Từ cuối tháng 6, khi thấy tình hình Covid-19 ở TP HCM trở nên phức tạp, một số công ty đã lao vào chạy đua chuẩn bị cơ sở vật chất cho "3 tại chỗ".
"Đó gần như là một cuộc chiến", giám đốc một công ty mô tả. Toàn bộ nguồn nhân sự, tài chính của công ty phải tập trung chuẩn bị từ những việc lớn như chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, lắp đặt khu vệ sinh, bồn nước đến những thứ nhỏ như chăn màn, chiếu ngủ, xô chậu giặt...
Sau thời gian tự nguyện triển khai, ngày 15/7, tất cả doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố phải thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 điểm đến".
Thời gian thực hiện kéo dài, nhiều nhà máy "3 tại chỗ" gặp khó khăn, chi phí tăng gấp đôi nhưng công suất giảm một nửa, công nhân muốn về nhà.... Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM ước tính, đến cuối tháng 9, chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ.
"Phố Wall" trên trục Hàm Nghi – Nguyễn Công Trứ, nơi từng sầm uất bậc nhất Sài Gòn cũng trở nên vắng bóng các nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm. "Phố Tây" khu Đề Thám – Bùi Viện cách đó không xa đã "cửa đóng then cài" từ lâu. Khắp các quận huyện, chợ truyền thống đóng cửa, siêu thị cũng chỉ bán hàng cho lực lượng đi chợ hộ. Có thời điểm, mớ rau, con cá còn trở thành thứ quý giá được mọi gia đình "săn lùng" vì chuỗi cung ứng đứt gãy.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng quãng thời gian qua thực sự ngặt nghèo.
Chiều 11/9, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Thành ủy trong bối cảnh địa phương đã trải qua 103 ngày liên tục với các cấp độ chống dịch theo hướng ngày càng siết chặt. Ông nói, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt không thể kéo dài, quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế.
Đầu tàu trục trặc
Trước khi bước vào những tháng ngày giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đầu tàu kinh tế của Việt Nam từng ghi nhận thành tích GRDP nửa đầu năm nay đạt 680.328 tỷ đồng (tăng 5,46%), mức cao nhất trong vòng năm 5 trở lại đây.
Vào tháng 6, kinh tế thành phố vẫn ổn, đến tháng 7, 8 và 9 mọi thứ bắt đầu xoay trục. Những tổn thương nghiêm trọng đã xảy ra ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ. Xuất nhập khẩu tháng 7 chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn còn duy trì được một số tích cực. Tình hình xấu đi nhiều trong tháng 8 và 9 khi xuất nhập khẩu bắt đầu giảm mạnh, lần lượt sụt 39,3% và 15% so với tháng 6 - tháng chỉ giãn cách theo Chỉ thị 15.
Doanh số thương mại dịch vụ tháng 8 chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp lúc này cũng giảm sâu 22,4% so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 ghi nhận giảm 12,9% so với cùng kỳ 2020. Suốt cả tháng, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ 594, thấp hơn cả số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trung bình trong một ngày giai đoạn bình thường.
Khảo sát của Cục Thống kê TP HCM công bố cuối tháng 9 cho hay, chỉ chưa đầy 10% doanh nghiệp nhận định rằng hoạt động sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý II. Còn lại, hơn 90% nói họ khó khăn hơn.
Dịch bệnh cũng tác động tiêu cực đến người lao động khi 381.420 người mất việc và 18.464 hộ, sạp của thương nhân tại các chợ truyền thống phải tạm dừng do giãn cách. Trước đó, khảo sát của VnExpress với 69.132 độc giả (chủ yếu ở TP HCM) chỉ ra, 62% cho biết họ mất việc, trong số này có đến 50% chỉ đủ tiền sinh hoạt một tháng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP HCM giảm dần đều trong quý III, từ 51.500 tỷ của tháng 7 xuống còn chưa đầy 31.000 tỷ của tháng 9. Tháng trước, chỉ tiêu này đã giảm 65,2% so với cùng kỳ 2020.
Tổng doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ đại lý vận tải trong tháng 9 cũng chỉ đạt khoảng 14.800 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng 8 và giảm 36,2% so với cùng kỳ. Khó khăn chồng chất từ sản xuất đến lưu thông khiến cộng đồng doanh nghiệp FDI quan ngại khả năng bị trễ hoặc hủy đơn hàng. Sức hút của TP HCM cũng giảm, từ ngày 1/1 đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 2,35 tỷ USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước.
"Chưa có tiền lệ nào TP HCM tăng trưởng âm, trên một nửa dân số gặp khó khăn, hơn 80% doanh nghiệp ảnh hưởng hoạt động như giai đoạn vừa qua", Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP HCM bình luận.
