Chiều 19-10, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, những xe hướng từ các tỉnh thành như Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận… vào TP.HCM (TP) vẫn bị lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19.

TP.HCM: Đi thoải mái, về vẫn lằng nhằng’ - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng kiểm tra người dân đi từ các tỉnh vào TP.HCM chiều 19-10 - Ảnh: MINH HÒA

Chốt trạm thu phí Long Phước (TP Thủ Đức) do Đội CSGT Cát Lái thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP quản lý kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với tất cả người ngồi trên xe.

Nhiều tài xế không có giấy xét nghiệm âm tính không được qua. Một số người cho hay, khi đi từ TP đi Vũng Tàu thì không bị kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính, tuy nhiên khi quay trở lại TP thì bị kiểm tra.

"Chúng tôi nghĩ rằng hướng đi Vũng Tàu không kiểm tra thì hướng vào TP cũng như vậy. Nhưng khi đến chốt, các chiến sĩ lại yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm. Chúng tôi phải quay đầu xe đi tìm chỗ xét nghiệm", một tài xế cho hay.

Tương tự, anh Đỗ Thanh Bình (ngụ quận Bình Thạnh) phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, vào lúc 15h30 ngày 18-10, anh đi ôtô từ Vũng Tàu đến TP, khi tới chốt trạm thu phí Long Phước (TP Thủ Đức) thì bị lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính. Anh không có nên phải quay đầu xe đi xét nghiệm.

"Tôi đã tiêm vắc xin đầy đủ 2 mũi và khai báo y tế. Hôm trước, tôi đi từ TP xuống Vũng Tàu không bị kiểm tra, đến nay (18-10) quay trở lại TP thì bị kiểm tra giấy xét nghiệm. Tôi cứ nghĩ là các địa phương kể cả TP.HCM sẽ không kiểm tra giấy xét nghiệm nữa theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nhưng khi đi thì thoải mái, về thì lằng nhằng", anh Bình chia sẻ.

 
TP.HCM: Đi thoải mái, về vẫn lằng nhằng’ - Ảnh 2.

Anh Bình cho biết lực lượng chức năng tại chốt trạm thu phí Long Phước đưa cho anh mẫu giấy ghi "Thẻ quay đầu xe" để quay lại Đồng Nai tìm chỗ xét nghiệm COVID-19 vào ngày 18-10 - Ảnh: Bạn đọc cung cấp.

Chiều 19-10, trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng PC08, cho biết hiện lực lượng chức năng tại 12 chốt cửa ngõ TP vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với người dân ra, vào TP như trước đây.

Theo vị này, hiện Phòng PC08 chưa nhận được chỉ đạo mới từ cơ quan có thẩm quyền.

Lực lượng chức năng tại 12 chốt cửa ngõ TP tiếp tục kiểm tra giấy xác nhận tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, hoặc mũi 1 sau 14 ngày, hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày, kèm giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong thời hạn 72 giờ người dân mới được vào TP.

TP.HCM: Đi thoải mái, về vẫn lằng nhằng’ - Ảnh 3.

Người dân đứng chờ khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm và thẻ xanh tại chốt cửa ngõ trạm thu phí Long Phước chiều 19-10 - Ảnh: MINH HÒA

TP.HCM: Đi thoải mái, về vẫn lằng nhằng’ - Ảnh 4.

Nhiều ôtô từ các tỉnh, thành vào TP vẫn bị kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính - Ảnh: MINH HÒA

--------------------------------------------------------------------- 

Kiểm soát đi lại vẫn mỗi nơi một kiểu

Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định dỡ bỏ các quy định kiểm soát cát cứ địa phương để người dân được tự do đi lại liên tỉnh. Nhưng trên thực tế mấy ngày qua việc đi lại của người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa được tháo gỡ.

 
Kiểm soát đi lại vẫn mỗi nơi một kiểu - Ảnh 1.
An Giang vẫn duy trì 3 chốt trên quốc lộ 91 (giảm 1 chốt), các đoàn xe vẫn ùn ứ trước chốt kiểm soát - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến ngày 15-10 nhiều tỉnh thành trên toàn quốc vẫn duy trì hoạt động kiểm soát như thời điểm trước khi có nghị quyết 128. 

