Các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn sử dụng tài sản cá nhân của mình để giảm bớt cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng của Tập đoàn BĐS China Evergrande.

Chỉ thị của Bắc Kinh đối với người sáng lập Evergrande được đưa ra sau khi công ty của ông bỏ lỡ thời hạn đầu tiên vào ngày 23/9 để thanh toán lãi cho trái phiếu bằng USD, nguồn tin giấu tên đang thảo luận về vấn đề này cho biết.

trung quoc ra chi thi giuc ong chu evergrande tra no bang tai san ca nhan hinh 1

Tỷ phú Hứa Gia Ấn. (Nguồn: Paul Yeung/Bloomberg).

Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đang giám sát các tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo tiền mặt của công ty được sử dụng để hoàn thành các dự án nhà ở chưa hoàn thành và không bị chuyển hướng để trả cho các chủ nợ.

Chỉ thị yêu cầu ông Hứa sử dụng tài sản của mình để trả nợ cho Evergrande làm tăng thêm dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh miễn cưỡng dàn xếp một cuộc giải cứu của Chính phủ, ngay cả khi cuộc khủng hoảng của gã khổng lồ BĐS lan sang các nhà phát triển khác và làm suy giảm tâm lý trên thị trường BĐS.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã trấn áp tầng lớp tỷ phú như một phần trong chiến dịch “thịnh vượng chung” nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng của đất nước.

Theo Bloomberg, không rõ liệu khối tài sản của ông Hứa có đủ lớn và đủ thanh khoản để tạo ra một bước tiến đáng kể trong việc trả nợ cho Evergrande khi vốn hoá công ty đã tăng lên hơn 300 tỷ USD hay không.

Trái phiếu USD của nhà phát triển BĐS này đang được giao dịch ở mức chiết khấu sâu so với mệnh giá khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho những gì có thể là một trong những cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của ông Hứa đã giảm xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD từ mức 42 tỷ USD vào thời điểm đỉnh cao năm 2017. Nhưng con số này đi kèm với sự không chắc chắn đáng kể. Đầu tháng này, ông Hứa đã cam kết 500 triệu cổ phiếu Evergrande, tương đương 4,9% cổ phần của mình, cho một người không phải là người cho vay đủ điều kiện.

Phần lớn tài sản được biết đến của ông Hứa có được từ cổ phần của ông tại Evergrande và cổ tức tiền mặt mà ông nhận được từ công ty kể từ khi niêm yết năm 2009 tại Hong Kong. Theo tính toán của Bloomberg, ông Hứa đã bỏ túi khoảng 8 tỷ USD trong thập kỷ qua nhờ các khoản chi hậu hĩnh của Evergrande. Không rõ ông Hứa đã tái đầu tư những khoản cổ tức đó như thế nào.

Ông Hứa, người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó ở vùng nông thôn Trung Quốc và từng bỏ học khi còn nhỏ. Ông là giám đốc duy nhất của một công ty sở hữu biệt thự trị giá 100 triệu USD ở Hong Kong, trước khi từ chức gần đây, hồ sơ cho thấy. Ông cũng mua một siêu du thuyền dài 60m, theo một trong những nhà thiết kế của con thuyền cho biết.

Ông Hứa đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận được gửi qua Evergrande. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Đáng nói, Reuters đưa tin rằng ông Hứa đã đồng ý bỏ tiền riêng của mình vào một dự án khu dân cư của Trung Quốc có ràng buộc với một trái phiếu để đảm bảo nó hoàn thành và các trái chủ được thanh toán.

Không có sự trợ giúp nào từ việc bán tài sản trong những tháng gần đây ngay cả sau khi ông Hứa đặt cổ phần vào các lĩnh vực được đánh giá cao một thời như xe điện và các đơn vị nước đóng chai của ông. Evergrande cho biết mới đây rằng họ đã hủy bỏ các cuộc đàm phán để bán bớt cổ phần trong chi nhánh quản lý tài sản của mình. Một người có kiến thức về vấn đề này cho biết, thỏa thuận đã đổ vỡ ngay cả sau khi các quan chức ở tỉnh Quảng Đông, quê hương của Evergrande giúp triển khai các cuộc đàm phán.

Evergrande và các công ty liên kết của nó được xây dựng thông qua sự kết hợp tích cực giữa phát hành nợ, bán cổ phiếu, cho vay ngân hàng và tài trợ ẩn danh - những cách tài trợ đã bị cắt bỏ phần lớn sau cuộc đàn áp.

Evergrande vẫn chưa xây dựng xong nhà cho 1,6 triệu người mua đã đặt cọc. Doanh số bán BĐS của nó giảm khoảng 97% trong mùa mua nhà cao điểm, tiếp tục hạn chế khả năng tạo doanh thu của nó.

Những rắc rối của công ty đang lây nhiễm sang thị trường nhà ở rộng lớn hơn. Tâm lý người mua đang hoang mang và vào tháng 9, giá bắt đầu giảm lần đầu tiên sau 6 năm.

Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc tuần trước đã tuyên bố sẽ giữ các hạn chế đối với thị trường bất động sản của quốc gia này, mặc dù các chính sách đã đè nặng lên các nhà phát triển mắc nợ.

Trong khi các quan chức yêu cầu các ngân hàng tăng tốc cho vay thế chấp một lần nữa, ngân hàng trung ương đã chỉ ra rằng rủi ro lây nhiễm từ Evergrande là "có thể kiểm soát được" và không có khả năng lây lan.