Tối 28/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU), theo lời mời của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 10/2021.
Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) có chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi”. Cùng tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận, có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng các diễn giả quốc tế, các vị nguyên thủ, đại diện cấp cao của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số tổ chức khu vực. Sự tham gia của Chủ tịch nước khẳng định vai trò, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, đồng thời tiếp nối kết quả thành công đã đạt được trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 4/2021).
Là sự kiện quan trọng được Kenya thúc đẩy trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của nước này, Phiên họp nói trên nhằm làm rõ những nguyên nhân của xung đột hiện nay ở châu Phi và trên toàn cầu. Đồng thời, Phiên họp giúp đánh giá các cơ chế hợp tác về hòa bình và an ninh hiện nay, bàn thảo các biện pháp tăng cường hiệu quả ứng phó đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo…; tăng cường quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi.
Liên minh châu Phi luôn nỗ lực gắn kết chặt chẽ với Liên hợp quốc
Liên minh châu Phi là một trong những tổ chức khu vực có nhiều hoạt động hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng. Các vấn đề về hòa bình và an ninh tại châu Phi luôn chiếm phần lớn số đề mục trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an trong những năm qua. Với mục tiêu ngăn ngừa, xử lý xung đột tại châu Phi, Hội đồng Bảo an đang triển khai nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình tại các nước châu Phi, như Nam Sudan, Sudan, Somalia, Mali…
Theo TTXVN, Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi có nhiều văn kiện chung quan trọng như: Tuyên bố “Tăng cường hợp tác Liên minh châu Phi - Liên hợp quốc: Khung chương trình xây dựng năng lực 10 năm cho Liên minh châu Phi” (năm 2006); Khung hành động chung Liên hợp quốc - Liên minh châu Phi về tăng cường hợp tác trong vấn đề hòa bình và an ninh (tháng 4/2017); Khung triển khai chung Chương trình nghị sự 2063 và Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững giữa Liên hợp quốc - Liên minh châu Phi.
Thời gian qua, một số quốc gia châu Phi đứng những thách thức mới về an ninh, do hoạt động của các nhóm khủng bố, các nhóm vũ trang, do cạnh tranh chiến lược gia tăng tại một số địa bàn lớn… Đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân các nước châu Phi.
Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi càng đóng vai trò là khuôn khổ quan trọng để đẩy mạnh triển khai các sáng kiến an ninh, hòa bình ở khu vực, thông qua việc tận dụng sự hỗ trợ và chuyên môn của quốc tế, góp phần ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột ở châu Phi.
Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với châu Phi
Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước châu Phi. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi khởi nguồn từ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên nền tảng quý báu đó, hợp tác Việt Nam - châu Phi không ngừng được củng cố và mở rộng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước châu Phi, phối hợp chặt chẽ với các nước châu Phi tại Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế và toàn cầu, tích cực tham gia các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại CH Trung Phi và Nam Sudan.
Hợp tác thương mại, đầu tư, viễn thông, y tế, giáo dục… không ngừng được mở rộng. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp trở thành “điểm sáng” trong hợp tác Việt Nam - châu Phi, đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều quốc gia châu Phi. Việt Nam và nhiều nước châu Phi trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau, với các sản phẩm như gạo, điều, cà-phê… Châu Phi với hơn 1,3 tỷ dân và nguồn tài nguyên đất dồi dào là tiềm năng để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi phát triển mạnh mẽ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta đã cử nhiều đoàn sang khảo sát, xây dựng các dự án khả thi ở Angola, Tanzania, Cameroon…
Về hợp tác tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, Việt Nam và các nước châu Phi tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau. Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước châu Phi trong bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tham gia giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh của châu Phi. Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi, đóng góp thiết thực vào nỗ lực kiến tạo hòa bình tại châu lục này.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi với chủ đề: “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi” nhằm khẳng định ở cấp cao nhất với cộng đồng quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự quan tâm cao đối với vấn đề hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực; khẳng định vai trò, đóng góp trách nhiệm trong lĩnh vực này và tiếp nối kết quả thành công đã đạt được trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự tham gia phiên họp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng góp phần khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Liên minh châu Phi, các nước châu Phi và Kenya.