Du lịch chăm sóc sức khỏe đang là một xu hướng của du lịch thế giới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ô nhiễm môi trường gia tăng hiện nay nhưng loại hình này chưa được phát triển nhiều ở nước ta. 
Ngày 6-10, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã tổ chức Hội thảo trực tuyến nhằm trao đổi về tiềm năng, hiện trạng, nhận định những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam phù hợp với xu hướng mới.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Lưu: “Dự báo du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD vào năm 2022. Hiện nay, loại hình du lịch này đang phát triển rầm rộ ở mọi nơi từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và sẽ phát triển nhanh hơn trong những năm tới, bởi nó nằm ở vùng giao thoa mạnh mẽ của hai ngành lớn đang bùng nổ, ngành du lịch thuần túy và ngành chăm sóc sức khỏe. Trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu du lịch chăm sóc sức khỏe duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn thế giới”.

Du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như: Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…

Tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn đang bị bỏ ngỏ ảnh 1
Việt Nam sở hữu nhiều tài nguyên phù hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe với bờ biển dài 3.260 km, với nhiều bãi tắm rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, vùng ven biển có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, các đảo ven biển có những bãi cát mịn, nước trong xanh, bãi biển nhỏ nằm rải ở các đảo nhỏ, tĩnh lặng, an bình, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.
Việt Nam cũng có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú và đa dạng, có giá trị sử dụng vào chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Cũng nhờ đó, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã xuất hiện từ nhiều năm trước với những khu du lịch khoáng nóng, tắm bùn ở Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Nha Trang…
Tiềm năng rất lớn nhưng loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, có cơ sở vật chất cơ bản; du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân sự quản lý cao cấp và kỹ thuật viên có tay nghề cao do còn thiếu các cơ sở đào tạo chuyên ngành (spa, đông y, chế phẩm thuốc đông y, huấn luyện viên về thiền, Yoga...). Nhiều cơ sở kinh doanh đang sử dụng các chuyên gia và lao động người nước ngoài, công tác quản lý, các hoạt động quản lý nhà nước chưa bắt kịp được với các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe đang phát triển ngày càng đa dạng…
Tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn đang bị bỏ ngỏ ảnh 2
Theo nhận định của các chuyên gia thì du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển
Chia sẻ về thực trạng này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, sản phẩm ít, chưa đặc sắc, khó thu hút khách du lịch. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, cũng chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe.

GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Đính cũng có chung nhận định này. “Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến phát triển loại hình du lịch này ở trong nước. Theo số liệu của Bộ Y tế, hằng năm có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài để chữa bệnh - du lịch, tốn xấp xỉ 1 tỷ USD/năm. Tại Việt Nam, hầu hết du khách trong và ngoài nước còn ít biết đến dịch vụ du lịch chữa bệnh. Hiện nay, do du lịch chữa bệnh vẫn còn mới, chưa phát triển toàn diện nên chưa thật sự có nhiều sự lựa chọn tốt cho khách hàng…” cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định rằng việc khai thác các tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, những thành công này vẫn chưa được tương xứng với tiềm năng đặc sắc mà chúng ta có. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nhìn chung còn ít, chưa đa dạng. Phần lớn các cơ sở kinh doanh spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, Yoga, làm đẹp...

Để khai thác tiềm năng du lịch đang rất được quan tâm này theo các chuyên gia cần có nhiều hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Xúc tiến, quảng bá trên trang web về các thông tin, điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn còn rất ít. Sự suy thoái tài nguyên và sự xuống cấp về môi trường du lịch dưới tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã ảnh hướng trực tiếp đến sự phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe….