'Cô Hai', 'chị Hai' hay 'nữ tư lệnh hồi sức' là cách gọi thân thương của đồng nghiệp, người bệnh dành cho PGS Phạm Thị Ngọc Thảo, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu vừa nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Nữ tư lệnh hồi sức - Ảnh 1.

"Chị già rồi, phỏng vấn mấy em trẻ, giỏi giang để còn lan tỏa đam mê, truyền cảm hứng. Dịch COVID-19 vừa rồi, có nhiều em kiến thức rất tốt đã xả thân vì cộng đồng" - bà là vậy, chính sự khiêm nhường ấy, suốt bao năm qua hiếm có một câu chuyện nào về mình xuất hiện trên các mặt báo...

Trong chuyên môn hồi sức, bà luôn là người tiên phong đương đầu hóa giải các ca bệnh hóc búa, nhưng lại là người luôn đi sau đồng nghiệp, đàn em, học trò mỗi lần được vinh danh, tán thưởng...

Bác sĩ Thảo đã trăn trở và làm việc không kể ngày đêm với mục tiêu làm cách nào để có được nhiều bác sĩ làm việc trong chuyên ngành cấp cứu, hồi sức. Từ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, chương trình đào tạo, cho đến sự đãi ngộ xứng đáng với công việc nặng nhọc để họ có thể an tâm gắn bó với làm việc dài lâu.

TS PHAN THỊ XUÂN

Trong các buổi hội chẩn, những ý kiến của bác sĩ Thảo được đánh giá cao, giúp các đồng nghiệp nâng cao kiến thức, qua đó góp phần cứu được nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN TRƯỜNG SƠN

Dành cho người bệnh và đồng nghiệp của tôi...

Gần 30 năm trước, cô gái trẻ Ngọc Thảo tốt nghiệp y khoa, bước chân vào làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, gắn bó với lĩnh vực hồi sức cấp cứu từ đó. Trong suy nghĩ của nhiều người, khoa hồi sức cấp cứu vốn là "nơi đầu sóng ngọn gió", nhưng với một bác sĩ trẻ đam mê tìm tòi, đây chính là "ngôi nhà thứ hai của mình". 

"Hằng ngày thời gian của tôi ở đây còn nhiều hơn ở nhà. Máy móc xung quanh bệnh nhân kêu tít tít, nào là những đèn đỏ, hoặc những dòng chữ cảnh báo... phát liên hồi. Ở đây được xem là vùng học thuật, đọc và học liên tục mà vẫn chỉ là hạt cát mênh mông trong biển trời kiến thức chuyên ngành" - bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo đúc rút.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà được xem là "người tiên phong" thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Và trong số ấy, nghiên cứu về hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng đã giúp ngành hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng chừng không còn hy vọng sống. 

Không chỉ thế, nghiên cứu này còn góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân vì thế cũng được giảm đi đáng kể.

Tên tuổi của bà còn gắn liền với ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp. Chính kỹ thuật này đã tạo nên kỳ tích, từ buổi ban đầu lạ lẫm đã trở thành hoạt động thường quy của chuyên ngành lúc bấy giờ. 

Không chỉ số ca ECMO được thực hiện tăng dần, bà đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng thành quy trình kỹ thuật, phác đồ, cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng. 

"Chính ứng dụng này đã cứu sống bệnh nhân 91 - phi công người Anh mắc COVID-19, khi phổi đông đặc, hoại tử. Ngày ấy, đã có lúc êkip điều trị có những khoảng lặng, khi diễn tiến bệnh nhân này một xấu đi, thể tích phổi lành chỉ còn 10%, các biện pháp điều trị đã được thực hiện nhưng không cải thiện" - bác sĩ Thảo kể.

Và còn rất nhiều nghiên cứu ứng dụng khác nữa. Cách đây 6 năm, trong ngày được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc, bà nói rằng việc lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học, trên hết bắt nguồn từ niềm say mê công việc, dám nghĩ dám làm và chỉ mong tìm ra những giải pháp mang lại hiệu quả cao vào quá trình chữa bệnh cứu người.