Kết luận trong Báo cáo Nghiên cứu Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM của Đại học Kinh Tế - Luật phát hành ngày 1/9 cũng cho rằng: "Ảnh hưởng kinh tế ở TP HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ tư là nghiêm trọng". Thời điểm ấy, không chỉ có lĩnh vực y tế, hoạt động kinh tế của nơi đây cũng "dầu sôi lửa bỏng".
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn là vậy, TP HCM vẫn có những điểm sáng. Trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Khu vực ngoài nhà nước được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5% và nhập khẩu tăng 39,7% so cùng kỳ.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 9 tháng đầu năm ước thực hiện 279.298 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán và tăng 11% so cùng kỳ năm 2020.
Những thách thức chưa từng có
Vì chưa có tiền lệ nào về cách ứng phó một trận đại dịch quy mô lớn, sự lúng túng trong các chính sách quản trị khủng hoảng của chính quyền lẫn doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. Đứt gãy và đổ vỡ xảy ra ở khắp mọi ngóc ngách của nền kinh tế.
Mô tả những tháng vừa qua bằng những từ ngắn gọn nhất có thể, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies và Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings đều chọn chữ "kiên trì". Với ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đó là giai đoạn "quá nhanh, quá nguy hiểm".
Ông Mỹ nói, đợt dịch lần thứ tư quá nhanh chóng, đặc biệt khi tâm thế trước dịch là sự chủ quan vì Việt Nam đã thành công hơn nhiều nước trong năm 2020. "Không ai ngờ được về làn sóng dịch thứ tư", ông nói. Do vậy, sự bối rối xuất hiện trên mọi mặt trận, từ doanh nghiệp, người dân, đến chính quyền. Doanh nghiệp buộc phải kiên trì, chịu đựng những điều này.
Nhìn lại 4 tháng không quên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thấy câu chuyện về cung ứng hàng thiết yếu, sản xuất 3 tại chỗ và đứt gãy logistics là 3 điều họ nhớ nhất. Thậm chí có lúc nó thực sự là một nỗi "ám ảnh".
Theo ông Nguyễn Anh Đức, trong mùa dịch, mặt hàng được chú ý là thực phẩm tươi sống, thiết yếu. Những sản phẩm này các siêu thị không được tăng giá nên "càng bán càng lỗ". Trong khi đó, những nguồn cung cấp "oxy cho doanh nghiệp", như nguồn lao động, gặp nhiều khó khăn. Nhân viên siêu thị đã phải làm việc 18-20 tiếng, mà vẫn không đáp ứng kịp thời thực phẩm, hàng hóa cho người dân. Có thời điểm Saigon Co.op phải đóng 25% siêu thị, các chi phí cố định vẫn phải trả mà không có doanh thu.
Ở lĩnh vực sản xuất 3 tại chỗ, với hầu hết doanh nghiệp và bản thân người lao động, đó là một "cuộc chiến".
Ở nhiều công ty, để cố gắng duy trì sản xuất, toàn bộ nguồn nhân sự, tài chính phải tập trung chuẩn bị từ những việc lớn, như chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, lắp đặt khu vệ sinh, bồn nước đến những thứ nhỏ như chăn màn, chiếu ngủ, xô chậu giặt...
Chi phí cho những việc này rất lớn, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với tiền xét nghiệm Covid-19 cho công nhân. Một công nhân xét nghiệm mất hơn 200.000-300.000 đồng một lần. Cứ nhân số tiền này với số công nhân sẽ ra hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ phải chi thêm mỗi tháng.
Và hơn cả tiền bạc, 3 tại chỗ khiến tâm lý căng thẳng lan tràn trong người lao động. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh thừa nhận, sự lo lắng diễn ra thường trực khi nhớ lại các tháng trước. "Các thông tin xã hội tác động ghê gớm đến người lao động. Tin đúng, tốt thì ít, tin đồn, giả thì nhiều", ông nói.
Nhựa Bình Minh có 295 lao động ăn ngủ nghỉ tại nhà máy. "Tư tưởng không thông vác bi đông cũng nặng", ông nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cũng thú thật tâm lý căng thẳng từng loang nhanh trong nhà máy. "Có nhiều cuộc họp chỉ tranh luận với nhau làm thế nào để mọi người không trở thành F1, F2... hồi tháng 6 thật sự khủng khiếp", ông kể.
Ở lĩnh vực logistics, đứt gãy xảy ra ở nhiều nơi. Cuối tháng 7, cảng Cát Lai kêu cứu sau 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, do số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm dẫn tới lượng container tồn bãi tại cảng chạm ngưỡng 100% công suất. Nhân sự làm việc giảm một nửa, khiến cảng có nguy cơ gián đoạn hoạt động. Cảng Cát Lái tạm ổn vào đầu tháng 8, nhưng các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ vẫn chật vật vì "giấy thông hành", rồi "giấy đi đường".
