Nếu không được đảm bảo quyền sống thì các quyền tự do cá nhân khác không còn ý nghĩa gì.

TP.HCM, sau giãn cách trăm ngày, nhiều người bạn gặp lại trong sân thể thao. Ở đó, là sự phấn khởi khi cùng vượt qua một giai đoạn khó khăn vì mục tiêu phòng, chống dịch bệnh. Và vì những câu chuyện thật, có ý nghĩa và giàu cảm xúc.

Nào là hình ảnh khó quên về 3 chú bộ đội trẻ măng, cứ vài ba hôm lại sáng sớm mang gạo và rau củ đến nhiều khu vực ở P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM. Cặp vợ chồng chủ nhà là doanh nhân vui nhận, rồi phân phối phần lớn cho các gia đình quen biết có cuộc sống khó khăn hơn. Một nữ cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, ngụ ở P.6 (Q.4), cùng bà con lối xóm cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự về lương thực, không chỉ từ các cấp chính quyền mà còn qua các đội thanh niên tình nguyện. Đôi vợ chồng trẻ khu chung cư S.R ở xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) có con mới sinh đã rất an tâm vì cuộc sống ổn định qua tiền hỗ trợ của chính quyền và giúp đỡ của cư dân.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực tột bậc của toàn hệ thống chính trị và hàng triệu cán bộ y tế, lực lượng vũ trang cùng các lực lượng xã hội khác, đến đầu tháng 10, dịch bệnh đợt thứ 4 cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi tại các tỉnh, thành từng là điểm nóng. Đã có nhiều quyết định khó khăn, đầy cân não từ các cấp chính quyền sao cho phù hợp với diễn biến kinh tế, xã hội mà vẫn đạt hiệu quả thích ứng an toàn từng bước. Đời sống bình thường mới cùng nhiều chính sách liên quan được thực thi, đông đảo người dân tin tưởng và ủng hộ.

Quyền tối thượng - ảnh 1

Lực lượng bộ đội chuyển nhu yếu phẩm đến cho người dân TP.HCM trong giai đoạn giãn cách phòng, chống Covid-19

NGỌC DƯƠNG

Thế mà trong những lúc cả nước ta căng mình chống dịch, lại có các luận điệu, bài viết của một số cá nhân trên mạng xã hội và báo chí ngoài nước mô tả thực tế để bàn chuyện nhân quyền mùa dịch. Có một nữ trung niên vì đường bị chốt chặn không được ra trung tâm TP.HCM mua quà, bèn kêu ca về quyền tự do đi lại của công dân. Có ông xưng là luật sư ở Hà Nội rao giảng chuyện lo lắng nhân quyền khi viết về việc các F0, F1 phải bị chuyển đi cách ly tập trung. Từ ngữ nặng nề, cách diễn đạt hằn học liệu có đáng tin, liệu có thuyết phục?

Hãy nhớ, trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn nội dung Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người khẳng định “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Trong các lẽ phải được trích dẫn ở trên, quyền được sống được đề cập đầu tiên, là tối thượng. Nếu không được đảm bảo quyền sống thì các quyền tự do cá nhân khác không còn ý nghĩa gì. Giữa lúc cả nước dồn mọi tâm sức, tiền của và cả sự hy sinh để tất bật bảo đảm cho quyền được sống cho người dân thì vì lợi ích cộng đồng, mỗi cá nhân phải nghiêm túc có trách nhiệm với quyền sống của bản thân, phải có nghĩa vụ cao nhất với quyền được sống của những người chung quanh.

Việc chăm lo cho hàng triệu con người, từ sức khỏe đến sinh kế, từ vắc xin đến sản xuất kinh doanh ở nơi này, nơi khác đương nhiên có trục trặc, chậm trễ, thậm chí là vi phạm nhưng rất ít ỏi, không hề mang tính đại diện, đã được điều chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.

Những cách nghĩ, cách nói với lập luận xa rời lẽ phải, phản ánh lẻ loi mà lệch lạc bản chất công cuộc phòng chống Covid-19 cần được dư luận, nhất là các trang mạng của người trẻ nhận rõ để phòng, chống lâu dài tựa như đối phó với một loại dịch bệnh có thể xâm nhập tâm hồn mình.