"Dù không ít chông gai nhưng đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực cho các bệnh nhân, cho đồng nghiệp của tôi và chuyên ngành hồi sức cấp cứu mà tôi đang ngày đêm nỗ lực vì nó" - bác sĩ Ngọc Thảo chia sẻ. Cũng vì lẽ đó, toàn bộ tiền thưởng bà đều để dành để tiếp tục thực hiện mong muốn cháy bỏng là hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học...

Đến "nữ tư lệnh hồi sức"

Có một điều khá đặc biệt, trong suốt gần 2 năm của cuộc chiến chống dịch COVID-19, PGS Phạm Thị Ngọc Thảo chính là "bóng hồng" hiếm hoi luôn có tên và có mặt trong các tổ chuyên gia đặc biệt về hướng dẫn, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin; Ban soạn thảo và xây dựng đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu... của ngành y tế TP.HCM và Bộ Y tế. 

Và dù với vai trò là tổ trưởng hay thành viên, bà đều để lại dấu ấn nghề nghiệp đặc biệt, góp sức cho ngành y tế có nhiều "lối đi" để cứu sống bệnh nhân ngoạn mục.

Từng là đồng nghiệp, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy và nay phụ trách Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch của Bộ Y tế tại nhiều tỉnh thành, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn "rất hiểu" về tính cách của bác sĩ Thảo. Với ông, bác sĩ Thảo là người gần gũi trong ứng xử, luôn phấn đấu trong chuyên môn, và đôi khi hơi "khó tính" trong quản lý. 

"Bác sĩ Thảo lại là một người con hiếu thảo; một người mẹ, người vợ đảm đang và là một đồng nghiệp đáng kính, luôn trau chuốt và chia sẻ cùng mọi người" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

"Ít nói và có phần hơi nghiêm khắc một chút" là cảm nhận của bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Thu Hiền khi nói về "cô Hai". Với bác sĩ Hiền, "cô Hai" và "cô Xuân" (TS Phan Thị Xuân - nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu) là những người thầy dạy cho mình nhiều thói quen tìm tòi bổ sung kiến thức, cũng như tạo điều kiện cập nhật các thông tin chuyên môn mới. 

Kể từ khi bước chân vào công tác tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Hiền đã quen với hình ảnh của một "cô phó giám đốc bệnh viện", ngày ngày xuống thăm nom, cùng với "lính" bàn luận đưa ra nhiều giải pháp điều trị các ca bệnh hồi sức.

Vẫn góc bàn quen thuộc trong phòng giao ban của khoa hồi sức, trưa trưa "cô Hai" vẫn về ăn cơm cùng đồng nghiệp, học trò. "Cô rất gần gũi, mỗi lần ăn cơm trưa cũng là dịp cô cháu chuyện trò về công việc, những khó khăn gặp phải trong các vấn đề chuyên môn" - bác sĩ Hiền tâm sự. 

Và bác sĩ Hiền cũng là một trong số các bác sĩ trẻ được "chọn mặt gửi vàng" cử qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phối hợp cùng điều trị cho bệnh nhân phi công 91 những ngày đầu bệnh nhân chuyển nặng.

Và bao nhiêu công sức của bác sĩ Thảo đổ ra cũng đã được đền đáp xứng đáng; khi trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các học trò của "chị Hai" như bác sĩ Trần Thanh Linh (còn gọi là bác sĩ 91), bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Phạm Minh Huy... đều đã trở thành lực lượng hồi sức nòng cốt tại các bệnh viện tầng 3 điều trị COVID-19 của TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam.

Chia sẻ về hành trình gần 30 năm qua gắn bó với ngành y, bác sĩ Ngọc Thảo nói rằng "rất biết ơn các cộng sự". 

"Niềm hạnh phúc của người khoác trên mình màu áo blouse trắng không gì khác được thấy bệnh nhân của mình phục hồi và những học trò, đồng nghiệp của mình ngày một tiến bộ" - bác sĩ Thảo tâm sự.

Nhiều cống hiến với danh hiệu cao

PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo (54 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh). Ngoài phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, phụ trách hồi sức cấp cứu từ 2007 đến nay, bà hiện đang là chủ nhiệm bộ môn hồi sức cấp cứu (Trường ĐH Y dược TP.HCM).

pn hinh bai chinh tr02 20102021 1(read-only)

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo (trái) trao đổi với đồng nghiệp - Ảnh: D.PHAN

Trong suốt gần 30 năm công tác, bà có một "kho tàng" nghiên cứu khá đồ sộ đề tài nghiên cứu các cấp; chủ biên, biên soạn, hiệu đính sách giáo trình; cùng nhiều bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

Bà vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu cao quý, như Thầy thuốc nhân dân (2017), Thầy thuốc ưu tú (2009); Chiến sĩ thi đua cấp bộ (2008, 2011, 2014, 2017, 2020); Huân chương Lao động hạng nhì (2019), hạng ba (2013); bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2010); giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ (2015) và là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Tập thể nữ khoa hồi sức cấp cứu nơi bà làm việc đạt nhiều thành tích xuất sắc trong cứu sống bệnh nhân nguy kịch; các nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ trong lĩnh vực bao gồm lọc máu, đánh giá chết não, hồi sức ghép thận từ người cho chết não, ghép gan, người cho tim ngừng đập...

- TS.BS Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):

"Chị Hai" tận tâm, thẳng thắn

"Chị Hai" là người rất nghiêm túc, chuẩn mực trong công việc chuyên môn. Cái gì không phù hợp chị thường góp ý thẳng thắn, chân thành, xong rồi thôi. Chị cũng rất tận tâm truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ đàn em, nhất là trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Và luôn tạo mọi điều kiện để đàn em tham gia nghiên cứu khoa học nâng cao kiến thức, có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Với nền tảng lý thuyết và lâm sàng vững chắc; cộng thêm mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt, chị không chỉ cập nhật kiến thức mới cho đàn em trong bệnh viện mà còn cả các đồng nghiệp ở các tỉnh thành phía Nam.

Trong hai năm qua, với vai trò phụ trách toàn bộ chuyên môn COVID-19 của bệnh viện, chị đã có đóng góp rất to lớn cho hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế.

Cả gia đình "hòa vào dòng thác công việc"

PGS Ngọc Thảo chia sẻ sau lưng bà luôn có một nguồn động viên rất lớn đến từ gia đình nhỏ. Cả hai vợ chồng bà đều làm ngành y và đều thuộc chuyên môn cấp cứu, vốn áp lực vô cùng.

Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại TP.HCM, bà lao vào công tác điều trị, cũng lúc chồng bà phải căng mình cho khối dự phòng. Thời gian có lẽ là thứ xa xỉ nhất, nên mỗi khi có thể bà muốn làm gì đó nhiều nhất cho gia đình.

"Tôi liên tục phải trực, tham gia cấp cứu, cấp cứu thảm họa, hồi sức ghép tạng... Hầu như không thể dành đủ thời gian chăm sóc, đồng hành cùng hai con, ngay cả những thời khắc quan trọng trong cuộc đời: ngày đầu đến trường, chuyển cấp, thi tốt nghiệp..." - bà chia sẻ.

Thế nhưng cũng vì hiểu được việc làm của người "vợ, mẹ" đang làm nên gia đình rất thông cảm và dường như "cả đại gia đình nội, ngoại cũng hòa vào dòng thác công việc của tôi" - bà tâm sự.

Chị đã có "điều bình thường" ấy rồi

Hôm nay là ngày thứ 5, TS.BS Trương Anh Thư - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai - ở khu cách ly, dù chị đã được về lại Hà Nội, "về nhà" sau 80 ngày dông bão thực sự ở TP.HCM.

Từ khi đi làm, chưa bao giờ bác sĩ Thư vắng nhà nhiều như năm nay: ngay sau Tết Nguyên đán, chị đi chống dịch ở Hải Dương trong gần 4 tuần. Ở Hải Dương, mới về được chút thời gian, chị lại dành 1 tháng ở Bắc Giang. 

