TP.HCM ban hành quyết định về điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống
Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP vừa được ban hành, yêu cầu các chủ cơ sở có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống...
Ngày 27-10, ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM, phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 - ký ban hành quyết định số 3677 điều chỉnh bổ sung quyết định 3585/QĐ-BCĐ ngày 15-10-2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn
Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến công tác phòng chống COVID-19.
Đối với cơ sở:
- Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Phải bố trí khu vực - giao nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch như sát khuẩn, trang bị đầy đủ nước rửa tay xà phòng…; tổ chức tự xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người làm việc có nguy cơ cao.
- Có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/
Đối với khách hàng:
Thực hiện "5K"; phải quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ:
- Thực hiện "5K"; phải quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế; người làm việc tại cơ sở là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm).
- Phải xét nghiệm COVID-19 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác, khó thở…
Đối với chủ cơ sở:
- Phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch trong khu vực theo quy định.
- Có phương án tổ chức kinh doanh công khai số lượng khách tối đa được ăn uống cùng một thời điểm (phải có bảng thông báo rõ) và đảm bảo số lượng khách hàng đến ăn uống không được vượt quá số lượng đã thông báo trong cùng một thời điểm.
- Thực hiện báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát.
Như vậy trong quyết định của UBND TP.HCM nói trên, các đề xuất trước đó về hạn chế bia rượu khi mở bán tại chỗ, không bật máy lạnh trong phòng kín... đã không có. Thay vào đó, bộ tiêu chí này chủ yếu quy định các hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng "5K", thực hiện theo quy định của ngành y tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 27-10, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (đơn vị soạn thảo bộ tiêu chí này) - cho biết bộ tiêu chí mới chỉ điều chỉnh các tiêu chí cũ để các hàng quán hoạt động trở lại.
Khi nào chính thức cho hàng quán được mở bán tại chỗ, UBND sẽ ban hành quyết định, quy định cụ thể.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TP.HCM họp báo: Dịch vụ ăn uống tại chỗ còn nhiều chuyện cần bàn thảo
Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết UBND TP đang cùng các sở ngành cân nhắc việc mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ. Việc này còn nhiều vấn đề phải trao đổi.
Tại họp báo chiều 25-10, ông Lê Huỳnh Minh Tú - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết liên quan đến đề xuất quán ăn uống, nhà hàng được phục vụ tại chỗ, ông Tú cho biết UBND TP đang cùng các sở ngành cân nhắc về cách thực hiện.
"Việc này còn nhiều vấn đề cần trao đổi. Khi có kế hoạch chính thức Sở Công thương sẽ thông báo sớm", ông Tú nói.
Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết trên tinh thần thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ, TP.HCM sẽ không ra một công thức chung áp dụng hết cho các địa phương. Thay vào đó, có những nội dung cần liên thông sẽ liên thông, nhưng có những cái thuộc địa bàn sẽ do chính quyền địa phương tự quyết.
Sau khi TP công bố cấp độ dịch, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để mở lại các hoạt động. "TP.HCM sẽ mở dần dịch vụ ăn uống tại chỗ và một số dịch vụ khác tại vì nó là đặc điểm của TP và để người dân phát triển sinh kế. Tất nhiên, việc mở lại các dịch vụ này phải theo các bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực TP đã quy định", ông Mãi nói.
Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM quy định từ ngày 1-10, nhiều ngành nghề, lĩnh vực được mở cửa hoạt động trở lại trừ quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.
Theo chỉ thị này, dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang đi, không được phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên những ngày gần đây một số quán xá trên địa bàn TP đã rục rịch đón khách.