Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu được kỳ vọng đạt bước tiến cho quy định mua bán phát thải carbon và tương lai thoát ly than đá.

Các lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Glasgow, Scotland để dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được gọi tắt là COP26. Hội nghị kéo dài hai tuần đầu tháng 11, giữa giai đoạn tình hình khí hậu Trái Đất đang báo động hơn bao giờ hết.

Theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc và giới khoa học, nếu các chính phủ trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm cắt giảm mức khí thải ngay lập tức, phần lớn Trái Đất sẽ hứng chịu thảm họa khí hậu trong tương lai không xa. Tình trạng nước biển dâng, sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng, ngày càng nhiều giống loài tuyệt chủng là hậu quả rõ rệt vài năm qua.

6 năm trước, gần như mọi quốc gia trên thế giới đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết giảm khí thải nhà kính với những lộ trình riêng. Dù vậy, khí thải gây nóng lên toàn cầu vẫn tăng nhanh hơn dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay bất chấp đợt giảm ngắn ngủi trong năm 2020 vì đại dịch.

Hiệp định Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp

Biến đổi khí hậu đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới. Thế giới đã nóng lên 1,1°C và tiến nhanh đến giới hạn báo động đỏ. Đánh giá vừa qua của Liên Hợp Quốc dự đoán mức tăng nhiệt độ sẽ vượt mốc 1,5°C trong hai thập kỷ tới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) trò chuyện cùng David Attenborough tại hội thảo phổ biến về COP26 ở Bảo tàng Khoa học London vào tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia, chính trị gia và công chúng quốc tế quan tâm đến môi trường hồi hộp dõi theo COP26, kỳ vọng bước tiến mới trong nhiều vấn đề.

Tại COP26, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ từng đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), nhưng các chuyên gia không còn lạc quan như trước. Họ cho rằng những NDC mới vẫn không đủ sức ngăn chặn cơn ác mộng nóng lên toàn cầu vượt tầm kiểm soát.

Có 4 vấn đề chính tại COP26 được giới quan sát, các nhà đàm phán và công chúng đặc biệt quan tâm gồm: Hỗ trợ tài chính khí hậu, thị trường mua bán phát thải carbon, than đá và khí methane.

Theo một số chuyên gia, lĩnh vực tài chính khí hậu dự kiến trở thành một trong những vấn đề gai góc nhất ở COP26.

Các nền kinh tế đang phát triển trừ Trung Quốc và Ấn Độ đang là nhóm nước xả ít khí thải nhà kính nhất nhưng chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu lẫn quá trình chuyển dịch sang năng lượng bền vững. Họ cần các nước phát triển nhanh chóng thực hiện đúng cam kết huy động 100 tỷ USD/năm hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, cắt giảm khí thải và thích nghi với tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mặt khác, tác động từ nóng lên toàn cầu đã trở thành thực tế ở một số quốc gia. Nước biển dâng, những hình thái khí hậu cực đoan đã và đang gây ra mất mát cùng thiệt hại kinh tế ở những vùng mẫn cảm với biến đổi khí hậu. Vấn đề huy động hỗ trợ phục hồi cho nhóm nước này cũng nằm trong phạm trù tài chính khí hậu và chắc chắn được đề cập tại hội nghị.

Thị trường carbon cũng được dự đoán sẽ làm nóng bàn đàm phán COP26. Việc mua bán phát thải carbon giữa các nước đã được quy định tại Điều 6 trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi mọi nội dung khác trong bộ hướng dẫn thực thi hiệp định đã được các nước thống nhất, Điều 6 vẫn chưa nhận được đồng thuận.

Trong hình thức "mua bán" phát thải carbon, mỗi quốc gia có một mức độ khí thải tối đa được phép xả ra bầu khí quyển. Những nước nào có lượng khí thải thấp hơn mức cho phép sẽ có quyền "bán" cho các quốc gia phát thải nhiều lượng hạn mức khí thải còn dư của mình.

Thống nhất quy định mua bán phát thải carbon còn mở ra cơ hội cho dòng tài chính khí hậu từ những nền kinh tế phát triển chảy đến nhóm các nền kinh tế đang phát triển.

Đảo ngược mô hình kinh tế dựa trên carbon có thể trở nên vô cùng đắt đỏ. Việc cắt giảm toàn bộ khí thải nhà kính trước năm 2050 có thể là nhiệm vụ bất khả thi với một số nước và họ cần mua hạn mức thải carbon từ nước khác.

