Đề xuất cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ được nhiều sở ngành, quận huyện tại TP.HCM ủng hộ nhưng vẫn còn băn khoăn về tính khả thi khi triển khai rộng rãi.

Doanh nghiệp sẵn sàng

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 20.10, bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Q.5, cho hay cả quận và doanh nghiệp trên địa bàn đều rất mong chờ ngày cửa hàng ăn uống được phục vụ tại chỗ. Trước đó, quận đã có bước chuẩn bị cho kinh doanh ăn uống tại chỗ nên chỉ cần chờ chủ trương của TP và hướng dẫn của các sở ngành liên quan là có thể triển khai ngay. Theo đề xuất của Sở Công thương TP, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ; trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu. Khách hàng ăn uống tại chỗ phải được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, hàng quán đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày, phục vụ không quá 50% công suất, không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu 2 m. Sở Công thương đánh giá sau 15 ngày nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại nhưng tỷ lệ còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

TP.HCM: Nhiều ủng hộ mở cửa ăn uống phục vụ tại chỗ - ảnh 1

Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống tất bật dọn dẹp, chờ ngày được phép phục vụ tại chỗ

NGỌC DƯƠNG

Đồng tình với đề xuất của Sở Công thương nhưng bà Kiều cũng nêu điều kiện không quá 2 người mỗi bàn sẽ hơi khó thực hiện đối với cả người dân và doanh nghiệp, hộ kinh doanh. “Một gia đình 4 - 6 người đi ra ngoài quán ăn thì có nhu cầu ngồi chung với nhau. Chưa kể, một bàn ăn lớn có thể ngồi được 10 người mà chỉ cho ngồi 2 người thì sẽ khó cho hộ kinh doanh”, bà Kiều nhìn nhận và đề xuất áp dụng giới hạn mật độ trong cùng không gian hoặc khống chế công suất của nhà hàng, đảm bảo giãn cách thì khả thi hơn.“Các quán ăn sẽ lệ thuộc vào yêu cầu của thực khách. Khi khách yêu cầu ngồi nhiều hơn, nếu chủ quán nào khéo léo thì giải quyết được, còn không khéo sẽ mất khách”, vị phó chủ tịch phụ trách kinh tế nhận định và đánh giá đề xuất của Sở Công thương đang đặt yêu cầu phòng chống dịch cao hơn, nhưng khi thực hiện sẽ không dễ dàng.Qua khảo sát, phần lớn cơ sở kinh doanh ăn uống ở khu vực trung tâm TP.HCM không có mặt bằng quá rộng, nhiều quán ăn quy mô gia đình nên rất khó thực hiện yêu cầu 2 bàn cách nhau 2 m. Phó chủ tịch phụ trách kinh tế một quận khu vực trung tâm cho rằng các điểm ăn uống đa phần nhỏ lẻ, nếu áp dụng điều kiện phục vụ dưới 50% công suất thì doanh nghiệp sẽ cân nhắc chưa mở lại vì không có lợi nhuận. Chưa kể, khi cho phép mở cửa trở lại thì các tổ kiểm tra của quận và phường sẽ phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh. Nhưng trên thực tế, một khi có chủ trương bán tại chỗ thì người kinh doanh sẽ thực hiện mang tính đối phó. Như hồi tháng 5.2021, TP.HCM cho phép quán ăn không phục vụ quá 20 người cùng lúc nhưng nhiều hộ kinh doanh có cách đối phó.Trong văn bản đề xuất, Sở Công thương kiến nghị UBND TP.HCM giao Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở thực hiện; tổ chức hậu kiểm để xử lý, khắc phục các hành vi kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.Kiểm soát theo bộ tiêu chí an toàn

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM, ủng hộ đề xuất của Sở Công thương, đồng thời cho biết BQL ATTP đã hiệu chuẩn bộ tiêu chí đáp ứng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. “Hiện mở cho ăn uống tại chỗ là được, nếu để tự phát thì khổ hơn. Nhưng cũng chưa chắc cho ăn uống tại chỗ thì có thực khách nhiều, vì ai cũng sợ dịch”, bà Lan nói.

Theo PGS-TS Phong Lan, việc mở dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ đồng bộ với các chính sách khác để phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả của việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân. Khi mở cửa cần có sự quản lý, kiểm soát theo bộ tiêu chí, về phía người dân phải giữ ý thức. BQL ATTP sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm soát, nhắc nhở người dân, cơ sở kinh doanh tuân thủ phòng chống dịch.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng hiện khi tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin đã tương đối cao thì nên cho mở dần các dịch vụ, trong đó có ăn uống tại chỗ, thích ứng với tình hình mới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao các sở ngành xem xét đề xuất cho phép kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ để tham mưu cho UBND TP quyết định trong thời gian tới. “TP sẽ tính toán mở lại ở quy mô phù hợp để đảm bảo an toàn”, ông Mãi nói.

Bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống

Bộ tiêu chí này áp dụng cho hình thức bán mang về.

Tiêu chí 1: Cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Tiêu chí 2: Đảm bảo điều kiện ATTP như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người…

Tiêu chí 3: Người lao động, người giao nhận hàng, khách hàng... thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tiêu chỉ 4: Cơ sở kinh doanh có biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

Tiêu chí 5: Cơ sở bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2 m…

Tiêu chí 6: Cơ sở xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch Covid-19, khu vực ăn uống phải đảm bảo mật độ tối thiểu 4 m2/người, khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2 m hoặc bố trí vách ngăn.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đạt các tiêu chí từ 1 đến 5; riêng tiêu chí 6 áp dụng cơ sở phục vụ ăn uống tại chỗ như: cơ quan, doanh nghiệp tổ chức ăn uống tại chỗ cho nhân viên.