BAN MAI XANH VỀ TRÊN THÀNH PHỐ
Phạm Thục
Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta đã đi qua gần 3 tháng tròn chịu đựng sự phát tác khốc liệt của cơn đại dịch Covid -19 với những đau thương, mất mát. Hôm nay, khi những chuyến xe cấp cứu hú còi đã thưa trên đường, những hàng rào kẽm gai, những chốt chặn cùng sợi giây đỏ trắng ám ảnh ngăn trở được gỡ ra trên nhiều tuyến đường, số người tử vong đang giảm nhanh và giảm mạnh,TP đang hồi sinh từng ngày…
Bài ghi chép ngắn này thay cho lời tri ân của những người thành phố đã và đang sống bình an, của những F0 được trở về nhà từ những bệnh viện dã hiến “thời đại dịch”xin gửi đến lực lượng y tế đã vất vả chiến đấu với dịch bệnh khốc liệt để dành lại từng sinh mạng yếu ớt giữa bến bờ sinh -tử…Và lời cảm ơn đặc biệt đến BS Nguyễn Trung Hiếu (BV Chợ Rẫy)vì sinh mạng người bệnh đã có sáng kiến tuy giản đơn nhưng quá cần trong dịch bệnh …
Khi mỏ lết trở thành y cụ
BS Nguyễn Trung Hiếu và bộ chia dòng oxy trợ thở cho 9 bệnh nhân cùng lúc..
Tháng 8, thời điểm “cơn khát oxy” ở thành phố diễn ra cực căng thẳng, vàbệnh nhân F0 khi oxy trong máu tụt giảm quá nhanh sẽ hôn mê và chết rất nhanh. Các bệnh viện dã chiến khi ấy hầu như đều thiếu máy thở. Nhìn nhiều bệnh nhân thoi thóp thở “ngáp cá”chờ được cứu, nhưng khi ấy máy thở rất thiếu, và có những người đã chết vì không thể đợi đến lượt mình được gắn máy trợ thở!
Bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu xót xa khi phải chứng kiến sinh mạng nhiều bệnh nhân F0 bị đe dọa vì mất hơi thở, họ đợi chờ máy thở trong may rủi của số phận.
BS Hiếu nghĩ, trong tình huống khẩn cấp này, để cứu được nhiều bệnh nhân F0 nặng cần tạo ra hệ thống cung cấp oxy cùng lúc, để trợ thở cho nhiều F0 hơn. BS Hiếu chợt nhớ về nhiều cột bọt khí sục tạo oxy trong hồ có rất nhiều cá bơi tung tăng. Nghĩ là làm. Anh gọi điện thoại nhờ người quen đi mua cái van sục khí có 9 cổng ra, loại dùng trong các hồ cá. Loay hoay lắp đặt và tự gắn thử cho mình cùng nhiều đồng nghiệp. “Oxy về mũi rồi”, nhưng oxy thoát ra khỏi bình ào ạt theo “cơ chế phun tự nhiên”kiểu này sẽ rất hao. Cần khống chế lưu lượng oxy 7 lit hay 5 lit phun ra theo yêu cầu điều trị từng F0.
BS Hiếu lại nhớ đến cái đồng hồ đo áp suất mà nhiều tiệm sửa xe lớn hay dùng để chỉnh khí theo ý muốn. Lại nhờ bạn mua đồng hồ đo áp suất ở khu chợ dân sinh và BS Hiếu lại thử “ trợ thở theo yêu cầu” của chính mình và những đồng nghiệp.
Cuối cùng, BS Nguyễn Trung Hiếu đã thành công. Một bình oxy đã được lắp đặt với bộ đồng hồ và các van thoát oxy theo cách lắp mới có thể níu giữ mạng sống cùng lúc cho 9 người, trong vòng 4 giờ đồng hồ mới phải thay bình khác. Sau khi BS Hiếu tập huấn cho nhiều bác sĩ, điều dưỡng xong, y cụ của họđược phát kèm theo không chỉ là ống nghe tim phổi, là kim chích, thuốc uống mà còn có cái mỏ lết.
Đồng hồ đo áp suất giá 300 nghìn đồng/cái, thanh chia 6 cổng sục khí 50 nghìn/cái; như thế, chỉ với 350 nghìn đồng, có 9 bệnh nhân cứu được hơi thở khẩn cấp, giảm số bệnh nhân chuyển viện đường xa nguy cấp.
Sáng kiến tuyệt vời này của BS Nguyễn Trung Hiếu đã được ứng dụng trong y học điều trị trong thời gian dịch covid -19 bùng phát đã giúp đưa biết bao người bệnh vượt cửa tử suốt mùa dịch khốc liệt vừa qua.
