơn, chúng ta có thể tìm ra thêm lối đi dưới chân mình!