Ở đời, ngại nhất là tự nói về mình. Kêu khổ còn chả nên, huống hồ chia sẻ, kể lể công lênh. Ấy vậy mà có một cuộc thi đề cao chữ Tôi – cuộc thi Tôi và Thái Nguyên. Tôi viết về tôi và chắc chắn được bạn đọc thể tất vì tiêu chí cuộc thi nó vậy…
Trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hùng.
Cuộc thi này của Văn nghệ Thái Nguyên có chủ thể là Tôi nhưng không phải mệnh đề tiếp là chúng ta mà là một vùng quê, một vùng đất mà nói gì thì nói với người viết cũng bắt đầu từ chữ nặng tình, nặng nghĩa…
Tôi đi Quảng Ngãi thực hiện bài viết về đồng bào Kơ Ho tích cực trồng lúa nước, trồng mía bán cho nhà máy đường xuất khẩu của Nhà nước, về đến cơ quan nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì nhận được thư của Phạm Quốc Tuấn. Tuấn với tôi cùng tuổi, cùng gốc Hà Nam Ninh nhưng Tuấn vào học Khoa Văn Đại học Tổng hợp K19, trước tôi một khoá. Anh ra trường năm 1978, về công tác tại Ban tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam. Tôi ra trường năm 1979, cũng về đó, nhưng ở Ban tin nước ngoài.
Thư Tuấn đề: Thái Nguyên ngày 01/5/1980… Mình được điều về thường trú Thái Nguyên quê cậu. Vừa đi bản Dao Tân Lập Đại Từ về, vui lắm, đồng bào tình cảm lắm. Lần đầu tiên mình nhìn thấy hoa chuối rừng trên rừng Tam Đảo và mới hiểu trọn vẹn cả nghĩa đen và bóng câu thơ của Tố Hữu “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” đấy Minh ạ… Cuối thư cậu ấy viết, đi vài năm rồi về? Cậu ấy vận Kiều… “Mà nay góc bể chân trời/ Nắng mưa thui thủi quê người một thân” mà làm gì ? Kèm theo thư là một tờ giấy viết bài thơ mới sáng tác của Quốc Tuấn có tiêu đề Thái Nguyên.
“Thái Nguyên không phải nơi tôi sinh ra
Với màu áo công nhân, tôi neo lòng ở lại
Sông Cầu hiền như cô gái
Ôm Thái Nguyên trong vòng tay sông
Thành phố chưa nhiều nhà cao tầng
Phố chen với làng, đồi ở chen với phố
Những căn nhà chưa kịp đeo biển số
Những con đường chưa kịp đặt tên”…
Tôi bị những câu thơ của Tuấn tác động mạnh, trằn trọc trong đêm hè Sài Gòn thao thức… Đến 4h sáng, có tiếng rao của người đàn bà lam lũ dưới đường Nguyễn Đình Chiểu vọng lên: “Ai khoai mỳ”… tôi mới thiêm thiếp…
10 tuổi theo gia đình đi khai hoang lên Đại Từ, những năm cuối phổ thông nhiều xao động, tâm tư, cả những rung động, khao khát đầu đời… Đồi Trung du phơ phất bóng thông già/ Lớp sơ tán buồn trong chiều lộng gió/ Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ/ Những đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…
Rồi mới chiều hôm kia thôi, đứng bên dòng Trà Khúc bên huyện lỵ Trà Bồng nước trong xanh ngăn ngắt, quê nhà thơ Tế Hanh… Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả/ Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông… Quê hương ơi lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng… Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước/ Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương…
***
Theo đề nghị của Tổng biên tập Báo Bắc Thái Phạm Hồng Dương, tôi về tỉnh làm báo mà không làm bên Ty Văn hoá của bác Trưởng ty Quốc Thu theo quyết định mà Phó trưởng Ty, Lăng Duy Đôi ký… Sáng khoác ba lô về đến Toà soạn ở số 10 đường Nha Trang thì chiều Tổng Biên tập Hồng Dương đưa tôi sang chào Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Linh, một lãnh đạo lão thành, từng trải và điềm đạm.
– Thưa anh, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy,chúng tôi bắt đầu chăm lo yếu tố con người. Nhà báo trẻ đây từ cơ quan báo chí Trung ương về đầu quân… – Tổng biên tập giới thiệu.
