Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm giảm gần 5%, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 32% và hàng loạt chỉ tiêu không đạt, TP.HCM 'đã trả một cái giá không nhỏ' để 22 quận, huyện đạt tiêu chí kiểm soát dịch và bước vào giai đoạn bình thường mới. 
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021, thành phố còn ngổn ngang, bộn bề những công việc cần làm trong kế hoạch phục hồi kinh tế để chữa lành “vết thương” và để lấy lại sức vóc của một siêu đô thị. 
 
Những tháng cuối năm 2021, TP.HCMcòn ngổn ngang, bộn bề những công việc cần làm trong kế hoạch phục hồi kinh tế để chữa lành “vết thương” và để lấy lại sức vóc của một siêu đô thị.
Những tháng cuối năm 2021, TP.HCMcòn ngổn ngang, bộn bề những công việc cần làm trong kế hoạch phục hồi kinh tế để chữa lành “vết thương” và để lấy lại sức vóc của một siêu đô thị.

Chưa hết khó khăn vì dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM lại đang phải đối diện với bài toán tìm lao động. Đó cũng là băn khoăn, trăn trở của ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn.

Theo ông Trần Việt Anh, để “trám” nhân sự thiếu hụt, doanh nghiệp đang phải tự xoay sở. Đối với lao động về quê vào cuối tháng 7 có ý định quay trở lại, chính quyền TP cần có chính sách tiêm vaccine, vận động hỗ trợ phương tiện, chỗ ở. Bên cạnh đó, hiện 3 triệu lao động ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đang ở trong các khu nhà trọ “khổng lồ”, không đảm bảo môi trường sống, chật chội, ngột ngạt. Muốn lao động ổn định thật sự, cần có sự thay đổi về chỗ ở để tạo tâm lý an cư. 

Ông Trần Việt Anh chia sẻ:

"Quan trọng doanh nghiệp tạo niềm tin cho lao động quay lại. Vì quay lại vấn đề lương không phải là chính mà vấn đề tâm lý chưa ổn định. Chỗ ở phải đảm bảo môi trường sống tối thiểu, ổn định để người lao động yên tâm làm việc. Họ, coi đó là ngôi nhà của họ ở TP.HCM và không muốn đi đâu cả, coi thành phố là quê hương thứ 2 của họ. Chỗ ở là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất vừa đảm bảo sức khoẻ và tâm lý".

Theo khảo sát ở khối doanh nghiệp sản xuất, chỉ có 40 % lực lượng lao động quay lại làm việc. Số lượng người lao động trở lại làm việc tại 1.400 doanh nghiệp khoảng hơn 150.000 người. Trong ba tháng cuối năm 2021, TP.HCM cần khoảng 60.000 lao động, và đến quý I/2022, cần thêm từ 120.000 – 140.000 lao động. 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết:

"Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, qua các phương tiện, một số lao động ở khu vực Tây Nguyên đã trở lại làm việc. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian tới đây sẽ khả quan hơn. Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động của Sở đã có khảo sát và danh sách cụ thể nhu cầu người tìm việc và việc tìm người".  

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh bình thường mới, cần hiểu đúng thế nào là sống chung an toàn và bền vững với Covid-19
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh bình thường mới, cần hiểu đúng thế nào là sống chung an toàn và bền vững với Covid-19

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh bình thường mới, cần hiểu đúng thế nào là sống chung an toàn và bền vững với Covid-19, trong đó nhấn mạnh yếu tố bền vững là các bước hồi phục kinh tế phải liên tục, không bị gián đoạn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh, TP.HCM nên mạnh dạn và chủ động xây dựng các giải pháp phục hồi kinh tế:

"Việc phục hồi kinh tế trong Quý 4 này hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách mở cửa, và doanh nghiệp thì lo ngại nhất là tôi mở ra thì liệu có bị đóng lại hay không. Nếu phát hiện ca nhiễm mới, thì khoanh vùng cách ly trong dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất đó thôi. Một khi chúng ta đã đạt được các tiêu chí để hạ tình trạng cấp độ dịch thì chúng ta nên chủ động làm luôn".

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tinh thần chung của Nghị quyết này đã được cập nhật và vận dung trong Chỉ thị 18 của UBND Thành phố. Những tháng cuối năm, TP.HCM sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào ba nhóm: vốn, lao động, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp:

"Trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, TP vừa tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp dịch vụ chủ lực, có giá trị sản xuất, xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách TP lớn, nhưng cũng vừa hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh bị tổn thương nặng sau giãn cách vừa qua".    

