Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy tính đến ngày 15-9, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các trung tâm công nghiệp để về quê.

 
Khoảng 1,3 triệu lao động về quê, thu hút họ quay lại là vấn đề nan giải - Ảnh 1.

Việc thu hút lao động đã về quê trở lại các trung tâm công nghiệp theo Tổng cục Thống kê là vấn đề nan giải - Ảnh: Đ.T

Ông Phạm Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê - cho biết trong cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021, do tổng cục tổ chức ngày 12-10.

Thông tin thêm về dòng lao động đang di chuyển từ các trung tâm công nghiệp về quê, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - vụ phó Vụ Thống kê dân số và lao động - cho hay trong số khoảng 1,3 triệu lao động về quê thời gian qua có 34% là người đang làm việc, 38% không có việc làm, số còn lại là không có nhu cầu làm việc do e ngại rủi ro dịch bệnh.

Trong quý 4, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục điều tra để đánh giá đầy đủ hơn tình trạng lao động về quê có việc làm hay không, số liệu sẽ công bố trong báo cáo quý 4 và năm nay.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 3 năm nay, cả nước có 4,7 triệu người mất việc làm, trong đó có 1,7 triệu người thất nghiệp, tăng 532.200 người so với quý trước.

Giải thích về sự chênh nhau giữa con số lao động mất việc làm với số người thất nghiệp, bà Mai cho biết thông kê chia số người mất việc làm thành 3 nhóm: nhóm tiếp tục tìm kiếm việc làm, nhóm bắt buộc rời thị trường (thất nghiệp - PV) và nhóm chấp nhận làm việc trong khu vực phu chính thức, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản.

Việc phân loại này, theo bà Mai, để có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với từng đối tượng mất việc làm. Chúng tôi không gọi người mất việc là thất nghiệp vì có những người vẫn tiếp tục tìm kiếm việc làm.

Về thu nhập của người lao động trong quý 3, số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động 5,2 triệu đồng/tháng, giảm 877.000 đồng/tháng so với quý trước.

Riêng thu nhập của người lao động trên địa bàn TP.HCM giảm khoảng một nửa, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn TP.HCM hơn 9 triệu đồng/tháng, đến nay chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng, mức giảm sâu nhất được ghi nhận trên cả nước. 

Theo bà Mai nguyên nhân do TP.HCM giãn cách quá lâu, tỉ lệ lao động mất việc trong khu vực chính thức giảm mạnh.

Về nguy cơ thiếu hụt lao động tại các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương trong quý 4 và những tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Trung Tiến - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định gần như không thể xảy ra vì doanh nghiệp không thể mở cửa ồ ạt.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhân tình trạng thiếu hụt lao động chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, phục hồi kinh tế. 

Tín hiệu tích cực là xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI trong quý 3 không giảm, vì khu vực này ít ảnh hưởng hơn khu vực doanh nghiệp trong nước. Theo đó, xuất khẩu của khu vực FDI trong thời gian qua vẫn được duy trì, chiếm 74% giá trị xuất khẩu trong 9 tháng.