Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Lê Quang Huy điều hành phiên họp
Ngày 16-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) đã tiến hành phiên họp toàn thể để thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2021 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2022; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11…
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia tiếp tục được tăng cường; cơ chế, chính sách về KHCN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KHCN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia.
Đáng lưu ý, việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động KHCN tiếp tục được quan tâm thực hiện, tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực KHCN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh cán bộ KHCN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống. Một số tổ chức KHCN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư.
Tuy nhiên trong năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 cũng khiến hoạt động KHCN & ĐMST trong cả nước cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban KHCNMT đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Ủy ban KHCNMT cho rằng, công tác quản lý nhà nước về KHCN đã nỗ lực xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển KHCN chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động ĐMST và chuyển giao công nghệ; cơ chế, chính sách hướng dẫn về trích lập, quản lý và sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung hướng dẫn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đổi mới công nghệ và ĐMST của doanh nghiệp theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại hóa sản phẩm KH&CN trên thị trường từ các đơn vị nghiên cứu trong nước còn rất ít; việc định giá, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế; mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, hệ thống tổ chức trung gian còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối; hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Đặc biệt, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp KHCN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với các đơn vị thực hiện cơ chế này. Một số đơn vị chưa có sản phẩm KHCN chủ lực làm nòng cốt để phát triển, vẫn còn có sự chồng chéo nhất định trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao giữa các đơn vị.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao những nội dung thẩm tra thẳng thắn của cơ quan thẩm tra.
Các đại biểu cũng chỉ rõ, công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến, do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, các quy định về tài chính thuê chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Tài chính tổ chức rà soát, đề nghị sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các VBQPPL liên quan đến định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN; nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; xử lý tài sản hình thành từ việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN; đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đối với việc đầu tư, xây dựng cho phòng thí nghiệm chuyên sâu, phòng thí nghiệm trọng điểm, công trình nghiên cứu đồng bộ, nghiên cứu chính sách thu hút chuyển dịch các hoạt động nghiên cứu khoa học và ĐMST của các tập đoàn lớn trên thế giới khi đầu tư vào Việt Nam.
ANH PHƯƠNG