Phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ mới để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Sáng 22-10, tại thành phố Hải Phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và thành phố Hải Phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2021).
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T.B
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển; cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo các ban bộ ngành Trung ương, Bộ Quốc phòng; các đại biểu cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; lãnh đạo một số tỉnh có căn cứ, bến bãi mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đi qua.
Một phần chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T.B
Trước khi lễ kỷ niệm diễn ra, đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang dẫn dầu, cùng đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Quân khu 3, Quân chủng Hải quân đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tại di tích Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), nơi đánh dấu điểm xuất phát của “đoàn tàu không số” năm xưa.
Các đại biểu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại di tích bến K15, nơi xuất phát của những con tàu không số, điểm đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển huyên thoại. Ảnh: T.B
Tại buổi lễ, các đại biểu bày tỏ lòng trân trọng tri ân công lao, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ “đoàn tàu không số” cùng nhân dân các địa phương nơi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi qua.
Đại tướng Phan Văn Giang cùng đoàn đại biểu Quân ủy Trung uơng, Bộ Quốc phòng tại di tích bến K15. Ảnh: T.B
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện nhân lực, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho đồng bào, chiến sĩ và chiến trường miền Nam, sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển.
Sự ra đời của Đoàn 759, cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển là sự kiện có ý nghĩa quan trọng chiến lược. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Ngày 23-10-1961, đánh dấu mốc mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đồng thời là ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T.B
Từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức vận chuyển mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam.
Vượt mọi hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ “đoàn tàu không số” với những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, cùng sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân với hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại của địch để đi đến các chiến trường, hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, về đích; hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ đã từ hậu phương lớn miền Bắc được đưa vào tiền tuyến lớn miền Nam, đáp ứng kịp thời cho các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Khu 5; góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của kẻ thù, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại tướng Phan Văn Giang trò chuyện với Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Trần Văn Hữu và các đại biểu tại bến K15. Ảnh: T.B
“Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân đội và nhân dân Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc; là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo độc đáo, thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng của ông cha ta trong thời đại mới; thể hiện quyết tâm, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và khát vọng cháy bỏng “Bắc - Nam sum họp một nhà”, không một khó khăn, trở ngại nào, không một kẻ thù nào có thể ngăn cản được; là biểu tượng cao đẹp của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của tình đoàn kết quân - dân thắm thiết, là biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, sự giúp đỡ có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Những người cựu chiến binh Hải quân từng tham gia "đoàn tàu không số" tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T.B
Phân tích tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển đảo nói riêng đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn.
Để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, Thượng tướng Lê Huy Vịnh yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo mà nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững thịnh vượng, an ninh, an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hai cựu chiến binh "đoàn tàu không số" bày tỏ niềm vui gặp nhau ở lễ kỷ niệm. Ảnh: T.B
Cùng với đó, tích cực tham gia xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng vùng biển và ven biển thực sự vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo. Có chính sách thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
“Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là hoạt động đối ngoại quốc phòng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Tham gia có hiệu quả các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải... nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định.