– Tốt lắm. Anh cố gắng cho tờ báo của Đảng bộ có đủ điều kiện để chuyển tải chủ trương của Tỉnh ủy xuống cơ sở; rồi phản ánh phong trào từ cơ sở cho tỉnh nắm được mà điều hành chính sách cho phù hợp… Quay sang tôi ông bảo: Báo chí tỉnh nhà còn sơ khai lắm. Lịch sử quê hương thật hào hùng nhưng còn chưa được nhắc, phản ánh. Các cháu còn trẻ, lại là những người được đào tạo cơ bản đầu tiên, yêu lấy nghề cao quý, yêu quê hương thì hãy làm nhiều cho quê hương… Tôi nhớ như nằm lòng lời căn dặn của vị bí thư già, tuổi đời gấp đôi tuổi tôi năm ấy…
Chúng tôi ở những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước làm báo tuần và những dòng tin về lúa, lang, lạc, lợn… Rồi một ngày đẹp trời, thày tôi – Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng lên, ông viết bài Thái Nguyên anh là ai? Ông bảo, các bạn hãy tự thức lại đi, quê bạn không phải thế, không chỉ có thế! Ông bảo: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (Của nả ngay trong nhà, sao phải tìm mãi đâu?). Ông bảo, với Di chỉ Khảo cổ học thu được từ Mái Đá Ngườm, hang Miệng Hổ trên vùng hang động Thần Sa Võ Nhai, khẳng định đây là cái nôi của loài người. Hay vài trăm Di tích lịch sử Cách mạng và kháng chiến thì hỏi nơi nào có được? Thế rồi trên báo chúng tôi (Khổ báo đã rộng hơn, kỳ báo đã mau hơn), đã xuất hiện những bút ký, những trang thơ, truyện ngắn và đậm đà là những bài viết nằm trong Công cuộc trở về nguồn cội. Vẫn nghe Đại thi hào Víchto Huygô nói: “Tương lai là ánh hào quang của quá khứ”, nhưng kích hoạt quá khứ đang ngủ yên phải chăng có một phần trách nhiệm của báo chí chúng tôi? Lần lần thì những địa chỉ đỏ của báo chí trên quê hương cách mạng đã hé lộ như: Nơi ra đời Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Văn nghệ Cứu quốc hay Trường báo chí Kháng chiến Huỳnh Thúc Kháng… cùng với đó là những điểm nhấn đặc biệt của lịch sử cách mạng và kháng chiến chống Pháp 9 năm…
Từ cái nền vật chất và truyền thống ấy, báo chí Thái Nguyên của chúng tôi phát triển, xứng đáng với sự tin cậy của công chúng.
Cũng từ tình yêu mảnh đất và con người Thái Nguyên, chúng tôi (trong đó có tôi) đã nỗ lực để có những bộ phim ký sự truyền hình dài tập như: “Ký sự những nẻo đường Việt Bắc” – 100 tập, “Những địa danh mang dấu ấn thi ca”, 50 tập; những cầu truyền hình quy mô lớn “Hà Nội ngày trở về”, “Ký ức Điện Biên”… Rồi cả những bộ phim truyện “Tể tướng Lưu Nhân Chú”, 5 tập, “Dưới cờ phục quốc”, 4 tập… để ca ngợi và khẳng định những địa linh, nhân kiệt của quê hương…
Tháng 11 năm 2015, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam mời tôi, một Ủy viên Thường vụ về Hà Nội đảm trách Trưởng Ban Kiểm tra của Hội. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc không thể tiếp lửa nghề với quê hương được vì tổ chức lớn lắm, 307 đầu mối, gần nghìn cơ quan báo chí, 28.000 hội viên sẽ chiếm hết thời giờ… Biết tâm tư, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bảo: Chỉ sợ anh nguội đam mê/ Chứ về nơi ấy dễ bề giúp hơn. Quả đúng thế! Về đó, tôi hiểu hơn về những nỗ lực của tỉnh. Không ít bài báo do anh em ở xa chưa tường, chưa hiểu hết căn nguyên, tôi nói lại… Nó là thế này, phải nhìn từ góc nhìn này… Quan điểm lấy xây để chống mà tôi nói với anh em, nhiều người đồng tình. Tôi cũng hiểu một điều, Thái Nguyên là vùng đất hiền hòa, ai đã đến, dù bộ đội ở lại sau kháng chiến, lên xây dựng khu gang thép, đi kinh tế mới hay được đào tạo tai đây, đến với Thái Nguyên đều coi là quê hương. Mà đã coi là quê hương không ai nỡ phản bội quê hương.
10 năm trước, lúc ấy tôi đang làm Giám đốc Đài PTTH Thái Nguyên, tìm trong chính sử thấy ngày 4/11/1831, Thái Nguyên chính thức mang danh xưng cấp tỉnh và đã đạo diễn một chương trình sử thi kỷ niệm 180 năm có tên: “Thái Nguyên ơi biết mấy tự hào” rất thành công. Năm nay, kỷ niệm 190 năm, chúng tôi phối hợp với Báo Thái Nguyên thực hiện một biên niên sử, quy mô lớn nhất từ trước tới nay, mà làm không có điều kiện tài chính, chỉ bằng tình yêu quê hương. Bắt đầu từ 4 – 10 tới, một xê ri 20 kỳ ký sự được đăng báo in, sau đó in thành sách có tên Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước, cùng đó là 20 phóng sự truyền hình và ấn phẩm cuối là bộ phim tài liệu 5 tập… Chúng tôi gửi vào đó tâm hồn, trách nhiệm và cả tình yêu quê hương tha thiết…
Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh điện nhắc nhở: Còn bao góc khuất, mỗi góc khuất là một mảnh ghép của lịch sử đấy ông Minh ơi! Các ông “Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ”…