Theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn y tế, trong đó có nội dung không yêu cầu xét nghiệm với việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, việc đi lại của người dân không dễ dàng do còn vướng nhiều thủ tục...
Bến Tre: Phải có Công văn của UBND cấp huyện

Ngày 14-10, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, hỗ trợ người dân di chuyển qua lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, hiện nay nhu cầu di chuyển chính đáng của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là khu vực phía Nam phát sinh nhiều. Để tạo điều kiện cho người dân di chuyển trong các trường hợp cần thiết và khi các địa phương tái khởi động hoạt động kinh tế, giúp phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, thống nhất tạo điều kiện cho người dân giữa tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố di chuyển theo quy định, điều kiện và yêu cầu cụ thể.

Theo đó, các đối tượng được di chuyển như: người dân đi khám bệnh, điều trị bệnh; học sinh, sinh viên nhập học; giáo viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy; người có tài sản và canh tác nông nghiệp tại địa phương nơi đến... đều phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực, tình trạng tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, cần có Công văn của UBND cấp huyện (nơi đi) đầy đủ thông tin về thời gian, đối tượng, lý do và các giấy tờ liên quan; điểm đi, lộ trình di chuyển, điểm đến, số điện thoại liên lạc gửi đến UBND các địa phương trên lộ trình di chuyển và nơi đến. 

Đồng Nai: Cho phép người dân đi, về TPHCM bằng xe cá nhân

Ngày 14-10, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản cho phép người lao động di chuyển giữa TPHCM với Đồng Nai bằng xe ô tô cá nhân. Theo đó, tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung tổ chức cho người di chuyển giữa TPHCM và Đồng Nai sử dụng xe ô tô cá nhân theo phương án mà UBND TPHCM ban hành vào ngày 1-10. Người ngồi trên xe phải đáp ứng đẩy đủ các điều kiện theo quy định như: phải tiêm vaccine Covid-19 ít nhất 1 mũi (đối với loại vaccine tiêm 2 mũi) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng, đồng thời phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (định kỳ 7 ngày/lần). 

Theo ghi nhận của phóng viên, vào chiều cùng ngày tại chốt kiểm soát dịch Hóa An thuộc phường Hóa An, TP Biên Hòa, người dân được phép qua lại bằng cả xe máy và ô tô, chỉ cần chứng minh đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và trong trường hợp mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 thì phải xuất trình thêm giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Vận tải hành khách liên tỉnh vẫn chưa thông tuyến

 Ngày 14-10, ngày thứ 2 TPHCM thí điểm vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng ô tô khách nhưng tuyến vẫn chưa thông. Trong khi đó, ghi nhận tại QL13 cho thấy, lượng người dân lưu thông bằng xe cá nhân, xe đưa đón qua lại giữa địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương khá đông đúc. Các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ thuộc địa bàn TPHCM có lực lượng trực chốt nhưng không kiểm tra, người dân tự do đi lại.

Tuy nhiên, chốt kiểm soát dịch tại địa phận tỉnh Bình Dương vẫn hoạt động, kiểm tra giấy tờ, lý do di chuyển của người đi đường. Một cán bộ trực chốt tại khu vực tỉnh Bình Dương cho biết, người dân muốn lưu thông đến địa phận tỉnh Bình Dương vẫn bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên và còn hiệu lực theo quy định.

Hà Nội duy trì 22 chốt ra vào thành phố
Ngày 14-10, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào thủ đô. Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, hiện đơn vị chưa nhận được chỉ đạo từ chính quyền thành phố nên chưa thể tháo các chốt kiểm soát. Mặc dù vậy, các chốt sẽ linh hoạt trong quá trình kiểm soát để tránh gây ùn tắc giao thông. Theo quy định tại chốt kiểm soát, người dân và phương tiện đi qua vẫn cần giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ (có thể test nhanh hoặc phương pháp PCR), giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra, vào Hà Nội để thực hiện công vụ.
Cần Thơ vẫn yêu cầu kết quả xét nghiệm
Chiều 14-10, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn đang áp dụng các quy định hiện hành về xét nghiệm, cách ly đối với người đến TP Cần Thơ”. Ông Hiển cho biết thêm, việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND thành phố đã họp bàn với các ngành chức năng và đang tiến hành soạn thảo kế hoạch triển khai, dự kiến vào ngày 15-10, trên tinh thần thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

 

Vận tải khách liên tỉnh vẫn rất ít nhà xe chạy vì vướng nhiều "rào cản", quy định chở khách đi, đến các địa phương