Một số tỉnh đã nới lỏng theo hướng bỏ giấy đi đường nhưng vẫn đòi phải có giấy xét nghiệm, phải cách ly hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người đến từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2).

Ra khỏi tỉnh phải xin phép

Tại An Giang, quy định mới thích ứng với dịch COVID-19 theo nghị quyết 128 của tỉnh này vẫn yêu cầu người dân ra khỏi tỉnh phải xin phép. Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh - khẳng định đây không phải giấy phép con mà hoàn toàn phù hợp theo nghị quyết 128.

"Nếu công dân ra khỏi tỉnh không có giấy xác nhận của địa phương tại An Giang thì tỉnh khác làm sao biết công dân này đang ở khu vực đỏ, cam, vàng hay xanh. Trong ngày 15-10, TP Long Xuyên đã cấp giấy xác nhận cho gần 1.000 trường hợp ra khỏi tỉnh rồi. 

Đây không phải là giấy phép con. Vì không có giấy xác nhận này mà người An Giang đi TP.HCM hay các tỉnh làm sao họ biết người đó đang ở vùng nào của An Giang được" - ông Thư khẳng định.

Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân đến An Giang với mục đích công tác, làm việc, học tập, đầu tư, kinh doanh... phải xuất trình thư mời, kế hoạch công tác, chương trình làm việc tại tỉnh (hoặc văn bản cho phép đến An Giang của UBND tỉnh, TP nơi đi). Ông T. (ngụ TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho hay ông có nhiều công trình đang thi công dang dở ở An Giang.

Về việc này, ông Trần Anh Thư nói: "An Giang làm sao biết ông đó ở Đồng Tháp thuộc vùng xanh, đỏ, cam hay vàng. Vì vậy việc xác nhận này giúp cho địa phương nơi họ đến biết được nằm trong vùng nào thôi".

Vào tỉnh phải được phép

Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay dịch bệnh tại tỉnh này đang diễn biến phức tạp nên cần xem xét toàn diện để đến cuối tuần sẽ ra giải pháp phù hợp nhất theo nghị quyết 128. 

Ông Bửu cho hay người dân ra vào tỉnh phải đảm bảo tiêm 2 mũi vắc xin và có giấy xác nhận âm tính COVID-19. "Không có giấy này, lỡ dọc đường bị chốt khác giữ lại rất khó cho bà con. Còn xe liên tỉnh, chúng tôi dự kiến kết nối với 3 hướng: TP.HCM - Tiền Giang - Long An; An Giang - Cần Thơ - Vĩnh Long và Cà Mau - Bạc Liêu - Kiên Giang" - ông Bửu nói.

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết hiện nay các quy định cũ vẫn thực hiện, dự kiến tuần sau mới triển khai theo tinh thần nghị quyết 128. 

Bạc Liêu cho phép người dân ra khỏi tỉnh không phải xin phép cơ quan chức năng (chỉ cần có cam kết lộ trình di chuyển để trình tại chốt) nhưng người nơi khác đến phải được sự cho phép của chủ tịch UBND tỉnh hoặc người được chủ tịch tỉnh phân công, ủy quyền.

Cùng ngày, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mới từ 0h ngày

16-10 đến hết 31-10. Vĩnh Long vẫn duy trì các biện pháp giống như khi áp dụng chỉ thị 19 của Chính phủ với các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, cách ly người ra vào địa phương. 

Riêng TP Cần Thơ, ngày 15-10 Sở chỉ huy phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới có tờ trình ban hành kế hoạch tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Kiểm soát đi lại vẫn mỗi nơi một kiểu - Ảnh 2.

Chốt phòng dịch tại cửa ngõ ra vào Hà Nội vẫn hoạt động sau nghị quyết 128 của Chính phủ. Đến tối 15-10 có quyết định dừng kiểm tra người và xe ra vào - Ảnh: PHẠM TUẤN

Vẫn cách ly, xe vẫn phải quay đầu

Tại Hải Phòng, ngày 15-10 nhiều người dân đến từ Hà Nội phản ánh tại chốt kiểm soát lối ra đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dù tiêm đủ liều vắc xin vẫn bị yêu cầu quay lại nếu không muốn thực hiện biện pháp cách ly tại nơi lưu trú. 

