Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, hàng loạt ổ dịch mới bùng phát trong các nhà máy chế biến thuỷ sản đông công nhân.
Tuần qua, TP Cần Thơ ghi nhận gần 500 F0, trong đó hơn 180 ca tại 5 doanh nghiệp ở 3 khu công nghiệp là: Hưng Phú 2, Thốt Nốt và Trà Nóc. Chủ một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Trà Nóc cho biết, đơn vị có khoảng 1.000 công nhân, nhưng hơn 150 người mắc Covid-19.
"Hiện số F0 được đưa cách ly điều trị, sức khoẻ ổn định, không có triệu chứng. Gần 150 F1 cách ly tập trung", chủ doanh nghiệp nói và cho biết hết giãn cách, công nhân được về nhà nên khả năng nguồn lây từ cộng đồng.
Sau khi dịch bùng phát, nhà máy ngưng hoạt động 14 ngày, từ 27/10. Doanh nghiệp cũng phun hóa chất, tiêu độc khử trùng toàn bộ phân xưởng, đồng thời sẽ quay lại phương án sản xuất "3 tại chỗ". Thời gian nghỉ dịch, toàn bộ công nhân được hỗ trợ 100.000 đồng mỗi ngày.
Trước diễn biến dịch phức tạp, nhất là trong các nhà máy, hôm qua UBND TP Cần Thơ điều chỉnh nguy cơ dịch ở địa bàn từ cấp 1 (vùng xanh, bình thường mới) lên cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). Chính quyền thành phố nhận định ca bệnh tăng khi nhiều hoạt động kinh tế, xã hội mở trở lại. Một bộ phận người dân, cơ quan phòng, chống dịch chủ quan trước diễn biến dịch bệnh.
Trong khi đó, những ngày qua số ca mắc Covid-19 ở Sóc Trăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đến nay, địa phương ghi nhận 5.219 ca mắc Covid-19; tăng hơn 3 lần so với đầu tháng 10. Dịch bùng phát mạnh nhất huyện Trần Đề với 1.815 trường hợp. Tại một doanh nghiệp thuỷ sản tại địa phương này, ngành y tế phát hiện hơn 230 công nhân mắc nhiễm.
Kiểm tra việc phòng chống dịch tại huyện Trần Đề hôm 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu thần tốc truy vết các F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng tại những nơi phát hiện ca dương tính với nCoV. Đồng thời tỉnh tổ chức lực lượng chốt chặn, kiểm tra các khu vực cách ly y tế, cách ly tập trung. Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường.
Tại Bạc Liêu, trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 400 trường hợp dương tính với nCoV (80 ca dưới 18 tuổi), cao nhất từ trước đến nay. Trong 149 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, 70 ca liên quan chuỗi lây nhiễm tại công ty chế biến thuỷ sản ở thị xã Giá Rai. Đến nay, ổ dịch này đã phát hiện hơn 300 F0.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch thị xã Giá Rai đã chỉ đạo lực lượng y tế xét nghiệm sàng lọc công nhân tại các công ty, doanh nghiệp và người dân tại những địa phương nguy cơ cao và rất cao để kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Địa phương đã đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho công nhân.
Đến nay, Bạc Liêu ghi nhận 2.888 ca mắc Covid-19 (tăng hơn 5 lần so đầu tháng 10); 744 người bệnh được điều trị khỏi; 23 ca tử vong. Toàn tỉnh đã tiêm vaccine cho 510.687 người (chiếm hơn 60% người dân đủ 18 tuổi trở lên). Trong số này, 103.644 người được tiêm đủ 2 mũi...
Từng xuất hiện nhiều ca nhiễm tại nhà máy đông công nhân từ tháng 7, tỉnh An Giang dần thu gọn, truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm nên không phát sinh ổ dịch phức tạp. Hiện, 100% doanh nghiệp ở địa phương có nhu cầu đã hoạt động trở lại, công suất tối đa đạt 80%.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, sau mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường 2 điểm đến", An Giang đang triển khai "4 xanh" tại các nhà máy. Các tiêu chí gồm: công nhân đã tiêm vaccine 2 mũi, nơi ở, nhà máy, cung đường đi làm đều trong vùng xanh. Giải pháp này giúp 2 tháng qua các doanh nghiệp không bị Covid-19 xâm nhập dù dịch ở tỉnh rất phức tạp.
Cũng theo ông Thư, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp có lượng lớn đơn hàng, nhất là thuỷ sản. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động trong phòng dịch để duy trì sản xuất. Ngoài các yêu cầu từ chính quyền, nhiều nhà máy bố trí khu vực điều trị F0 không triệu chứng, khu cách ly F1, theo dõi chặt sức khoẻ công nhân...