Học sinh khối 12 Trường THPT Thủ Thiêm, TP Thủ Đức tự tin khi đến tiêm chủng
Học sinh không có hộ khẩu, tạm trú đều được tiêm chủng
Ghi nhận tại điểm tiêm Trường THPT Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, đa phần phụ huynh và học sinh có mặt tại điểm tiêm sáng nay đều rất phấn khởi. Dù khá hồi hộp trước khi tiêm, nhưng được sự tư vấn của thầy cô, học sinh Đặng Cẩm Tiên, lớp 12T2, Trường THPT Thủ Thiêm tự tin ngồi đợi đến lượt vào tiêm chủng.
“Em chỉ sợ đau, chứ không lo về việc mình phải tiêm vaccine Covid-19. Với việc được tiêm vaccine sẽ giúp mình giảm thiểu nguy cơ mắc virus SARS-CoV-2, cũng như nếu mắc thì cũng bị nhẹ hơn. Hy vọng tất cả học sinh chúng em được tiêm đủ 2 mũi vaccine và sẽ sớm quay trở lại trường học trực tiếp”, em Tiên bày tỏ.
Học sinh ngồi chờ tiêm vaccine
Ngồi đợi con tại khu vực dành riêng cho phụ huynh, ông Đoàn Minh Thơ (cha của học sinh Đoàn Phú Mai Anh, lớp 12X5) phấn khởi nói, ông biết ơn Chính phủ, thành phố đã nỗ lực vượt bậc để học sinh được tiêm chủng. Việc này giúp cho các bậc phụ huynh an tâm hơn khi con quay lại trường. Ông Thơ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức tiêm cho các em học sinh, bản thân có con trong độ tuổi này tôi thấy rất vui. Hai cha con đến điểm tiêm trong tâm trạng thoải mái. Trong thời điểm này, được tiêm vaccine là điều may mắn, các cháu là tương lai của đất nước, được quan tâm như thế chúng tôi rất trân trọng”.
Hàng trăm phụ huynh Trường THPT Thủ Thiêm ngồi đợi con tiêm chủng
Cũng có mặt tại điểm tiêm Trường THPT Thủ Thiêm từ sáng sớm để kiểm tra công tác phục vụ, tiếp đón phụ huynh, học sinh tới tiêm chủng, Chủ tịch UBND phường An Phú Phạm Thanh Phương chạy như “con thoi”, lúc ở khu vực tiêm, khi lại ở khu vực đón tiếp người dân. Ông Phạm Thanh Phương cho biết, theo danh sách được UBND TP Thủ Đức gửi về cho phường, ngày 28-10 sẽ có khoảng 1.200 học sinh được tiêm chủng. Trong đó, học sinh khối 11 và 12 của Trường THPT Thủ Thiêm là 1.000 em và 209 học sinh của Trường Quốc tế Pháp Colette. “Sau khi tiếp nhận danh sách học sinh từ độ tuổi 16-17 được tiêm trong ngày, phường tiếp tục rà soát tại các chung cư, khu phố, bổ sung thêm 50 em trong độ tuổi này được đến tiêm chủng”, Chủ tịch UBND phường An Phú cho hay.
Hướng dẫn phụ huynh và học sinh vào tiêm chủng
Theo Chủ tịch UBND phường An Phú, hiện trên địa bàn còn một số chung cư, khu phố, có hộ dân từ các địa phương khác đến mua, thuê ở nhưng chưa sang tên chính chủ, khai báo tạm trú… Phường đã chỉ đạo các tổ dân cư, khu phố tiếp tục rà soát, nhất là số trẻ nghỉ học, tàn tật, học sinh về quê tránh dịch để kịp thời lập danh sách gửi về UBND TP Thủ Đức đưa vào danh sách tiêm trong những ngày tới.
Trao đổi về công tác tiêm chủng cho trẻ em trên địa bàn TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, TP Thủ Đức dự kiến tiêm cho trên 110.000 em từ 12-17 tuổi, trong đó tiêm mũi 1 cho khoảng 34.476 em có độ tuổi từ 16-17 tuổi. Sau đó, tiếp tục hạ dần từ 14-15 tuổi cho khoảng 30.000 em, 12-13 tuổi cho khoảng 45.000 em theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
“Hôm nay, TP Thủ Đức bố trí 20/54 điểm tiêm cố định tại 34 phường và tại 3 bệnh viện gồm Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Việt và Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Tùy tình hình thực tế tại mỗi phường có thể bố trí nhiều điểm tiêm để bảo đảm phòng dịch Covid-19”, ông Nguyễn Kỳ Phùng cho biết thêm.
BS Lý Kha Niến, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Lê Văn Thịnh, tổ trưởng tổ tiêm chủng tại Trường THPT Thủ Thiêm cho biết, bệnh viện đã thành lập 20 tổ tiêm với 80 y bác sĩ, điều dưỡng để hỗ trợ các điểm tiêm chủng trên địa bàn khu vực 1, TP Thủ Đức (quận 2 cũ).
Qua thực tế tại các địa phương trong buổi sáng nay cho thấy, công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Phụ huynh đều hân hoan khi con em mình được tiêm vaccine Covid-19. Đồng thời, nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ trong độ tuổi, kể cả trẻ nghỉ học, bỏ học, tàn tật và trẻ từ các địa phương khác theo cha mẹ về thành phố lập nghiệp nhưng chưa khai báo tạm trú, tạm vắng… lãnh đạo TP Thủ Đức và các quận huyện đều nhấn mạnh sẽ rà soát lại, nhằm không để xảy ra việc bỏ sót bất cứ trường hợp trẻ trong độ tuổi không được tiêm chủng, bằng cách yêu cầu tổ dân cư, khu phố đến phường, xã, thị trấn phải "đi từng nhà, rà từng đối tượng".
Phụ huynh đồng hành cùng con em mình trong tiêm chủng
Về công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em, các địa phương đều thực hiện: Đối với trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp, bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Đối với trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện lựa chọn. Đối với trẻ có bệnh nền sẽ tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi.
Kiểm tra kỹ phiếu sàng lọc tiêm chủng và số thứ tự cho học sinh
Học sinh được tư vấn tâm lý, khám sàng lọc kỹ, đo thân nhiệt trước khi tiêm
Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi sẽ lập danh sách trẻ từ 12-17 tuổi tại thời điểm tiêm chủng (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) để tiêm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Khám sàng lọc trước khi tiêm
Một số lưu ý khi trẻ tiêm vaccine Covid-19
Theo Phó Giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, trước khi tiêm, học sinh cần được giải thích để hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine. Học sinh nên mặc áo ngắn tay hay áo dễ lộ cánh tay khi tiêm. Phụ huynh mang đầy đủ giấy tờ cần thiết theo quy định đến điểm tiêm và khai báo y tế trước khi tiêm chủng. Trong suốt quá trình tiêm, phụ huynh cần an ủi học sinh.
Ngoài ra, để ngăn ngừa ngất xỉu và các chấn thương liên quan đến ngất xỉu, học sinh nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm. Đặc biệt, cần cho học sinh ở lại trong 15-30 phút để có thể quan sát trong trường hợp các em bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Khi tiêm vaccine Covid-19, các em có thể bị một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng lớp bảo vệ và sẽ biến mất sau vài ngày.
Chuẩn bị tiêm cho trẻ
Phụ huynh có thể dùng những loại thuốc giảm đau để giảm bớt tác dụng phụ cho các em nếu không có chống chỉ định nào khác. Phụ huynh cũng có thể làm giảm đau và khó chịu nơi vị trí tiêm cho trẻ bằng cách đắp khăn sạch ướt và mát lên vị trí tiêm, kèm vận động cánh tay trẻ nhẹ nhàng. Cần cho trẻ uống nhiều nước và mặc thoáng. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý, nếu thấy có vết đỏ hoặc vết thương nơi tiêm trở nên nặng hơn sau 24 giờ hoặc không biến mất sau vài ngày thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Các em học sinh phấn khởi khi được tiêm chủng
BS.CKII Hồ Vĩnh Thắng, Phó Trưởng Khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TPHCM khuyến cáo, phản ứng sau tiêm của trẻ có thể xảy ra, để phòng tránh, những trẻ ít sợ tiêm nên được tiêm đầu tiên và tại các điểm tiêm phải có cán bộ phụ trách tâm lý để giảm bớt sự lo lắng cho các em. Đồng thời, trẻ phải được khám sàng lọc kỹ nhằm đảm bảo an toàn. Trong đó, có 4 nhóm sàng lọc: đủ điều kiện tiêm; cần thận trọng tiêm chủng; trì hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm.
Nhóm đủ điều kiện tiêm là trẻ trong độ tuổi theo khuyến cáo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine. Nhóm cần thận trọng tiêm gồm trẻ có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; trẻ có bệnh nền; bệnh mạn tính; trẻ mất tri giác, mất năng lực hành vi; trẻ có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; trẻ thấy bất thường dấu hiệu sống.
Nhóm trì hoãn tiêm chủng là những trẻ có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính. Đối với Nhóm chống chỉ định tiêm chủng, là những trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine Covid-19; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất vaccine.