Vì phải xét nghiệm liên tục mỗi 2 hoặc 3 ngày để có "giấy thông hành" vận chuyển hàng hóa từ các địa phương đến TP HCM, chi phí đổ lên doanh nghiệp tăng cao, tài xế không xoay vòng kịp. Cuối tháng 8, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP HCM Bùi Văn Quản cho biết, hiệp hội có hơn 130 doanh nghiệp thành viên, nhưng chỉ được cấp gần 200 giấy đi đường. Số giấy được cấp chỉ bằng 50% nhu cầu khiến nhiều hoạt động bị ách tắc.
Ngoài ra, sự biến động liên tục của chính sách quản lý người giao hàng bằng xe hai bánh nội đô (shipper) tiếp tục là một khâu đứt gãy khác. Suốt 3 tháng qua, 34 công ty giao hàng ở TP HCM luôn trong trạng thái sẵn sàng trực chiến để nhận và thực thi quy định mới.
Hoạt động trắc trở khiến lượng shipper ở TP HCM nhiều lúc bị thiếu hụt trầm trọng, làm phí giao hàng tăng vọt� so với trước giãn cách.
Ngưỡng chịu đựng tới hạn, các doanh nghiệp nội địa cũng đứng ngồi không yên. "Tháng 8, 9 là thời điểm đòi hỏi kiên nhẫn đến tột cùng. Chúng tôi thực lòng mong muốn kinh tế mở lại, nhưng phải đánh giá mọi thứ ở bên ngoài như thế nào. Phải kiên trì, xác định biện pháp thực hiện tốt nhất trong khả năng có thể", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, nói.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế - Luật cũng đánh giá, nếu TP HCM chậm hồi phục kinh tế, "tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng, thu ngân sách quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực".
Bước ngoặt mở cửa kinh tế
"Sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói trong cuộc họp ngày 17/9 với các chuyên gia, bàn việc phục hồi kinh tế.
Trước đó một ngày, thành phố quyết định cho 3 địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch tốt thí điểm mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh để "bình thường mới", gồm quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được cấp phép thí điểm sẽ được gắn bảng "Doanh nghiệp xanh", "Hộ kinh doanh xanh". Người dân đã tiêm đủ vaccine được phép đi mua hàng hóa mang về.
"Đây là sáng tạo của các cấp quản lý, chuyển từ "zero Covid" sang "sống chung với Covid". Việc thực hành bước đầu áp dụng cho Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ và các khu công nghiệp cho thấy sau 1-2 tuần thí điểm ổn, dẫn đến quyết định mở cửa từ 1/10", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài đánh giá.
Oxy đến kịp lúc với Chỉ thị 18, cho phép mở lại hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Các công trình giao thông, xây dựng được khởi động lại. Các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được "hồi sinh" có điều kiện. "Chúng tôi biết sức ép mở cửa rất lớn. Bởi đây là mong muốn của người dân, doanh nghiệp và nói thật chúng tôi cũng mong muốn như thế", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi từng chia sẻ.
Tuy nhiên, có ít nhất là 2 thử thách lớn cho bước ngoặt này trong lĩnh vực kinh tế. Đầu tiên là quyết định mở cửa trong bối cảnh số ca tử vong xấp xỉ 100, ca nhiễm mới xấp xỉ 3.000-4.000 mỗi ngày. Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, điều này nghĩa là rủi ro vẫn còn. Trong mở cửa, nguyên tắc an toàn là trên hết. Những người tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thiết yếu, công ích... phải được tiêm vaccine đầy đủ.
"Đến cuối năm nay đầu năm sau, nếu ít nhất 80% dân số đủ 2 mũi vaccine, TP HCM có thể trở về bình thường mới một cách đầy đủ, còn giờ phải theo lộ trình. Cách tiếp cận bây giờ là quản trị rủi ro chứ không thể đòi hỏi hoàn toàn không còn F0 nữa", giáo sư Hoài nhận định.
TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng đồng thuận, ở giai đoạn bước ngoặt này, chính quyền cần tạo khuôn khổ hợp lý để các doanh nghiệp, người dân dựa vào đó tự tổ chức sản xuất kinh doanh và đời sống hợp lý, hạn chế nguy cơ lây nhiễm là ưu tiên. "Trao quyền tự đảm bảo an toàn trong bối cảnh sống chung với Covid-19, đồng thời gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm phải chịu khi bản thân là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng", bà Xuân nói.
Thứ hai là hiện trạng của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Cục Thống kê TP HCM, mức độ lạc quan là rất thận trọng. Có 48,9% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý IV sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III (26,6% tốt hơn, 22,3% giữ ổn định). Trong khi, tỷ lệ dự báo khó khăn hơn là 51,1%.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Rynan Technologies, cho rằng nguyên liệu đầu vào có thể vẫn là bài toán gian nan. "Nhiều linh kiện điện tử mấy chục tuần mới giao", ông nói. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến ông đánh giá tạo nhiều rủi ro cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn, nhiều đơn vị thoi thóp chờ chết. Để vượt qua được cần phải "body scan" bản thân thật nhanh. Lúc này, họ cũng cần chọn lọc các yếu tố nào để chú trọng, duy trì.