Tháng 6 từ Bắc Giang về thì ngày 29-7 chị được "lệnh" đi TP.HCM. Lúc ấy đang là những ngày căng thẳng nhất ở TP này, mỗi ngày có hàng ngàn bệnh nhân nhập viện, hàng trăm ca tử vong.

Nữ tư lệnh hồi sức - Ảnh 8.

Bác sĩ Thư (giữa) tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phụ trách ở TP.HCM - Ảnh: NVCC

"Bắc Giang, Hải Dương đều là những nơi lần đầu tiên ghi nhận dịch lớn, đồng nghiệp của chúng tôi chưa kịp chủ động được nhiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, có khó khăn về kỹ năng và chuyên môn. Còn ở TP.HCM, Bạch Mai phải triển khai một trung tâm hồi sức tích cực hơn 400 giường, trong tình trạng chỉ có một nhà kho trống và một hệ thống oxy" - bác sĩ Thư nhớ lại.

Xây dựng một trung tâm hồi sức tích cực trong một thời gian cực ngắn là điều rất khó khăn, ngay tại cơ sở chính của Bạch Mai ở Hà Nội, tổng số giường bệnh cho bệnh nhân hồi sức tích cực chỉ có hơn 100 giường bệnh, nhưng trung tâm hồi sức tích cực do Bạch Mai phụ trách tại TP.HCM quy mô tiếp nhận đến hơn 400 bệnh nhân.

Hai tuần đầu tiên đầu tháng 8 là những ngày khó khăn nhất, khi nhân lực thiếu, trang thiết bị chống nhiễm khuẩn đảm bảo yêu cầu chưa đủ và phải "ăn đong". Bệnh viện thiếu từ những vật tư nhỏ nhặt nhất như băng gạc, phương tiện phòng hộ, băng dính tới các máy móc, trang thiết bị phục vụ việc xử lý dụng cụ, đồ vải y tế, rồi số ca tử vong cao. 

Áp lực đến từ công việc, từ nỗi bất lực khi các bác sĩ muốn cứu người mà bệnh nhân quá nặng. Có những ngày họ lầm lũi làm việc, chẳng ai nói với ai câu nào. Công việc của bác sĩ Thư trong những ngày dịch COVID-19 đều kéo dài từ sáng đến tối mịt.

Nhiệm vụ của bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn rất nhiều. Từ ngăn chặn lây lan sang nhân viên y tế, nguồn nhân lực y tế đang thiếu thốn, nếu y bác sĩ bị lây nhiễm thì có thể "vỡ trận". Rồi giữ môi trường bệnh viện luôn sạch sẽ, kiểm soát để người bệnh COVID-19 không bị nhiễm thêm vi khuẩn khác trong quá trình điều trị, bị "nhiễm khuẩn bệnh viện" và tử vong do căn bệnh khác không phải COVID-19.

Trong quá trình ấy, mỗi mắt xích trong cả ngàn nhân viên y tế và bệnh nhân, học viên đều phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, không để một mắt xích nào bị thủng. Trong điều kiện ca làm việc kéo dài, mỗi y bác sĩ đều phải mặc bộ bảo hộ nóng bức, chỉ 1-2 giờ sau khi vào ca là quần áo ai cũng ướt sũng mồ hôi như có người đổ nước vào, găng tay mở ra là chảy nước.

"Sau 2-3 tuần đầu tiên, mọi người cũng "quen" hơn với điều kiện làm việc khắc nghiệt nên ai cũng làm việc hết mình, nhiều bệnh nhân nặng cai được máy thở, được cứu sống, tinh thần mọi người cũng tốt hơn" - bác sĩ Thư nói.

Mới rời TP.HCM, bác sĩ Thư về lại Hà Nội vào ngày 16-10, khỏi phải nói sự bồi hồi khi về lại TP mình, nhà mình, dù vẫn phải cách ly cách nhà vài cây số sau 80 ngày đặc biệt khó quên. 