Tại buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Đại biểu Quốc hội đề xuất Quốc hội sớm tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% lên 23% ngay năm 2022 để TP có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước. TP cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 từ 95% trở lên. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025" do UBND TP.HCM tổ chức, chuyên gia nhận định, trong hoàn cảnh bị tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi chậm và cơ hội việc làm vẫn còn tiếp tục khó khăn. Các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn; điều này sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, hai năm dịch bệnh đã lấy đi của TP.HCM hơn 292.000 tỷ đồng, những thiệt hại về con người, sức khỏe tinh thần,… là không thể đong đếm. Bởi vậy, TP cần có những giải pháp quyết liệt hơn, kích hoạt hệ thống chính sách tạo thêm nguồn lực khôi phục kinh tế, xã hội và tháo gỡ nhiều nút thắt. 

Cùng đến với bài bình luận nhan đề TP.HCM chữa lành “vết thương” COVID-19 của Nhà báo Bùi Trọng Điển, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông. 

TP.HCM đã trải qua những ngày tháng đau thương và mất mát vì Covid-19 và giờ là gượng đứng dậy từng bước. Do vậy lúc này cần những bước đi thận trọng, cụ thể nhưng quyết đoán để thành phố mau chóng khỏe mạnh. Theo đó, việc phải làm ngay là chính quyền thành phố cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất càng nhanh càng tốt.

Trong đó không yêu cầu về xét nghiệm với tần suất dày, gây lãng phí; tránh đặt thêm các thủ tục làm khó dễ; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thu xếp để đón người lao động trở lại làm việc; có chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng; miễn giảm về thuế, phí.

Đặc biệt là chủ động làm việc với các tỉnh và kiến nghị Trung ương tháo gỡ các ách tắc về vận tải hàng hóa, giúp doanh nghiệp thông suốt trong xuất nhập nguyên vật liệu, sản phẩm làm ra được trao đổi, mua bán thuận lợi.

Doanh nghiệp khởi động sản xuất sẽ tạo ra công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động lớn; giảm bớt áp lực phải chăm lo an sinh xã hội cho chính quyền; đồng thời thực hiện được nghĩa vụ thuế cho ngân sách.

Ở tầm vĩ mô hơn, thành phố tiếp tục thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong xây dựng cơ bản, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. Đây là nguồn vốn mồi để tập trung lao động; mở ra cơ hội cho ngành khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng duy trì hoạt động. Nhiều công trình được đưa vào sử dụng cũng làm nền móng cho các ngành nghề khác tăng trưởng theo.

Bên cạnh đó, với hơn 80% dân số đã được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin; kỹ năng phòng tránh dịch cũng như hiểu biết về cách tự điều trị F0 của người dân thành phố được nâng cao.

Thành phố cần mạnh dạn cho hàng quán ăn uống được mua bán tại chỗ và một số ngành nghề dịch vụ hoạt động trở lại. Khi các ngành nghề này được nới lỏng sẽ kéo theo chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm được duy trì; nguồn lao động phụ trợ sẽ tham gia đông đảo, thúc đẩy các nhu cầu thuê và cho thuê mặt bằng sau một thời gian bị tê liệt vì COVID-19 sôi động trở lại. Các giao dịch dân sinh nhờ vậy cũng theo nhộn nhjp theo, kích thích các ngành nghề cùng vực dậy.

Ngành du lịch vốn được coi là thế mạnh của thành phố phải được tính toán độ mở phù hợp; gấp rút để đón khách nội địa cũng như chính người dân thành phố tham gia, vừa tạo ra công ăn việc làm lại giúp hệ thống các nhà hàng, khách sạn có điều kiện đón khách.   

Với chiến lược sống chung với Covid -19, rõ ràng TP.HCM lúc này phải linh hoạt để thích ứng; trong điều kiện số ca mắc vẫn còn nên mở cửa nhưng vẫn hết sức đề phòng. Thành phố vì thế phải tiếp tục truyền thông nhiều hơn nữa để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đồng thuận và hợp tác thực hiện các nguyên tắc kiểm soát dịch tễ theo khuyến cáo của ngành y tế. Tổ chức kiểm tra, giám sát và kịp thời điều chỉnh trong suốt quá trình mở cửa để dịch không có cơ hội bùng phát trở lại.

Về lâu dài, giao chức năng chống dịch chủ yếu về cho ngành chuyên môn là y tế; dựa hẳn vào dân để dập dịch. Giúp mỗi gia đình, người dân hiểu rõ đây có thể là dịch bệnh thường niên; phải có tâm thế sẵn sàng ứng phó vì sức khỏe bản thân và gia đình; bộ máy hành chính có trách nhiệm quản lý, dẫn dắt và tạo cơ chế hỗ trợ tối đa nhưng không thể làm thay mãi. Từ đó, mới huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Dịch COVID-19 ở TP.HCM hiện nay đã cơ bản được kiểm soát. Các cấp chính quyền và người dân thành phố đã dìu nhau qua cơn hiểm nguy, thắt ngặt nhất của những ngày tháng không thể nào quên; vết thương cũng đang dần được chữa lành.

Lúc này cần nhất vẫn là sự đồng sức đồng lòng của mỗi người để thành phố thực sự hồi sinh và phát triển trở lại; xứng tầm là đầu tàu kinh tế của cả nước.