Lao động cũng là vấn đề lớn. Số liệu của Sở Y tế TP HCM cho biết, tính đến 3/10, có 60,6% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận tỷ lệ lao động có đủ 2 mũi sẽ thấp hơn vì giai đoạn đầu thành phố đã ưu tiên tiêm cho người lớn tuổi. Cùng với đó, tại các cửa ngõ đi về miền Tây và miền Đông những ngày đầu tháng 10, lao động vẫn kéo nhau rời khỏi Thành phố trong khi 53% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên trong quý IV.
Thực tế, ngoài dòng người tiếp tục rời đi vẫn có lực lượng lao động muốn trở lại TP HCM làm việc nhưng đang mắc kẹt ở các địa phương khác. Điều cản trở họ là hầu hết chưa được tiếp cận vaccine. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, sắp tới Thành phố nên có chính sách ưu tiên vaccine cho lao động đã làm việc tại TP HCM trước đây để họ có thể quay lại. Đó cũng là bước hỗ trợ cho doanh nghiêp trở lại khôi phục công suất.
Liệu GRDP của TP HCM có thể khởi sắc vào quý IV, thời điểm thường là cao điểm sản xuất kinh doanh cho mùa mua sắm cuối năm, đón Tết Dương lịch và Nguyên Đán hay không? Câu trả lời là có thể. Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài nói, giả sử công suất phục hồi được 70%, GRDP phục hồi là điều có thể hy vọng.
Trong quý này, những ngành như logistics, thiết yếu lương thực thực phẩm, sản xuất trong các khu công nghiệp cùng những ngành rủi ro lây nhiễm thấp dự báo sẽ phục hồi nhanh. Tuy nhiên, cần điều kiện nỗ lực của tự doanh nghiệp cùng với chính quyền trong việc tạo ra thông thoáng di chuyển nội bộ thành phố, kết nối với các nguồn lao động ở Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương lai vực dậy kinh tế cho TP HCM nằm trong tay cả 3 phía, chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Theo các chuyên gia, cần xác định nguyên tắc ngân sách không thể cứu trợ toàn diện cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Doanh nghiệp nên coi những hỗ trợ từ TP HCM và chính phủ là mang tính bổ trợ, còn việc phục hồi quan trọng nhất là ở bản thân doanh nghiệp có nỗ lực hay không.
Theo Giáo sư Hoài, những hỗ trợ thiết thực mà chính quyền có thể làm được là hỗ trợ đi lại và phân bổ vaccine. Nếu lao động muốn trở về TP HCM làm việc sẽ được tạo điều kiện đi lại thông thoáng hơn; hay doanh nghiệp cần nâng công suất, đáp ứng điều kiện hoạt động sẵn sàng cung cấp vaccine. Đó là điều chính quyền làm được.
TS Phạm Thị Thanh Xuân cũng nhận định, trụ lực kinh tế của thành phố là khu vực FDI liên kết chuỗi từ nhập khẩu đến sản xuất và xuất khẩu. Đây là khu vực sử dụng nhiều lao động nhất, trả lương cho công nhân cũng cao hơn mặt bằng chung và cũng là khu vực có sức sinh tồn bền bỉ, vẫn duy trì phần lớn hoạt động trong suốt 3 tháng qua, dù chịu tổn thương lớn.
"Tương lai là có rủi ro nhưng chúng ta nên hết sức lạc quan", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài bình luận. TP HCM có thể bị một số người xem là nơi "thảm họa" về Covid-19, chưa bao giờ phải giãn cách kéo dài, tổn thương sức khỏe, mất mát nhân mạng nhiều như những tháng qua, nhưng giờ có thể lạc quan vì tỷ lệ phủ vaccine cao nhất cả nước.
Có thể trong vòng hai tuần nữa, miễn dịch cộng đồng tại đây sẽ tăng dần, F0 sẽ giảm xuống rõ rệt. Vì vậy, không còn lý do nào doanh nghiệp không thể gượng dậy. Bởi một điều chắc chắn, TP HCM khi vaccine đã phủ rộng, số người nhiễm bệnh cao nhưng đã khỏi sẽ được miễn dịch cộng đồng. Do đó, khi xét về tương lai, rủi ro của nơi đây là thấp hơn các địa phương khác.
"Hãy nghĩ đến New York, cũng từ đông dân, quá tải, dịch bệnh tràn lan nhưng bây giờ họ đã bình thường. TP HCM cũng sẽ lại bình thường như thế", ông Hoài nói.