Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở miền Tây đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại. Hầu như ngày nào cũng có tên 5 - 6 tỉnh, thành ở khu vực này góp mặt vào “top 10” địa phương có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất nước.

Hơn 300.000 người từ vùng dịch về quê

Theo số liệu do Bộ Y tế công bố, ngày 30.9, tổng số ca mắc mới Covid-19 của 13 tỉnh, thành ở miền Tây là 488 người. Đến ngày 9.10, số ca mắc mới tăng lên gần gấp đôi, với 938 người; và đến 15.10 tăng lên 1.191 người.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng số ca mắc mới ở miền Tây, nhưng có một thực tế mà ai cũng thấy rõ là từ ngày 1 - 10.10, bình quân mỗi ngày khu vực này đón hơn 30.000 người dân từ tâm dịch phía nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…) về quê với phương tiện chủ yếu là xe máy cá nhân.

Nguy cơ bùng dịch ở miền Tây - ảnh 1

Cà Mau huy động nhân lực, vật lực làm suốt ngày đêm để hoàn thành và đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến trong thời gian sớm nhất

GIA BÁCH


Nguy cơ bùng dịch ở miền Tây - ảnh 2

Tiêm vắc xin nhóm đối tượng ưu tiên ở Vĩnh Long

XUÂN PHÚC

Để có thể cùng lúc tiếp nhận hàng chục ngàn người trở về như thế, nhiều tỉnh, thành trong khu vực đã phải trưng dụng gần như toàn bộ trường học trên địa bàn làm khu cách ly tập trung. Trong khi đa phần những người về quê chưa được tiêm vắc xin, hoặc chỉ mới được tiêm 1 mũi; tỷ lệ người dân địa phương được tiêm vắc xin mũi 1 cũng chưa đến 30%, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.

Đơn cử, An Giang là tỉnh số người về quê lớn nhất miền Tây, với hơn 51.000 người; trong đó chỉ có 8% được tiêm 2 mũi vắc xin, khoảng 30% được tiêm 1 mũi. Tính từ ngày 1 - 15.10, An Giang ghi nhận 2.180 ca mắc Covid-19, trung bình có 145 ca mắc mới/ngày; trong đó riêng ngày 8.10 có đến 315 ca, cao nhất từ trước đến nay.

Nguy cơ bùng dịch ở miền Tây - ảnh 3

Tại Đồng Tháp, thời điểm cuối tháng 9.2021, mỗi ngày tỉnh ghi nhận chỉ vài ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, tính từ ngày 1 - 15.10, tỉnh ghi nhận hơn 730 ca mắc Covid-19 mới; trong đó chiếm hơn 60% là người từ vùng dịch về.

Ngày 15.10, trong số 40 ca dương tính ghi nhận ở Bạc Liêu thì có đến 39 người về quê. Còn tại Cà Mau, từ ngày 1 - 15.10 có 686 ca mắc mới, trong đó có đến 555 ca ghi nhận từ dòng người về quê…

Cùng thời điểm từ 1 - 15.10, tại một số tỉnh cũng xuất hiện các ổ dịch bùng phát trong cộng đồng, khiến cho số ca mắc mới Covid-19 tăng cao. Đáng lo ngại nhất là tại Sóc Trăng, liên tiếp trong 3 ngày từ 14 - 16.10 ghi nhận đến 621 ca dương tính Covid-19.Các ổ dịch mới diễn biến phức tạp

Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ngày 16.9 Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở miền Tây áp dụng trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đến ngày 22.9, tỉnh phát hiện ổ dịch mới liên quan tài xế xe tải chở tôm ở xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu, ghi nhận có 29 ca dương tính Covid-19. Tiếp đó, ngày 5.10, tỉnh tiếp tục phát hiện ổ dịch xảy ra tại Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi (ấp Hà Bô, xã Tài Văn, H.Trần Đề). Mặc dù Sóc Trăng đã kịp thời phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ xã Lai Hòa và xã Tài Văn để tập trung khoanh vùng, truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng 2 ổ dịch này chưa được kiểm soát, ngăn chặn mà diễn biến rất phức tạp, trong nhiều ngày qua đã lây lan nhanh.

Theo nhận định của Sở Y tế Sóc Trăng, chùm ca bệnh ở xã Tài Văn là ổ dịch phức tạp nhất. Qua xét nghiệm sàng lọc trong khu phong tỏa, đến nay phát hiện khoảng 1.000 ca nhiễm có liên quan đến ổ dịch này và đã lây lan đến 7 địa phương trong tỉnh. Hiện nay số ca nhiễm mới liên quan đến chùm ca bệnh này vẫn tiếp tục tăng. Các địa phương có ca nhiễm liên quan đang tiếp tục điều tra, truy vết, xét nghiệm diện rộng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng cho rằng tình hình dịch bệnh ở tỉnh này vẫn còn rất phức tạp, đến nay số ca nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là các ổ dịch mới bùng phát tại các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và TX.Tân Châu.