Bác sĩ Thư chia sẻ rằng điều quý giá với chị bây giờ là những điều bình thường nhất, những điều mà trong 80 ngày vừa qua là xa xỉ. Giản dị và bình thường như dạo phố khi rảnh rỗi, ăn một bát phở ngon và uống một tách cà phê với bạn bè, trong không khí ấm áp và bình yên.

Giờ thì bác sĩ Thư và đồng nghiệp có thể có "điều bình thường" ấy rồi. Dù 20-10 này chị vẫn ở khu cách ly.

Cảm ơn các chị - những người đã vác gánh nặng ngàn cân là cứu người, để mang lại bình an cho TP, cho cộng đồng, cho tất cả chúng ta.

LAN ANH

Những dấu son lặng lẽ…

- Nữ điều dưỡng Lê Thị Điểm (khoa nội hô hấp Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương TP.HCM):

Món quà mong ước: bớt dịch, đoàn tụ gia đình

Trong đoàn y bác sĩ 10 người của Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương TP.HCM tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 3 tại tỉnh An Giang vào sáng 19-10 có 4 điều dưỡng nữ trẻ.

Nhận lệnh từ giám đốc bệnh viện vào trưa 18-10, họ chỉ có 20 tiếng sắp xếp tất cả công việc, lên đường hỗ trợ tỉnh bạn.

Trước cột cờ bệnh viện, 10 bác sĩ và điều dưỡng chăm chú lắng nghe những căn dặn từ TS Lê Thanh Chiến - giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương - rồi nhanh chóng bước lên xe đến tỉnh An Giang. Người ở lại, người đến tỉnh bạn nhưng ai cũng mang tâm thế quyết tâm chống dịch thành công.

Nữ tư lệnh hồi sức - Ảnh 9.

Nữ điều dưỡng Lê Thị Điểm (phải, khoa nội hô hấp Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương, TP.HCM) cùng đồng nghiệp đến An Giang chống dịch vào cận Ngày phụ nữ Việt Nam - Ảnh: X.MAI

"Nhận lệnh điều động này, tôi hơi bất ngờ. Tôi và đồng nghiệp đi chưa biết ngày về. Có lẽ, khi nào An Giang kiểm soát được dịch thì ngày ấy tôi trở về" - nữ điều dưỡng Lê Thị Điểm (27 tuổi, khoa nội hô hấp Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương) trao đổi nhanh trước giờ xe xuất phát đến tỉnh An Giang.

Điều dưỡng Điểm cho biết mình làm việc tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương đã hơn 2 năm và cũng ngần ấy thời gian là dịch COVID-19 hoành hành tại TP.HCM, nhiều tỉnh thành. Nhà ở Đồng Nai nhưng 5 tháng qua, chị Điểm chưa được về nhà.

Công việc hằng ngày của nữ điều dưỡng Điểm là chăm sóc bệnh nhân COVID-19 từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đến tâm sự, động viên… 

"Ban đầu tôi còn bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn nhưng đến 1-2 tuần sau thì quen dần. Nhiều bệnh nhân hơi khó chịu thì mình phải nhẹ nhàng. Khi bệnh nhân đã "hợp tác" thì họ dễ thương lắm, thân quen như người nhà" - chị Điểm kể.

Chia sẻ cảm xúc lúc nhận lệnh điều động chống dịch tại tỉnh An Giang khi cận kề Ngày phụ nữ Việt Nam, điều dưỡng Điểm vui tươi nói: "Tuổi trẻ là phải đi và đây là một cơ hội, trải nghiệm mới - là vinh dự".

Với chị Điểm, món quà lớn nhất muốn nhận là dịch được kiểm soát, sớm đoàn tụ gia đình. "Tôi rất nhớ ba mẹ, dự định sẽ về nhà khi dịch ở TP.HCM và Đồng Nai ổn định nhưng bây giờ thì tôi đi An Giang. Khi nào tỉnh bạn ổn, tôi sẽ về…".

XUÂN MAI