Trước khi đi du lịch, Juhi Singh vội vã đến phòng khám tư tại New York để xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19.

Chủ nhân 46 tuổi của trung tâm chăm sóc sức khỏe cao cấp nằm trong khu Upper East Side thuộc quận trung tâm Manhattan muốn làm xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 trước chuyến du ngoạn ở bờ biển Amalfi, Italy. Cô đã tiêm vaccine Johnson & Johnson từ hồi tháng hai. Kết quả xét nghiệm không nằm trong yêu cầu xuất nhập cảnh của giới chức Mỹ hay Italy, nhưng Singh kiên quyết cô "không đi đâu nếu không đủ kháng thể".

Khoảng 24 tiếng sau, cô được phòng khám Sollis Healthcare thông báo kết quả qua email, đạt 14,8 U/ml. "Tôi vô cùng lo lắng nhưng các chỉ số vẫn ổn. Kháng thể của tôi có giảm đi một chút, nhưng tôi hiểu rằng vaccine còn hiệu quả và tôi vẫn được bảo vệ", Singh chia sẻ.

Nữ doanh nhân cho biết xét nghiệm định lượng kháng thể hàng tháng hoặc định kỳ đang ngày càng phổ biến trong giới giàu và lo lắng nhiều về sức khỏe như cô. Khách hàng lẫn bạn bè Singh bàn luận về chỉ số kháng thể như một chủ đề trò chuyện thông thường hay tính calorie mỗi bữa ăn.

Scott Braunstein, giám đốc y khoa tại Sollis Healthcare ở New York, cho biết phòng khám kiểm tra chỉ số này cho khách hàng gần như mỗi ngày.

"Đây là một xét nghiệm máu đơn giản và có thể nhận kết quả sau một ngày vì nhiều phòng thí nghiệm lớn chấp nhận thực hiện. Nó cũng không quá đắt đỏ. Bảo hiểm có thể trả, nếu không thì tốn khoảng 100-200 USD", ông cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y khoa tại Mỹ lo ngại xét nghiệm định lượng kháng thể đang bị lạm dụng. Hình thức này khi được thương mại hóa và phổ biến khó mang lại hiệu quả thực tiễn vì mỗi phòng thí nghiệm sử dụng một cách đo và chỉ số khác nhau.

Một khách hàng xét nghiệm với Sollis Healthcare có thể nhận kết quả 20 U/ml nhưng khi đến phòng khám khác sẽ được báo chỉ số 270 hoặc cao hơn do họ dùng đơn vị đo khác. Bên cạnh đó, bản thân Braunstein cũng không khẳng định một người mang chỉ số cao hơn đồng nghĩa họ có miễn dịch tốt hơn.

Nhân viên y tế lấy mẫu máu làm xét nghiệm định lượng kháng thể tại San Diego, bang California vào tháng 6. Ảnh: San Diego Union-Tribune.

"Chúng tôi không có đủ dữ liệu để so sánh giữa lượng kháng thể ở mức 4 với 15. Giả sử bạn có chỉ số là 9 còn tôi ở mức 8, bạn vẫn không thể khẳng định bạn an toàn hơn tôi", ông thừa nhận.

Cục quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) khuyến cáo người dân không lạm dụng xét nghiệm định lượng kháng thể để tự giải nghĩa khả năng miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC) cùng Hiệp hội Bệnh Truyền nhiễm Mỹ (IDSA) đều đưa ra những khuyến cáo tương tự.

Giới chức y tế Mỹ lo ngại dịch vụ này lợi bất cập hại, tạo ra tâm lý chủ quan. Người có kết quả với chỉ số cao có khả năng lơ là các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang hay kiểm tra sức khỏe nếu có triệu chứng, khiến virus lây lan âm thầm, đe dọa bản thân lẫn mọi người xung quanh.

Athur Caplan, chuyên gia về đạo đức trong sinh học tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, chỉ trích những bác sĩ cổ súy dịch vụ này đang đẩy bệnh nhân vào tình thế nguy hiểm. Chúng gây nên tâm lý an toàn giả tạo hoặc nhận thức sai lầm về khả năng miễn dịch.

"Dù bạn có kháng thể, điều này không đồng nghĩa bạn có đủ kháng thể chống lại những biến chủng mới", ông nhận định.

Đối với một số căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc như bệnh sởi hay viêm gan siêu vi A và B, định lượng kháng thể giúp cơ sở y tế xác định liệu bệnh nhân đã miễn dịch chưa. Tuy nhiên, dữ liệu về nCoV vẫn còn quá ít để giới thực hành y khoa áp dụng tương tự.

"Chặng đường chúng ta trải qua vẫn còn rất ngắn. Chúng ta vẫn chưa rõ chỉ số đạt giá trị nào đồng nghĩa miễn dịch", Mary Hopkins, phó giám đốc chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Tufts, nhấn mạnh.

Trong khi đó, những bác sĩ như Braunstein cho rằng xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 cũng có mặt lợi. Ông nhận thấy bệnh nhân có chỉ số kháng thể thấp sẵn sàng thay đổi cách sinh hoạt và những lựa chọn hàng ngày nhằm giảm rủi ro. Một số khách hàng của ông chấp nhận tiêm mũi vaccine tăng cường khi biết chỉ số kháng thể giảm.

"Các bệnh nhân của chúng tôi rất cẩn thận. Nhiều bệnh nhân muốn biết rõ chỉ số cá nhân. Biết mức kháng thể của bản thân đang trở thành một trào lưu mới", bác sĩ Alan Viglione, điều hành hệ thống chăm sóc sức khỏe Montecito Concierge Medicine, cho biết.

Dịch vụ xét nghiệm này đặc biệt thịnh hành với giới nhiều tiền ở Mỹ, vốn xem mọi kiểm tra y tế là cần thiết và mọi chi phí khám chữa đều hợp lý. Các dịch vụ tư vấn sức khỏe thay vì tư vấn về mức độ cần thiết của xét nghiệm đã chiều theo ý muốn khách hàng và thu lời, theo Caplan.

Một số bang tại Mỹ đã sử dụng xét nghiệm định lượng kháng thể trong ứng phó Covid-19. Tuy nhiên, biện pháp này chủ yếu phục vụ nghiên cứu dịch tễ và hoạch định chính sách chứ không được áp dụng phổ biến ở mức độ cá nhân.

Maryland đã xét nghiệm định lượng kháng thể với hơn 500 người sống tại các viện dưỡng lão. Sau khi ghi nhận khoảng 50% có mức kháng thể giảm một thời gian sau khi tiêm chủng đầy đủ, Thống đốc Larry Govan ký sắc lệnh yêu cầu mọi cư dân lớn tuổi ở Maryland tiêm mũi tăng cường nếu sống trong khu nhà tập trung đông người.

Xét nghiệm kháng thể có khả năng hữu ích với bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm, như người đang điều trị ung thư, theo bác sĩ Thomas Denny của Viện Vaccine thuộc Trường Y Đại học Duke.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết người khỏe mạnh có thể an tâm rằng hệ miễn dịch thường luôn nhớ cách phản ứng với mối đe dọa cũ. Dù chỉ số kháng thể giảm sau khi khỏi Covid-19 hoặc tiêm vaccine đã lâu, cơ thể vẫn nhớ cách phản ứng khi gặp mối đe dọa và kích hoạt cơ chế miễn dịch, tạo ra kháng thể mới.

"Trí nhớ miễn dịch rất mạnh. Công chúng cần hiểu rõ điều này", Elitza Theel, chuyên gia thuộc hệ thống y tế Mayo Clinic, cho biết.