Từ 0 giờ ngày 27.10, các bến phà khách ngang sông liên tỉnh giữa Cần Thơ với Vĩnh Long, Đồng Tháp được phép hoạt động trở lại với tần suất bình thường.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngày 28.10, bến phà Thới An - Phong Hòa nối P.Thới An (Q.Ô Môn, Cần Thơ) và Đồng Tháp đã “rũ bỏ” sự đìu hiu để hoạt động nhộn nhịp, nối đôi bờ trở lại.
Các dụng cụ bảo hộ được trang bị đầy đủ khi phà Cần Thơ hoạt động trở lại. DUY TÂN |
Đợi phà trở lại để tiện bề mưu sinh
Từ sáng sớm, người dân di chuyển qua phà khá đông. Nhiều hành khách tỏ ra rất phấn khởi bởi việc đi phà giúp rút ngắn quãng đường hơn so với đi đường bộ.
Hành khách quét mã QR khai báo y tế trước khi qua phà. DUY TÂN |
Những lao động nghèo, buôn bán dạo cũng đợi ngày phà hoạt động trở lại mới bắt đầu mưu sinh…
Lực lượng làm nhiệm vụ tại phà ghi nhận số lượng xe lưu thông. DUY TÂN |
Theo nhiều người lao động có mặt tại đây, chuyến phà liên tỉnh hoạt động là cơ hội giúp họ trở lại các công việc mưu sinh thường ngày. Không còn ngăn sông cách chợ, bà con ai nấy cũng háo hức vì được đi làm lại sau thời gian dài thất nghiệp dịch Covid-19.
Các ô vạch giãn cách khi xe đợi phà tại bến. DUY TÂN |
Bà Lữ Thị Hằng (49 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết, khi nghe tin bến phà hoạt động, bà lập tức chuẩn bị các món hàng để đi bán trở lại. Bà Hằng kể, trước đó, việc đi lại cách trở, dịch bệnh phức tạp nên những chuyến xe hàng rong của bà buộc phải dừng bánh. Vì vậy, việc mưu sinh của bà rất khó khăn, hằng ngày phải bắt ốc, hái rau để cải thiện bữa ăn trong lúc thất nghiệp.
Hành khách chấp hành nghiêm việc phòng dịch khi di chuyển qua phà. DUY TÂN |
“Hàng hóa tôi lấy của người ta rồi bán lại, chủ yếu lấy công làm lời. Nhưng đi đường vòng qua trung tâm TP.Cần Thơ xa quá, tiền xăng xe thôi đã hết rồi còn dư dả gì, đó là chưa nói đến những khi buôn bán ế ẩm trong dịch. Tôi trông đợi phà hoạt động lại mỗi ngày để qua lại 2 tỉnh dễ dàng. Buôn bán lại được, tôi mừng muốn rớt nước mắt”, bà Hằng chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Ca Bo (22 tuổi, H.Lai Vung, Đồng Tháp) làm nghề shipper cũng vô cùng phấn khởi khi phà Thới An hoạt động lại. Anh Bo cho biết, nếu không có phà, muốn giao hàng hóa sang TP.Cần Thơ anh phải đi đường vòng mất khoảng 60 - 70 km. Anh nói: “Bây giờ từ Đồng Tháp qua TP.Cần Thơ tôi chỉ mất khoảng 15 - 20 phút thôi. Thời gian rút ngắn nên mỗi ngày tôi giao được nhiều chuyến hàng hơn nên thu nhập ổn hơn”.
Phà hoạt động trở lại ai nấy đều phấn khởi. DUY TÂN |
Theo đánh giá của đại diện bến phà, lượng hành khách lưu thông qua phà ngày đầu tuy có ít hơn so với trước nhưng đang tăng lại theo từng ngày.
Phà hoạt động trở lại khiến người dân vui mừng vì tiện bề mưu sinh DUY TÂN |
Thực hiện nghiêm phòng, chống dịch
Để đảm bảo phòng chống, dịch Covid-19 lực lượng làm việc tại phà và hành khách phải tuân thủ theo hướng dẫn tạm thời của Sở GTVT TP.Cần Thơ và quy định phòng, chống dịch của các tỉnh có bến đối lưu.
Lực lượng làm việc tại phà hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm phòng dịch.
DUY TÂN |
Ông Nguyễn Thành Phước, Phó bến phà Phong Hòa, cho biết sau 4 tháng nghỉ hoạt động để phòng, chống dịch, đây là ngày thứ 2 bến phà Phong Hòa, Thới An hoạt động trở lại. “Để đảm bảo an toàn cho khách đi qua phà, chúng tôi đã tiến hành cho kẻ các ô, mọi người hành khách đi qua đó sẽ cách 2 m; dán các mã QR quản lý khách đi qua phà; nhắc nhở hành khách đảm bảo tuân thủ 5K để an toàn cho hành khách và nhân viên phà”, ông Phước nói.
Hành khách vui vẻ chụp ảnh sau nhiều tháng mới được đi lại trên phà. DUY TÂN |
Cụ thể, các bến khách được hoạt động trở lại với tỉnh đối lưu Vĩnh Long bao gồm Cần Thơ - Bình Minh; Cồn Khương - Thành Lợi; Cô Bắc- Chòm Yên; Khu công nghiệp Trà Nóc - Tân Bình; Cái Chôm - Xẻo Lá; Vàm Rạch Nọc - Xã Hời. Các bến khách được hoạt động trở lại với tỉnh đối lưu Đồng Tháp bao gồm Phà Thới An - Phong Hòa; Bằng Tăng - Cái Dứa; Bà Góa - Vĩnh Thới; Tân Lộc - Tân Thành; Tân Lộc - Cái Đôi; Bò Ót - Định An.