Bà Phạm Thu Xanh - tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng chống COVID-19 Hải Phòng - cho biết việc quy định xét nghiệm và cách ly đối với người dân đến từ một số vùng nguy cơ là phù hợp quy định nghị quyết 128 rằng UBND các tỉnh thành có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh. 

Người từ vùng xanh Hà Nội nếu tiêm đủ liều vắc xin vào địa bàn sẽ không phải cách ly mà chỉ theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, người đến từ vùng vàng sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Trong khi đó đến ngày 15-10, các tỉnh Hải Dương, Thái Bình chưa có quy định mới nên những người đến từ nơi khác khi qua chốt kiểm soát cửa ngõ vẫn phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tại chốt kiểm soát cầu Nghìn (tỉnh Thái Bình), một số người đến từ Hải Phòng không có giấy xét nghiệm nên bị yêu cầu quay đầu nếu không muốn phải cách ly. 

 

"Bộ Y tế nên có quy định rõ về thời hạn để các tỉnh xác định rõ cấp độ dịch tại từng địa bàn thuộc địa phương mình. Việc này phải hoàn thành sớm dựa trên các tiêu chí mà bộ đã đưa ra chứ hiện nay người dân đang không biết đâu là vùng đỏ, vùng xanh" - chị Phạm Thị Thu Nhung (26 tuổi, trú tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) bức xúc.

Tài xế Phạm Minh Toàn (35 tuổi, tỉnh Thái Bình) cho rằng nghị quyết của Chính phủ là "quân lệnh" thì các địa phương phải nghiêm túc chấp hành. 

"Nếu trung ương và bộ ngành đã có hướng dẫn cụ thể thì người dân chỉ cần theo hướng dẫn đó thực hiện. Các địa phương ban hành quy định khác thì người dân không có nghĩa vụ thực hiện và trung ương phải chấn chỉnh ngay, chứ chờ mỗi tỉnh ban hành một quy định, hướng dẫn riêng chỉ khiến người dân thêm hoa mắt chóng mặt" - anh Toàn bày tỏ.

Tại Hà Nội, ngày 15-10 vẫn duy trì chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thủ đô. Theo đại tá Trần Ngọc Dương - phó giám đốc Công an Hà Nội, TP chưa có chỉ đạo gì về việc tháo dỡ các chốt ra vào thủ đô, nên lực lượng công an vẫn triển khai như cũ. 

Riêng chốt số 8 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nay tỉnh này yêu cầu dừng theo nghị quyết 128 nên lực lượng công an Hà Nội phải tạm thời rút chốt.

Theo ghi nhận thực tế ngày 15-10, một số chốt tại cửa ngõ thủ đô đã bắt đầu dừng kiểm soát, dù TP chưa có chỉ đạo chung. Điều này khiến người dân muốn ra vào thủ đô rất bối rối, không biết chốt nào còn kiểm soát, chốt nào tạm dừng. 

Tối cùng ngày, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho hay các chốt cửa ngõ sẽ dừng kiểm tra người và xe cộ đi qua. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn được duy trì để điều tiết giao thông và xử lý các tình huống phát sinh.

Kiểm soát đi lại vẫn mỗi nơi một kiểu - Ảnh 3.

TP.HCM vẫn duy trì 12 chốt ở các cửa ngõ để kiểm soát người dân ra vào thành phố. Trong ảnh: chốt kiểm soát tại chân cầu Phú Long (quận 12) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Thừa Thiên Huế "khuyến cáo" xét nghiệm với người đến từ vùng xanh

Chiều 15-10, ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết tỉnh vừa ban hành một số hướng dẫn về quản lý người từ nơi khác về địa phương từ 0h ngày 16-10.

Người dân vào tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cần khai báo y tế trực tuyến tại các chốt kiểm soát, không cần phê duyệt của chính quyền địa phương như trước đây. Ông Bình cho biết vùng xác định cấp độ xanh, vàng, cam, đỏ là cấp xã, phường theo bản đồ nguy cơ COVID-19 (https://nguyco.antoancovid.vn).

