Vậy là không như suy đoán rằng khi TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội, tức là mạch sinh kế dần được nối lại, thì lao động ngoại tỉnh sẽ yên tâm bám trụ; mà trên thực tế, dòng người tự phát đổ về quê bằng phương tiện cá nhân đông không tưởng, diễn ra 3 ngày qua chưa dứt.
Hàng ngàn người đội mưa chạy xe máy về quê trong đêm. Ảnh: Camera trạm thu phí
Dòng người về quê đều biết tự ý đi lại và đi đông như vậy là thiếu an toàn phòng dịch, là sai quy định, chắc chắn sẽ bị chặn lại, song họ vẫn liều mình "chất" cả nhà lên xe bởi vì sợ đói hơn sợ Covid-19 khi túi đã rỗng từ lâu, nhà thì ở trọ, việc chưa biết khi nào có, đâu thể nương nhờ vào các gói an sinh của địa phương mãi, con cái học trực tuyến trật vuột... Về quê dù còn nghèo hay đã khấm khá song lúc này vẫn hơn trụ lại đất khách bởi trút được bao gánh lo.
Nguyện vọng hồi hương của người dân là chính đáng, có điều trong bối cảnh dịch bệnh tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành còn khá phức tạp như thời gian này thì những làn sóng di dân tự phát đã đặt các địa phương vào thế khó. Ngăn cản, không tiếp nhận thì vừa sai luật vừa trái đạo lý, mà thả cửa thì dễ "vỡ trận" vì khả năng chăm lo mọi mặt của địa phương có hạn. Sóc Trăng là một trong những địa phương sớm quá tải, ngày 3-10 tỉnh này cùng nhiều tỉnh miền Tây kiến nghị Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự về quê, thời gian ngưng tiếp nhận 15 ngày.
Cứ mở rồi lại đóng, cứ tỉnh này cho qua, tỉnh kia ngăn lại, điệp khúc khổ ải này lại vang lên thêm lần nữa, cho dù trước ngày 30-9 (khi TP HCM chuẩn bị nới lỏng giãn cách xã hội) đã có cảnh báo về sự thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ sẽ xảy ra. Qua đây cho thấy giữa các địa phương liên quan không liên kết và thông suốt với nhau. Chưa hết, quan sát lý do 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày là để "chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về" thì đủ thấy các địa phương đã bị động, thiếu dự báo về tình huống này như thế nào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 2-10 lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, thực hiện đồng bộ giải pháp... Như vậy, ngay từ tuần trước, nếu các tỉnh dự lường được tình hình và chuẩn bị mọi thứ đâu vào đó để đến ngày 1-10 "tổ chức đưa đón" người dân thì đã không xảy ra cảnh tượng buồn như mấy ngày nay.
Tỉnh Phú Yên gần 2 tháng qua liên tục tổ chức đưa dân của mình từ TP HCM và Bình Dương về quê với hơn 18.000 người, tất cả đều bảo đảm an toàn phòng dịch. Đây là tỉnh xa TP HCM, cũng chưa khá giả gì mà làm được và làm tốt thì tại sao các tỉnh gần TP HCM hơn lại không làm được?
Xe cộ không thiếu, các tỉnh cần tổ chức thật sớm các chuyến đưa bà con có nguyện vọng về quê; sau khi sàng lọc y tế thì nên cho hầu hết cách ly tại nhà, bố trí lực lượng địa phương giám sát chặt; chỉ đưa đi cách ly, điều trị các trường hợp F0. Cách ly tại nhà đang là xu thế tiến bộ và hiệu quả. Làm kiểu này thì không tốn nguồn lực bao nhiêu và được người dân ủng hộ.
Người dân vất vả trên đường về quê