Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, Quảng Ngãi cùng đoàn công tác đã cắt núi băng rừng vào thôn Trà Huynh, Trà Vân và Cà Đam (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) mang lương thực vào hỗ trợ bà con sau khi trận lở núi phá hỏng tuyến đường, cô lập hơn 2.200 dân.

Băng rừng mang lương thực vào tiếp tế cho bà con bị cô lập - Ảnh 1.
Chính quyền huyện Trà Bồng băng rừng vào khu vực bị cô lập - Ảnh: V.N

Chiều 24-10, ông Đặng Minh Thảo, bí thư Huyện ủy Trà Bồng, Quảng Ngãi, cho biết huyện đã tiếp cận được với người dân ba thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) sau 2 ngày bị cô lập vì núi lở.

Mất khoảng 1 giờ cắt rừng, băng núi, đoàn công tác gồm Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện và Huyện đội đã vào đến các thôn làng bị cô lập, hỏi thăm tình hình, động viên người dân an tâm.

Bà con lúc đầu lo lắng khi tuyến đường duy nhất ra vào ba thôn bị hư hỏng nghiêm trọng. Khi thấy cán bộ có mặt mang theo nhu yếu phẩm thiết yếu, người dân đã vơi bớt nỗi lo.

Chính quyền huyện Trà Bồng băng rừng tiếp cận hơn 2.000 người dân bị cô lập vì sạt lở hủy hoại tuyến đường huyết mạch - Video: V.N

"Huyện đã hỗ trợ 250 phần quà cho 250 hộ khó khăn nhất ở ba thôn. Những ngày tới sẽ tiếp tục cử lực lượng dân quân, gùi hàng băng núi vào hỗ trợ bà con các thôn ổn định cuộc sống", ông Thảo nói.

Sau khi cắt rừng vào được làng, ngoài hỗ trợ lương thực giúp dân, huyện Trà Bồng cũng đang tính toán dọn dẹp cây rừng mở một tuyến đường đi bộ xuyên qua các quả đồi để người dân và chính quyền có thể ra vào làng khi cần thiết. Nhất là xảy ra bệnh tật cần cấp cứu.

"Với tình hình hiện tại, vị trí sạt lở ở tuyến đường đèo Eo Chim đi xã Trà Nham đã rộng đến 50m phá hỏng toàn bộ tuyến đường. Vết nứt kéo dài đến 200m, chúng tôi quan sát hiện trường nước từ trên đèo túa xuống đến đâu đất đá đổ ầm xuống vực sâu đến đó. Muốn làm lại tuyến đường phải chờ qua mùa mưa và phóng tuyến mới, đường hiện tại không thể khắc phục được", ông Thảo nói.

Băng rừng mang lương thực vào tiếp tế cho bà con bị cô lập - Ảnh 3.

Chính quyền huyện Trà Bồng trao nhu yếu phẩm cho 250 hộ dân khó khăn tại 3 thôn bị cô lập - Ảnh: V.N

Ông Thảo cho biết đến 18h cùng ngày, các địa phương báo về cho thấy có hàng trăm điểm sạt lở bủa vây khắp huyện. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, đất đá uy hiếp nhiều khu dân cư, xã nào cũng có ít nhiều điểm sạt lở.

"Từ đường sá đến khu dân cư, trụ sở chính quyền đều không tránh khỏi sạt lở. Huyện đang nỗ lực hết sức đảm bảo an toàn cho người dân và chủ động ứng phó sạt lở", ông Thảo nói.

Trong khi đó, tại huyện Bình Sơn, ngành đường sắt đang nỗ lực khắc phục 30m nền đường ở thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, bị nước lũ cuốn trôi vào tối 23-10. Nước lũ cũng làm xói lở và khoét sâu vào nền đường sắt khoảng 20m.

Người dân địa phương cho biết sau trận mưa lớn cả ngày 23-10, đến tối nước tràn qua đường sắt và cuốn trôi cả nền đường sắt, tạo thành dòng chảy. Không còn nền, đường ray nằm trơ trọi trong như bộ xương khủng long.

Băng rừng mang lương thực vào tiếp tế cho bà con bị cô lập - Ảnh 4.

Tuyến đường sắt bị nước lũ cuốn phăng nền, trơ đường ray - Ảnh: P.A

Hiện hàng chục cán bộ và nhân viên của Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã đưa thiết bị, phương tiện, rọ sắt… để khắc phục đoạn nền đường sắt bị lũ cuốn trôi.

Ông Trần Minh Nghĩa, giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, cho biết đơn vị khắc phục tạm sự cố và sử dụng tàu hỏa chuyên dụng chở đá từ Chu Lai (Quảng Nam) và Mỹ Trang (Bình Định) đến để khắc phục, cố gắng trong tối 24-10 sẽ khắc phục tạm nền đường cho tàu hỏa lưu thông.

Băng rừng mang lương thực vào tiếp tế cho bà con bị cô lập - Ảnh 5.

Điều đáng nói, lần sạt lở tuyến đường sắt Bắc Nam này nước chảy ngược từ hướng đông lên hướng tây - Ảnh: P.A

Trong ngày 24-10, Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Sơn cũng cử lực lượng dồn bao cát, kè chắn đập chứa nước phục vụ tưới tiêu ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. Hồ chứa này nằm trong khu kinh tế Dung Quất, nếu để xảy ra tràn gây vỡ đê sẽ rất nguy hiểm toàn khu và các khu dân cư gần đó.

Băng rừng mang lương thực vào tiếp tế cho bà con bị cô lập - Ảnh 6.

Bộ đội dồn cát vào bao kè đê ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn ngăn nguy cơ nước tràn gây vỡ đê - Ảnh: T.M

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 11.000 nhà dân bị ngập lụt. Tỉnh đã sơ tán 4.500 người dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn.