Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức tại 15 điểm cầu. Điểm cầu chính tại UBND quận 7 và 14 điểm cầu tại quận 4, huyện Nhà Bè; huyện Cần Giờ và các phường của quận 7.
Đánh giá đúng vai trò của người lao động
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Mạnh Dũng (phường Tân Phong, quận 7) bày tỏ cảm ơn các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực cùng TPHCM phòng, chống dịch. Theo cử tri Trần Mạnh Dũng, qua đợt dịch bệnh lần thứ 4, TPHCM nói riêng và một số tỉnh, thành khác cần phải nhìn nhận, đánh giá lại tầm quan trọng của lực lượng lao động nhập cư.
Ông Dũng trăn trở, thời gian qua, nhiều người lao động đã phải dời TP về quê trong điều kiện rất khó khăn. Dù TPHCM đã có sự hỗ trợ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Qua đó, cử tri kiến nghị Quốc hội cần có chính sách cụ thể, rõ ràng cho lực lượng lao động nhập cư ở các thành phố lớn cũng như các địa phương có khu công nghiệp lớn. Cùng với đó, các đơn vị quản lý lao động nhập cư cần làm tốt trách nhiệm của mình, phải bảo vệ và hỗ trợ kịp thời được người lao động trong những thời điểm khó khăn mà họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Tại huyện Nhà Bè, các cử tri cũng ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP trong công tác phòng, chống dịch. Dù vậy, cử tri bày tỏ đau lòng trước cảnh người lao động rồng rắn kéo nhau về quê. “Dù TP đã cố gắng nhưng rõ ràng chưa đủ và cho thấy có những lúng túng, khiếm khuyết trong sự liên kết vùng”, một cử tri bày tỏ; đồng thời cho rằng đã đến lúc phải không hình thành cơ chế vùng, có tổ chức và quy trách nhiệm rõ ràng, để khi xảy ra sự cố thì có sự điều hành chung.
Cử tri Lê Văn Tùng (khu phố 7, thị trấn Nhà Bè) băn khoăn về việc tổ chức cho học sinh học tập. Theo cử tri Tùng, việc học trực tuyến về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, việc giao tiếp và ứng xử của học trò. Qua đó, cử tri Lê Văn Tùng mong ngành giáo dục sớm có giải pháp phù hợp; đồng thời mong TP sớm có chủ trương tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ dưới 17 tuổi để trường học được mở cửa trở lại.
Cử tri ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) đề nghị Quốc hội, TPHCM xem xét cho triển khai dự án lấn biển Cần Giờ; sớm hoàn thiện cầu Cần Giờ để người dân lưu thông thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Giờ. Cử tri thông tin, có nhiều nơi xảy ra tiêu cực trong việc chi trả gói hỗ trợ cho người dân. Qua đó, cử tri kiến nghị TP cần tăng cường, kiểm tra, kiểm soát tiền chi trả gói hỗ trợ đợt 3.
Một nội dung khác mà cử tri cho rằng cần phải đánh giá lại, đó là việc tinh giản biên chế; các chính sách để công nhân trở lại TP. Cùng với đó, cần có khoản ngân sách đặc biệt để hỗ trợ bước đầu cho người lao động ngay khi trở lại TP; đưa nội dung nhà ở cho công nhân vào nghị trường để thảo luận.
1 triệu nhà ở cho người thu nhập thấp
Trao đổi với cử tri quận 4, 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt lãnh đạo TP trân trọng, tri ân, đánh giá rất cao sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó là sức mạnh đoàn kết của nhân dân TP, là sức mạnh đoàn kết của dân tộc.
Theo đồng chí, TPHCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, dù vậy khó khăn còn ở phía trước. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng lòng, chung sức của người dân để TPHCM có được thắng lợi cuối cùng.
Đối với ý kiến của cử tri về vấn đề an sinh, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi khẳng định, qua đợt dịch đã bộc lộ nhiều vấn đề, cả những điều tốt đẹp và những bất cập. Trong đó, an sinh là vấn đề được bộc lộ rõ nhất. Ngoài ra còn liên quan đến rất nhiều việc khác mà TP phải đánh giá lại. Đó là vấn đề nhà ở, chính sách cho người nhập cư.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, thời gian qua, TP đã rất nỗ lực và cũng nhận được sự chia sẻ rất lớn của cộng đồng, song không tránh khỏi những hạn chế thiếu sót. “Hàng ngày, chúng tôi cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại phản ánh chỗ này, chỗ kia còn chưa được chăm lo”, đồng chí nhìn nhận và cho biết TP đã chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, nhất là sai sót về mặt chủ quan.
Người đứng đầu Chính quyền TPHCM thông tin, sáng 11-10, TP đã thống nhất thành lập các đoàn giám sát gói an sinh đợt 3 để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, thiếu sót với mong muốn công tác chăm lo của TP thật sự ý nghĩa đối với người dân.
Cũng theo đồng chí, ngoài chuyện lo cái ăn, chỗ ở cho người dân, hiện có nhiều người lớn tuổi mất chỗ dựa do mất người thân, nhiều em nhỏ mồ côi cha mẹ. TPHCM cố gắng có nhiều chính sách để chăm lo cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi; cùng với đó là những phần việc nhằm chữa lành vết thương về tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Về vấn đề nhà ở, Chủ tịch UBND TPHCM trong thời gian dịch, lãnh đạo TP đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và thăm các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch. Đồng chí bày tỏ chia sẻ với người dân ở các khu trọ khi phải ở đông đúc trong không gian chật hẹp.
