Y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quận Tân Phú. Ảnh: Hoàng Hùng
Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TPHCM từ ngày 27-4 là đại dịch chưa có tiền lệ. Dịch bệnh đã tác động rất lớn đến kinh tế và đời sống người dân thành phố. Không người dân nào không bị tác động bởi dịch bệnh, dù ít dù nhiều. Và thật đau thương khi chứng kiến hơn 15.300 sinh mạng đã qua đời vì đại dịch (đến ngày 6-10).
Lúc này, nhiều địa bàn của thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Những dấu hiệu cho chúng ta thêm niềm hy vọng như: số bệnh nhân thở máy giảm mạnh, số bệnh nhân ra viện cao hơn bệnh nhân nhập viện. Đặc biệt, số ca tử vong đang giảm đi hàng ngày. Từng bước vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất khi chống chọi với đại dịch, TPHCM đang chuyển sang giai đoạn nới dần giãn cách, vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Trong cả nước, dịch bệnh đang dần chuyển biến theo hướng tích cực.
Giờ đây, tiếp tục kiểm soát dịch là công việc đương nhiên chúng ta phải làm, không lơ là, chủ quan. Song song đó, phục hồi kinh tế rất nên lưu tâm đến phục hồi, xoa dịu những tổn thương trong lòng người khi trải qua nhiều mất mát chất chồng thời gian qua. Tôi rất ủng hộ có một lễ tưởng niệm đồng bào trong cả nước đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ cả nước đã hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Trong lúc chống dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức lễ tưởng niệm những người tử vong vì dịch Covid-19. Việt Nam với hơn 20.000 người tử vong là hơn 20.000 gia đình chịu nỗi đau chia cắt tình thâm. Trong lúc này đây, cả nước sớm có một lễ tưởng niệm để cùng tưởng nhớ người qua đời, cùng sẻ chia nỗi đau với người ở lại là hoạt động rất ý nghĩa. Lễ tưởng niệm nên làm trang trọng và khuyến khích tôn giáo thực hành các nghi lễ phù hợp với sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Cùng với lễ tưởng niệm, tôi đề xuất Quốc hội chọn một ngày là Ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Ngày tưởng niệm được tổ chức hàng năm, có thể chọn ngày 27-4 (ngày đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại tâm dịch TPHCM) hoặc ngày 23-8 (ngày có đến 340 đồng bào tại tâm dịch TPHCM đã thiệt mạng, cao nhất trong đợt dịch thứ 4).
Ngày tưởng niệm là ngày chúng ta nhắc nhớ về những mất mát khôn cùng trong đại dịch, để từ đó trân trọng sự hiện diện của nhau trong cuộc sống, cùng thương yêu, đùm bọc, tiến về phía trước. Đây cũng là dịp chúng ta cùng tỏ lòng tri ân với y bác sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu tham gia phòng chống dịch đã hy sinh vì sự sống của đồng bào. Bên cạnh đó cần quan tâm có chính sách đặc biệt cho ngành y tế, bởi các điều dưỡng, bác sĩ đang làm công việc chuyên môn, phòng chống dịch Covid-19 căng thẳng cả ngày lẫn đêm, làm việc bằng 200% sức lực nhưng thu nhập chưa tương xứng. Họ là những anh hùng thầm lặng.
Bà TRẦN KIM YẾN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1: Để cùng nhớ về một giai đoạn khó khăn nhấtTrong đại dịch Covid-19, chúng ta thấy sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành y tế rất lớn. Bên cạnh đó là sự hy sinh của các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, tử vong của người dân do đại dịch gây ra. Cho nên, việc Quốc hội, Chính phủ lấy một ngày làm ngày tưởng niệm họ là rất cần thiết. Việc này để mọi người cùng nhớ về một giai đoạn khó khăn nhất, cũng như cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của mọi người dân ở mọi miền đất nước trong cuộc chiến chống đại dịch. Về hình thức tổ chức, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu để có hình thức tổ chức phù hợp nhưng phải trang trọng, thể hiện sự tri ân, ghi nhớ của người dân đối với những người đã mất. Về ngày tưởng niệm, trên cơ sở lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cơ quan chức năng có sự đánh giá một cách tổng thể để chọn một ngày phù hợp. Ông LÊ MINH TẤN, Thành ủy viên, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Cùng hành động cho sự an toànTrong cuộc sống thường ngày, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã tổ chức Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Đây là dịp bày tỏ niềm xót thương với những người qua đời khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát với người thân của họ. Hoạt động này cũng để chúng ta nhắc nhở chính mình trân trọng sự sống, qua đó, có ý thức hơn trong tuân thủ quy định về an toàn giao thông, hành động để đảm bảo an toàn cho người đang sống. Chúng ta đã và đang đi qua đại dịch Covid-19 với biết bao mất mát đau thương. Trước những mất mát đau thương quá lớn, nhiều nước đã có lễ tưởng niệm người đã qua đời do dịch Covid-19. Đối với Việt Nam, một lễ tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là rất ý nghĩa vào thời điểm này. Cần có Ngày tưởng niệm hàng năm để cả nước cùng tưởng niệm những người đã qua đời do dịch Covid-19. Chúng ta là người Á Đông, tình người rất sâu nặng và tâm linh rất sâu sắc. Tưởng niệm để cùng tin tưởng rằng, những mất mát như vậy sẽ không bao giờ tái diễn. Điều đó giúp chúng ta càng thêm ý thức tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch, tự giác tuân thủ 5K. Chúng ta cùng hành động cho sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng. Ông LÊ VĂN THINH, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân: Có ý nghĩa nhân văn rất lớnĐợt dịch Covid-19 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của 830 người dân, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch ở quận Bình Tân. Hàng trăm trẻ em trong phút chốc mồ côi cha mẹ, trong đó có nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều người già trở thành neo đơn. Với truyền thống của dân tộc ta “nghĩa tử là nghĩa tận”, thời gian qua quận Bình Tân phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo những trường hợp mất vì dịch từ việc xử lý thi hài, bàn giao tro cốt và hỗ trợ các gia đình có người thân mất. Theo tôi, việc chọn ra một ngày làm lễ tưởng niệm đồng bào qua đời vì dịch Covid-19 là rất cần thiết, có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Ở cấp độ địa phương, Quận ủy quận Bình Tân đã có chỉ đạo, giao UBND quận cùng với Ủy ban MTTQ quận Bình Tân tham mưu tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Bình Tân tổ chức lễ cầu siêu cho người mất vì dịch Covid-19.
|