Đáng chú ý, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân đi lại không yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 nhưng tỉnh này "khuyến cáo" người đến/về từ vùng xanh, vùng vàng có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày.

Người về từ vùng vàng phải cách ly tại nhà 7 ngày nếu đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì phải tự cách ly 7 ngày tại nhà và sau đó theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.

NHẬT LINH

Bà Rịa - Vũng Tàu: nơi cho đi, nơi bắt quay đầu

Đến chiều 15-10, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa ban hành quy định mới nên mấy ngày qua người dân vẫn bị các chốt kiểm soát yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính, còn thời hạn. Tại một số địa phương của tỉnh này vẫn còn những chốt vùng xanh, chặn lối đi vào.

Anh Lê B. (39 tuổi) cho biết sáng 15-10, anh đi từ phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ sang xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bằng xe bán tải. Khi đến huyện Châu Đức, tại chốt ở KCN Sonadezi, anh trình giấy tờ xác nhận lộ trình đi đường của doanh nghiệp cấp và được cho qua.

Tại chốt xã Suối Rao anh qua chốt mà không bị kiểm tra. Đến chốt kiểm soát tại xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc), chốt cho qua nhưng giữ lại giấy chứng minh nhân dân. Sau khi bỏ máy móc ở Bưng Riềng, anh quay lại Phước Tân lấy giấy tờ.

Nhưng khi quay lại đến chốt xã Suối Rao thì anh bị lực lượng tại đây chặn lại và yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính mới cho đi. Vì bị đòi lập biên bản mà không hề hỏi đã tiêm vắc xin hay chưa nên anh đành quay đầu và tìm đường khác về Mỹ Xuân. Từ đây, anh qua các chốt mà không bị kiểm tra giấy xác nhận âm tính.

Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết chiều 15-10 Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã họp trực tuyến với các địa phương để bàn các quy định áp dụng từ 0h ngày 16-10. Theo ông Thanh, người dân vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đi lại trong tỉnh này sẽ không phải xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 mà chỉ kiểm soát mã QR.

ĐÔNG HÀ

- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:

Cố tình làm trái nghị quyết 128 sẽ gây hệ quả lớn

Nghị quyết của Chính phủ là một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nghị quyết của Chính phủ chứa đựng các quy tắc xử sự bắt buộc, sử dụng 2 phương pháp để bảo đảm thực thi các quy phạm pháp luật gồm giáo dục thuyết phục, tuyên truyền và bảo đảm sức mạnh cưỡng chế.

Tôi không hiểu vì sao chính quyền nhiều địa phương vẫn tỏ ra không tuân thủ nghị quyết 128, mặc dù nghị quyết trên được doanh nhân đón đợi và hoan nghênh rất cao. Trước nay, khi chưa có nghị quyết 128 thì đáng lẽ các tỉnh thành phải đánh giá được khu vực nào ở tỉnh thành mình thuộc vùng xanh hay đỏ rồi.

Tại sao đến bây giờ các tỉnh lại lấy lý do chờ các cơ quan liên quan đánh giá cấp độ theo nghị quyết 128 rồi bắt đầu mới triển khai. Đây là một điểm trừ trong sự lãnh đạo, quản lý, chủ động phòng chống dịch của một số lãnh đạo địa phương, vẫn còn rất lơ mơ.

Nghị quyết 128 có đề cập tới việc chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ mà Thủ tướng đã lên tiếng rất mạnh mẽ. Việc cố tình làm trái lại với nghị quyết 128 sẽ gây hệ quả lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các khâu lưu thông, phân phối hàng hóa và việc đi lại của người dân. Tôi thấy cần xem xét trách nhiệm của bí thư và chủ tịch tỉnh, thành phố ở những nơi làm không đúng quy định.

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí:

Cần sự đồng lòng của chính quyền địa phương

Việc các tỉnh làm mỗi nơi một kiểu về phòng chống dịch là không nên. Tôi cũng đã góp ý với Thủ tướng là phải thống nhất chung cả nước về biện pháp chống dịch, kêu gọi sự đồng lòng của chính quyền, người dân.

