Chiều 12/10, gặp mặt Đoàn doanh nghiệp của Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các thương hiệu mạnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nhân, doanh nghiệp chủ động tham gia đóng góp vào quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững thời kỳ “hậu Covid”.
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, vượt qua những thách thức do đại dịch mang lại.
“Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch”.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam được duy trì gần 20 năm qua, là nơi hội tụ của các doanh nghiệp cả nước, cùng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, kinh doanh, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp và hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân cũng như giới chuyên gia kinh tế tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương.
Cho rằng doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi chiến lược, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại và thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có những giải pháp căn cơ bảo đảm an toàn nguồn lực lao động cho duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài những thách thức, đại dịch Covid-19 đang mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển, không chỉ đơn thuần là phục hồi kinh tế mà phải là phục hồi xanh, kinh tế xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
“Trong đó, người dân là trung tâm, thể chế và công nghệ là động lực, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định và doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng chủ lực, hợp tác có hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt, các doanh nhân, doanh nghiệp cần tham gia tích cực, tạo đột phá trong thị trường khoa học, công nghệ, trong đó, các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan nhà nước đang tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các chính sách liên quan phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình lĩnh vực kinh doanh mới, thực hiện rà soát các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng các chính sách pháp luật bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất.
“Quá trình liên tục tự hoàn thiện, tự đổi mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như vậy rất cần sự tham gia của doanh nhân, doanh nghiệp để nói lên tiếng nói của thực tiễn, chuyển tải những xu hướng mới của thời đại “bình thường mới” hậu Covid-19, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai”.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp tích cực hơn nữa nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, chú trọng phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc; xây dựng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Hơn nữa, “nuôi dưỡng hoài bão lớn và khát vọng vươn lên để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc các doanh nhân, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển; đồng thời khẳng định: Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị luôn đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp.
Dịp này, hoan nghênh ý kiến của Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian tới, “chúng ta cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục tác động của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, từng bước tái thiết và khôi phục kinh tế”.
“Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của 5 năm tới cũng như trong kế hoạch bắt đầu từ năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thống nhất rất cao đặt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chương trình tổng thể thích ứng, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến cố, những cú sốc do bất ổn kinh tế vĩ mô ở bên ngoài hoặc những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hay dịch bệnh”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cũng mong cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến về việc làm thế nào để cải thiện các điều kiện để tăng cường năng lực của thị trường vốn, thị trường khoa học - công nghệ và thị trường lao động; cải thiện các yếu tố để tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế; thể chế, chính sách thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo.