Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong việc thi đua khen thưởng còn nhiều bất cập về quản lý, thẩm định khiến thành phần cơ hội lợi dụng với nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng, tạo ra không ít băn khoăn, day dứt trong xã hội.

Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật vừa qua 'chắc chắn nhận không ít danh hiệu' - ảnh 1

Quốc hội thảo luật cho ý kiến về dự thảo luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sáng 28.10

GIA HÂN

Sáng 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), ngay chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, ở một số nơi còn mang tính hình thức, nặng về hồ sơ, thủ tục. Cụ thể, dự thảo Luật quy định mục đích thi đua nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh phong trào, nhưng muốn tôn vinh lại phải viết báo cáo thành tích.

"Báo cáo này nhằm mục đích gì? Nếu như để cơ quan nhà nước biết thì có lẽ không ổn vì nó sẽ chứng tỏ năng lực quản lý đối với hoạt động của công dân nói chung và cán bộ công chức, viên chức nói riêng, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số được cam kết triển khai mạnh mẽ thời gian qua. Nếu như vì báo cáo thành tích thì phải giải đáp thoả đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng”, ông Nhân đặt vấn đề.

Đại biểu này cũng cho rằng, qua những sự việc cán bộ bị kỷ luật từng có nhiều danh hiệu cho thấy, công tác thẩm định có nhiều vấn đề, “thể hiện sự rời rạc trong những mắt xích của quản lý và hệ thống để các thành phần cơ hội lợi dụng, đồng thời trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân thẩm định đến đâu để danh hiệu thi đua, khen thưởng tạo ra không ít băn khoăn, day dứt trong xã hội”.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, chỉ khi nào nhà nước, với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích, thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương.

Mặt khác, đại biểu này đề nghị cần số hoá dữ liệu về thi đua, khen thưởng trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, để khi cần chỉ “một cú click chuột” là có thể cung cấp đầy đủ các dữ liệu cá nhân được xác thực.

“Chỉ có như vậy mới có thể đóng góp thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có thi đua, khen thưởng, nhằm làm cho công tác này trở nên thực chất, ý nghĩa, tránh “lọt lưới”những trường hợp như đã nêu”, đại biểu Nhân bày tỏ.

Đề nghị tiếp tục xét danh hiệu NSND, NSƯT đối với nhạc sĩ

Đóng góp ý kiến vào nội dung cụ thể, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng cần xem xét lại việc dự thảo Luật đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi diện đối tượng được xét danh hiệu nghệ sĩ nhân nhân, nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT).

Theo đại biểu Ánh, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện. Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng họ vẫn là nghệ sĩ, là người dán tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…

“Nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, đại biểu Ánh nêu quan điểm, và đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như quy định hiện hành.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) bày tỏ: "Dự thảo Luật quy định họa sĩ, trong khi đó lại bỏ nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, là chưa đảm bảo sự thống nhất trong quá trình xây dựng Luật".

Theo Điều 64 của dự thảo luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

So với quy định hiện hành, dự thảo luật trình Quốc hội khóa 15 đã bỏ đối tượng xét tặng các danh hiệu trên đối với nhạc sĩ, phát thanh viên.