Nhìn toàn cảnh chống dịch trên toàn thế giới, tôi nhận thấy nước nào càng đồng lòng thì chống dịch sẽ tốt. Có thể lấy ví dụ ở châu Á, đơn cử là Trung Quốc, cả đất nước rộng lớn như vậy nhưng vẫn chống dịch rất tốt.

Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc, người dân, chính quyền địa phương rất đồng lòng chấp hành. Ở châu Âu có Đan Mạch chống dịch cũng rất thành công vì người dân rất chấp hành chính phủ. Nước nào mà không thống nhất chung, không đồng lòng, không chấp hành chính phủ thì chống dịch sẽ thất bại.

Thời điểm này là lúc Việt Nam cần phải đồng lòng, làm chung một cách, thống nhất hành động, nếu không kinh tế - xã hội và công tác chống dịch sẽ bị "đổ gãy".

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM):

An toàn cho lãnh đạo nhưng khó cho dân

Vì sao Chính phủ, Bộ Y tế bỏ một số quy định về đối tượng xét nghiệm mà các địa phương vẫn xét nghiệm? Theo tôi, các địa phương thiếu tự tin và tự mình đưa ra quy định quá thận trọng. Điều này bảo vệ cho ý chí phòng dịch phòng thủ của địa phương nhưng lại gây khó cho phát triển kinh tế - xã hội và cho cuộc sống người dân.

Vì sao một số địa phương tự đặt ra các quy định cách ly, lưu thông trái với chỉ đạo của Chính phủ? Lãnh đạo các địa phương có thể đang giữ an toàn cho cá nhân mình nhiều hơn.

Bởi nếu lo cho dân phải dựa trên dữ liệu khoa học dịch tễ, trên các quy định và chủ trương chung chứ không được cát cứ. Việc này đang khiến dân bị mắc kẹt và đổ bể biết bao nhiêu công việc, chưa kể tốn kém thời gian, tiền bạc vào những việc không thực sự cần thiết.

Tôi mong muốn trước khi có các "sáng kiến" trong bối cảnh sống chung với dịch, các địa phương hãy tuân thủ chủ trương, không được "đẻ" và đặt ra các quy định mang tính chất địa phương, cục bộ; hãy dựa trên quyền lợi của người dân để thực hiện, thay vì bảo thủ, cục bộ.

P.TUẤN - H.THẢO ghi

Các địa phương không được quy định riêng

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói rõ như vậy về việc đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn quốc theo nghị quyết 128, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2021 vào chiều 15-10.

Kiểm soát đi lại vẫn mỗi nơi một kiểu - Ảnh 7.

Ngày 15-10, người dân từ tỉnh ngoài vào Thái Bình làm thủ tục khai báo, trình giấy xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: TIẾN THẮNG

"Thủ tướng đã nhấn mạnh không phải mỗi địa phương đưa ra mỗi quy định riêng mà thực hiện quy định chung trên toàn quốc. Đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, báo cáo kết quả thực hiện" - ông Phạm Bình Minh nhắc lại. 

Ông Minh nhận định vừa qua có lúc, có địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa. Nghị quyết 128 của Chính phủ mới ban hành nêu biện pháp chung trong toàn thể quốc gia.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết bộ đã ban hành quy định tạm thời hướng dẫn vận tải 5 lĩnh vực trước khi có nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế. 

"Trên cơ sở quy định nghị quyết 128 và văn bản 4800, chúng tôi rà soát, cập nhật, cụ thể hóa và cố gắng ban hành quy định mới trong một vài ngày tới thay thế những cái cũ để phù hợp chỉ đạo chung của Chính phủ, làm cơ sở cho các tỉnh và Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ" - ông Thọ nói.

Ông Trần Bảo Ngọc - vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải - lưu ý quyết định 4800 của Bộ Y tế quy định UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế công bố cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế trên cổng thông tin điện tử địa phương. 

Ông Ngọc đề nghị các tỉnh sớm công bố cấp độ dịch tại địa bàn từng địa phương để làm cơ sở triển khai thuận lợi trong việc lưu thông liên tỉnh mà Bộ Giao thông vận tải đang rà soát để ban hành.