“4 tháng liền, gia đình phải ở trong không gian chật hẹp, cho thấy điều kiện sống chưa đảm bảo, tác động rất lớn đến đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Chúng ta đón những người ở các địa phương đến đây lao động, học tập, đóng góp cho TP nhưng ở góc độ nào đó, chúng ta chưa chăm lo nhà ở và các chăm lo khác cho lực lượng này chưa được đầu tư đúng mức”, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ và cho biết TP sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Trong kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết TP có đưa ra 11 kế hoạch thành phần, trong đó có kế hoạch về nhà ở ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
“Có thể cuối tuần này, Thường trực UBND TP sẽ nghe các ngành chức năng trình kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp trong thời gian tới. Dự kiến TP sẽ phát triển những căn nhà với giá thấp nhất có thể để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động, thay thế nhà ở trên kênh rạch và các chung cư cũ cũng như cải thiện nhà ở trong các khu nhà trọ”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh. |
TP chi tiền mua vaccine tiêm cho trẻ em
Riêng về giáo dục, đồng chí chia sẻ với các em học sinh và các bậc phụ huynh khi đang phải triển khai học trực tuyến như hiện nay, nhất là học sinh tiểu học. Dù vậy, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng không thể chấp nhận rủi ro để đưa học sinh trở lại trường khi điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đồng chí cho biết, trước mắt trong năm nay, học sinh sẽ tiếp tục học trực tuyến, nếu tình hình được cải thiện thì các em sẽ trở lại trường vào học kỳ 2.
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng chống dịch. “Địa phương nào kiểm soát được dịch ổn định trong khoảng thời gian đánh giá được thì có thể từng bước khai học trực tiếp" - Chủ tịch UBND TPHCM nói.
Người đứng đầu Chính quyền TPHCM cho biết thêm, TP cũng đã đồng ý cho Xã Thạnh An tổ chức học trực tiếp cho khối lớp 1, 2, 6, 9, 12. Sau khi thí điểm, nếu đánh giá được thì mở rộng ra vùng xanh trên địa bàn Cần Giờ, tiến tới là các "vùng xanh" khác trên địa bàn TPHCM.
Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn nhận được góp ý, hiến kế của người dân để tổ chức học tập an toàn trong các trường học.
Ngoài ra, TP cũng đã kiến nghị với Bộ Y tế cho phép TP được tiêm vaccine cho trẻ em sớm. Có thể TP sẽ dùng quỹ vaccine của TP để mua vaccine, tiêm cho trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường học.
“TP đã có kế hoạch chuẩn bị, có những bước đi an toàn để mở lại trường học”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh và cho phép huyện Cần Giờ, quận 7 đánh giá để thí điểm mở lại một số trường học sớm hơn theo thời gian chung của TP.
TP đang xây dựng chính quyền đô thị, tuy nhiên câu chuyện sắp xếp khu phố, tổ dân phố cũng có những bất cập. Đồng chí Phan Văn Mãi dẫn chứng, trong quá trình phòng chống dịch, chứng kiến trạm y tế một phường có 150.000 dân với một xã có 5.000 dân nhưng biên chế gần như giống nhau, rất khó cho tổ chức lực lượng. Không chỉ y tế mà các vấn đề khác cũng vậy. Đồng chí cho rằng đây cũng là việc đặt ra, đòi hỏi TP tiếp tục nghiên cứu việc tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với đặc thù. Cùng với đào tạo đội ngũ đáp ứng được yêu cầu công việc, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý xã hội… là những phần việc mà TPHCM sẽ phải giải quyết trong thời gian tới.
Đồng chí cũng thông tin, TPHCM chú trọng đầu tư về trụ cột y tế, trong đó quan tâm củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Cùng với đó là ý thức của người dân phải có sự thay đổi, phải hạn chế tập trung đông người, tiếp xúc, khử khuẩn, thay đổi thói quen. Nếu làm tốt mới ngăn chặn được lây truyền dịch bệnh ở TP.
Đồng chí thông tin thêm TP đang tập trung cho phục hồi kinh tế, trước tiên tập trung cho sản xuất, tiếp đó là dịch vụ. TP cũng đang đề nghị Trung ương có các chính sách hộ trợ doanh nghiệp; đồng thời TP cũng có những chính sách hỗ trợ riêng. Tín hiệu đáng mừng là hiện trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động sản xuất hoạt động trở lại đạt 60%.
Cán bộ không chuyên trách được hưởng thu nhập tăng thêmLiên quan đến sắp xếp lại khu phố/ấp, tổ dân phố, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, Sở đã phối hợp với sở, ngành lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam TP và các quận huyện trong việc sắp xếp lại khu phố, tổ dân phố theo Nghị định 34 của Chính phủ. Hiện trên địa bàn TPHCM có 2.008 khu phố/ấp và hơn 24.000 tổ nhân dân. Theo Nghị định 34, tất cả các tỉnh, thành phải sắp xếp lại, dưới phường chỉ còn khu phố/ấp hoặc tổ dân phố. Như vậy, sau khi sắp xếp lại chỉ còn hơn 4.000 khu phố/ấp, giảm hơn 22.000 đơn vị. Nếu với tình hình dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua mà TP đã sắp xếp xong khu phố/ấp thì không có lực lượng tham gia phòng chống dịch. Qua đó, Sở sẽ lấy ý kiến các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể để có những kiến nghị phù hợp hơn. Đối với chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết sở đã có tờ trình, căn cứ vào Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM về chi thu nhập tăng thêm. Dự kiến, cán bộ không chuyên trách có trình độ trên đại học sẽ hưởng hệ số 2.67; cán bộ không chuyên trách có trình độ đại học hưởng hệ số 2.34; trung cấp hoặc chưa qua đào tạo là 1.86. |