***
BV Dã chiến thu dung số 6 (ở khu tái định cư Bình Khánh, Tp Thủ Đức) bắt đầu đi vào hoạt động từ 11/7/2021, do BS Phan Minh Hoàng, GĐ BV Phục hồi chức năng của TPHCM được giao nhiệm vụ quản lý với qui mô 4.000 giường.
Bữa ăn vội của các bác sĩ tình nguyện ở BV Dã chiến số 6
Đến 15/ 8, thời điểm dịch bùng phát khốc liệt tại TPHCM, số bệnh nhân nhập viện ở đây là 8.200 người, và đến gần cuối tháng 8, đã có hơn 5.900 ngườii bệnh được trở về nhà trong khi lực lượng y tế ở đây có 131 bác sĩ và 200 điều dưỡng tình nguyện phục vụ, đến từ nhiều bệnh viện: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TPHCM, Hồi sức - cấp cứu Tp, Phụ sản TW, các BV Đa khoa: Thái Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Nam và BV Tâm thần TW.
Chuyện ngôn tình thời Covid -19
Cuộc nói chuyện của chúng tôi ngắt quãng liên tục vì các điện thoại xin y lệnh mới khi BS Phan Trung Hiếu (Khoa Phỏng tạo hình BV Chợ Rẫy) là BS phụ trách Khoa Điều trị bệnh nền và cấp cứu A 4, BV Dã chiến số 6 nói về cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của hai vợ chồng, tuổi 70 gặp nhau sau khi ngỡ một trong hai người đã chết…
Vợ chồng ông Vân bà Huệ gặp nhau bên giường bệnh ở BV dã chiến số 6..ảnh tư liệu
Bà Thu Huệ (nhà quận 4) bị tai biến nặng, nên sau đó thường quên quên, nhớ nhớ. Một ngày tháng 8, ông Nguyễn Văn Vân, 70 tuổi, chở vợ là bà Huệ đi nhận thuốc bảo hiểm thì đột ngột ngã ra đường và hôn mê. Xét nghiệm nhanh, phát hiện ông Vân dương tính với virus Corona. Ông Vân được đưa lên xe cấp cứu và họ chở ông đi đâu, bà Huệ không biết. Bà Huệ cũng được xét nghiệm và cũng dương tính với virus Corona, cộng thêm bệnh nền khá nặng, bà Huệ cũng được đưa đến khoa A 4 BV DC số 6.
Sau khi được cứu chữa, tỉnh lại ông Vân thần trí rất lơ mơ, ông đau khổ, khi không biết vợ mình còn sống hay đã chết bởi ông biết vợ ông chắc chắn điện thoại của ông đã rơi mất tự bao giờ. Bà Huệ khóc nhiều và cầu cứu điều dưỡng, bác sĩ giúp tìm chồng, xem ông còn sống hay đã chết. BS Võ Nguyên Bảo ( Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy) là BS phụ trách Khoa Điều trị bệnh nền và cấp cứu A 4, nơi cô Huệ điều trị đã nhận lời đi tìm chông đang thất lạc của cô Huệ. Qua lời kể, khi đậm khi nhạt, lúc đúng lúc sai của cô Huệ, BS Bảo đăng lên các group zalo của các BS tình nguyện ở nhiều BV dã chiến khác và trên group của BV DC số 6 với hy vọng chú Vân đang thất lạc ở đâu đó. Cuối cùng, “người yêu dấu” trong trí nhớ mong manh của cô Huệ đã được tìm thấy.
Chú Vân đang điều trị ở Khu Hồi sức, cũng ở BV Dã chiến số 6. Và, hai người yêu nhau nằm điều trị chỉ cách nhau cái vách tường của khoa. Những giọt nước mắt nghẹn ngào, hai bàn tay run rẩy tìm nhau giữa bến bờ sinh - tử, “ Anh ơi..”, “Em ơi, khỏe không”, tiếng gọi thiết tha đứt quãng vì nghẹn ngào mừng rỡ, khiến cả phòng rơi lệ. “Em ráng khỏe để mình về nhà cùng nhau nha”, “Dạ. Anh cũng cố gắng nhe”, họ chia tay nhau ở góc giường bệnh với nước mắt hạnh phúc…
Qua câu chuyện vợ chồng chú Vân, BS Võ Nguyên Bảo (BS Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy), phụ trách Khoa Điều trị bệnh nền và cấp cứu A 4, BV Dã chiến số 6 khuyến cáo -Bất kỳ F0 nào được đưa vào BV hay khu cách ly, người thân nên đeo vào tayhọ sợi dây thông tin cá nhân. Bởi, nhiều bệnh nhân khi được đưa vào BV đã hôn mê, hoặc thần khí rất lơ mơ. Họ không nhớ nổi số điện thoại, tên người thân nên BV không thể liên hệ gia đình, khi cấp bách. BS Lê Quang Bảo,khuyến cáo, “Hãy đeo vào tay người nhà, sợi dây thông tin, để còn tìm thấy nhau, khi cần.”.