Chia sẻ về kế hoạch tổng thể khôi phục kinh tế với các lãnh đạo tập đoàn toàn cầu, Thủ tướng đánh giá đây là thời điểm thử thách của cả Chính phủ và doanh nghiệp.
Tối 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đối thoại lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến, với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo".
Chia sẻ với các doanh nghiệp toàn cầu, Thủ tướng cho biết kế hoạch tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế sẽ gồm chương trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm; phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Cùng đó, Việt Nam đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sáu trụ cột chính sách quan trọng được ông nhắc tới trong phục hồi kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất là phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội.
Thứ ba là triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia... có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Thứ tư là đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Thứ năm là nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới.
Thứ sáu và là yếu tố quan trọng nhất, là nguồn nhân lực nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam với tư cách vừa là chủ thể và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Đồng thời, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế phù hợp với những điều chỉnh sau đại dịch Covid-19.
Ông đánh giá đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp, là thời điểm tăng cường quan hệ đối tác công - tư để vượt qua khó khăn trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
"Khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, Chính phủ Việt Nam quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước", ông nói.
Ông kêu gọi các nhà đầu tư cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp để phục hồi sản xuất an toàn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất để đảm bảo đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng.
"Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tăng cường đối thoại, phối hợp trong khuôn khổ đối tác công - tư để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Ông đề nghị những mô hình như chương trình đối tác công – tư cho nông nghiệp bền vững sẽ được nhân rộng sang các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng khác. Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF thành cơ chế thường kỳ giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp và chuyên gia của WEF.
Tháng 10, kinh tế xã hội đã bắt đầu phục hồi khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng gần 12%, vốn thực hiện trên 15 tỷ USD. Xuất khẩu tăng xấp xỉ 17% so với cùng kỳ 2020.
Tổng cầu phục hồi mạnh với mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 18%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%. Điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính thời điểm; yếu tố cơ bản là tiềm năng, lợi thế, động lực mới cho phát triển dài hạn và nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn là nổi trội, ổn định và vững chắc.
Tại đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đưa ra nhiều kiến nghị chính sách nhằm tái hồi phục và kích thích kinh tế, thúc đẩy FDI, cải thiện kết nối vận chuyển hàng hóa nội địa và xuyên biên giới.
Các tập đoàn công nghệ lớn "hiến kế" các chính sách thúc đẩy hợp tác công – tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật số, khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số, các chiến lược tận dụng công nghệ 4IR để ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
Cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh mạnh mẽ việc tăng tốc và thực thi các cam kết trung hòa carbon đến năm 2050 và các quy định liên quan về môi trường của Việt Nam. Riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo, một doanh nghiệp đề xuất Việt Nam thành lập Diễn đàn Năng lượng tham vấn với sự tham gia của khu vực tư nhân và Chính phủ để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Khép lại đối thoại, Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành kiêm nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới, bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng và vị thế của Việt Nam; cam kết WEF sẽ tiếp tục dành sự hợp tác và hỗ trợ tối đa cho Chính phủ Việt Nam. "Chính phủ và Thủ tướng đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân Việt Nam", Giáo sư Klaus Schwab nói.
Ông tin Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ấn tượng trong những thập kỷ tới, tiếp tục vững bước trên con đường trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực.
Đối thoại chiến lược quốc gia về Việt Nam là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chương trình của WEF năm 2021 nhằm hỗ trợ các tập đoàn toàn cầu mở rộng đầu tư, kinh doanh, đón đầu các xu thế mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi.
Với Việt Nam, đối thoại là sự kiện quan trọng để Thủ tướng trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu nhằm huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy quan hệ công – tư phục vụ thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như khát vọng và các mục tiêu phát triển đất nước trong trung và dài hạn.