Ngoài hai nội dung trên, Anh, nước chủ nhà COP26, còn mong muốn đưa vấn đề ngưng sử dụng than đá làm chủ điểm đàm phán cắt giảm khí thải toàn cầu. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nền kinh tế phát triển chấm dứt sử dụng than đá trước năm 2030 và toàn thế giới chia tay với nguồn nhiên liệu này trước năm 2040.

Tuy nhiên, cuộc ly hôn với than đá, nguồn nhiên liệu châm ngòi cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại và đồng hành với phát triển kinh tế đến ngày nay, không hề dễ dàng. Nhóm 7 cường quốc có nền công nghiệp phát triển và kỹ thuật tiên tiến dẫn đầu thế giới (G7) không tìm được tiếng nói chung về thời hạn ngừng sử dụng than đá tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6.

Trung Quốc và Ấn Độ từng đặt tham vọng chuyển dịch sang năng lượng xanh, trở thành đầu tàu cắt giảm khí thải cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đợt mất điện diện rộng nghiêm trọng vài tuần qua đã buộc họ đổi ý, ít nhất là trong tương lai gần. Bắc Kinh vào giữa tháng 10 đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sản xuất than đá phục vụ nhiệt điện, nguồn cung năng lượng chủ lực cho guồng máy công nghiệp quốc gia.

Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Bonn, Đức vào tháng 9/2019. Ảnh: Unsplash.com.

Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Bonn, Đức vào tháng 9/2019. Ảnh: Unsplash.com.

Nội dung thảo luận có vẻ suôn sẻ là cắt giảm khí thải methane. Các lãnh đạo sẽ chính thức cam kết cắt giảm ít nhất 30% loại khí thải này trước năm 2030, mục tiêu được Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) công bố vào tháng 9 và được nhiều nước ủng hộ. Tuy nhiên, Trung Quốc, nơi xả khí methane nhiều nhất thế giới, vẫn chưa nhất trí với mục tiêu này.

Hội nghị COP26 tại Glasgow quy tụ khoảng 20.000 nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạt động quốc tế cùng hàng chục nguyên thủ các nước. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm lãnh đạo Mỹ tham dự COP. Giới quan sát kỳ vọng Tổng thống Joe Biden sẽ giữ vai trò đáng kể ở vòng đàm phán này.

Môi trường cũng là vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ chính trường Mỹ. Đạo luật chống biến đổi khí hậu với nhiều cải cách mạnh tay chưa qua được ải quốc hội. Giới chức Mỹ lo ngại mọi quy định khả thi về chống biến đổi khí hậu khó tiến xa trong môi trường chính trị chia rẽ lưỡng đảng sâu sắc, gây tổn hại đáng kể đến uy tín Mỹ trên trường quốc tế.

"Mọi người có trong đầu cùng câu hỏi: Liệu Mỹ có thể làm tròn nghĩa vụ họ đã cam kết trong Hiệp định Paris không", Robert N. Stavins, nhà kinh tế học môi trường tại Đại học Harvard, nhận định.

Trong khi đó, lãnh đạo một số nước xả khí thải nhà kính hàng đầu thế giới đã tuyên bố không đến Glasgow, trong đó có Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điện Kremlin không tiết lộ lý do Putin không dự COP26, nhưng nhấn mạnh "biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu" của lãnh đạo Nga.

Trung Quốc vẫn cử phái đoàn tham gia COP26, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng chỉ tham dự trực tuyến.

Dù Mỹ trở lại COP26, việc một số lãnh đạo cường quốc vắng mặt khiến giới quan sát lo ngại đàm phán thiếu hiệu quả. Ngoài ra, những cam kết mới tại COP26 khó đủ táo bạo để ghìm cương tốc độ nóng lên toàn cầu không vượt báo động đỏ 1,5°C hay giới hạn cuối cùng 2°C.

Điểm tích cực được kỳ vọng ở COP26 là xây dựng nền tảng mới cho những cuộc đàm phán tiếp theo, cả trong lẫn ngoài khuôn khổ COP. Biến đổi khí hậu có khả năng trở thành chủ đề trung tâm cho nhiều hội nghị thượng đỉnh đa phương, gồm kỳ họp G7 và G20 năm sau.

Theo Maarten van Aalst, giám đốc Trung tâm Khí hậu Chữ thập Đỏ và Lưỡi liềm Đỏ, COP26 thành công sẽ tạo ra tâm thế đoàn kết toàn cầu và hình thành nhận thức về một chương trình hành động chung, "để chúng ta tiếp tục đặt tham vọng cao hơn trong những năm tiếp đến".