Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi đến sở giao thông vận tải các tỉnh dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa TP.HCM và các tỉnh, trong đó dự kiến xe khách sẽ hoạt động trở lại từ 1-11...
Theo dự thảo, mục đích xây dựng phương án nhằm từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách đường bộ phù hợp với phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các địa phương nơi đi, nơi đến.
Theo đó, xe khách giữa TP.HCM và các tỉnh thành hoạt động theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: từ ngày 1 đến ngày 15-11: khai thác tối đa từ 3 đến 5 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày. Số lượng khách được chở trên xe phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế cho phép theo công suất thiết kế (không áp dụng đối với xe giường nằm).
Giai đoạn 2: từ ngày 15 đến 30-11, khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày.
Giai đoạn 3: sau ngày 30-11 đến hết tháng 12-2021, tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến.
Về điều kiện để đi lại, đối với khách đi từ TP.HCM đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID-19 (dưới 6 tháng) và kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh).
Hành khách đến TP.HCM với điều kiện: có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh).
Trước khi lên xe, người dân khai báo y yế, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau rát họng… Trường hợp người chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe: phải đáp ứng các điều kiện nêu trên, trừ yêu cầu tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19...
Khi đi từ bến xe về nơi cư trú, lưu trú: hành khách thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương và tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể từng địa phương). Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì báo cho cơ quan y tế để được hướng dẫn.
Đối với lái xe và người phục vụ trên xe: phải đáp ứng đủ điều kiện đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh) hoặc giấy khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh).
Trường hợp lái xe, người phục vụ thực hiện chuyến khứ hồi trong ngày thì không bắt buộc xét nghiệm khi quay lại điểm đi; tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế. Nếu lưu trú tạm thời tại địa phương thì đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị sở giao thông vận tải các tỉnh thành xem xét, góp ý hoàn chỉnh dự thảo phương án nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, góp phần phục hồi kinh tế. Đồng thời, các sở báo cáo UBND các tỉnh thành xem xét chỉ đạo về việc tổ chức các tuyến vận tải khách đến và đi từ TP.HCM.