Rõ ràng chẳng ai muốn ra đường vào giờ cao điểm, nhất là với ôtô, còn với những người bắt buộc phải đi, thu phí hay không cũng vậy.
Tôi tìm đỏ mắt để xem mục tiêu của việc thu phí ôtô vào trung tâm Hà Nội là gì? Đa số người ta bàn luận chuyện phí bao nhiêu là đủ, dựa trên một kết quả giả định: "làm giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố vào giờ cao điểm". Nhưng trước khi nói về mức phí thế nào, hãy thử đánh giá xem liệu việc thu phí có hạn chế xe vào trung tâm hay không?
Rõ ràng, giờ cao điểm ở thành phố, chẳng ai muốn đi dạo, lái chiếc bốn bánh lòng vòng trong trung tâm. Ồn ào, kẹt xe như nêm, dễ va quệt, thường xuyên dừng đèn đỏ cả chục phút... ngần ấy thứ mệt mỏi đủ khiến bất cứ ai cũng không muốn lao ra đường. Ngắm đồng bào của mình tham gia giao thông giờ cao điểm không bao giờ là một niềm vui đáng để ngồi sau tay lái.
Chưa kể chuyện có thể bị thổi phạt khi tham gia giao thông. Cuối cùng, nếu va chạm với một chiếc xe khác, bạn không thể làm người có văn hóa và biết suy nghĩ cho cộng đồng. Bởi để được bảo hiểm bồi thường, và chiến thắng trong việc ai đúng ai sai, bạn cần... giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn. Xe cộ và người tham gia giao thông khác cần hết lòng thông cảm cho hai chủ xe bị tai nạn. Đổi lại, bạn không thoải mái lắm khi phải đón nhận sự cảm thông bất đắc dĩ này.
Như vậy, giờ cao điểm, nếu ai trong chúng ta phải lái xe ra đường, nhất là vào trung tâm thành phố thì đó là một sự bắt buộc. Bởi công việc đột xuất, bởi cơ quan nằm trong trung tâm hay trường học của con, vợ, chồng... nằm ở bên kia thành phố... Khi đã là bắt buộc, dù ai đó đưa ra mức phí 10.000 đồng hay 100.000 đồng, chúng ta chỉ có hai lựa chọn, đóng phí để lái xe hoặc không lái xe cá nhân.
>> Vòng luẩn quẩn 'thu phí ôtô không giảm tắc đường'
Nếu chọn không lái xe cá nhân, chúng ta sẽ có thể mua thêm một chiếc xe máy, góp thêm vào con số tám triệu xe máy mà thành phố đang quản lý. Nhưng ta không nên quên rằng, vợ hoặc con, hoặc chồng mình thay vì ngồi chung xe với ta, cũng sẽ... góp thêm vài chiếc xe máy nữa. Điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta không đồng ý với mức phí vào trung tâm, chúng ta sẽ góp phần gia tăng số lượng phương tiện trên đường và rủi ro tai nạn giao thông.
Giả sử trước đây, hai vợ chồng, hai đứa con đi trên cùng một chiếc ôtô, chỉ có một người điều khiển phương tiện, thì giờ đây chúng ta có bốn người điều khiển phương tiện, tức khả năng có tai nạn tăng gấp bốn lần. Tôi chưa thấy có nghiên cứu nào của một cơ quan tư nhân hay nhà nước khẳng định chắc nịch rằng một chiếc ôtô sẽ gây ùn tắc nhiều hơn hai đến bốn chiếc xe máy. Nhất là khi trong cùng một khoảng thời gian một ôtô chỉ có mặt tại một vị trí vào một thời điểm, trong khi hai chiếc xe máy có thể góp mặt vào hai đám kẹt xe tại hai chỗ khác nhau trong trung tâm thành phố này.
Vậy là để ủng hộ mục tiêu ban đầu đề ra của các nhà quản lý, chúng ta chấp nhận giải pháp: đóng phí nhưng vẫn phải lái xe vào trung tâm. Và khi chúng ta lái xe vào trung tâm, câu chuyện gần nhưng không có gì thay đổi xét về mặt ùn tắc giao thông.
>> 'Thu phí ôtô vào nội đô, dân sẽ dồn vào ở trung tâm'
Cuối cùng, cách sáng suốt và hoàn hảo nhất có lẽ là chuyển từ xe hơi cá nhân sang phương tiện công cộng. Gọi cho dài dòng vậy thôi chứ nói thẳng ra là xe buýt - phương tiện giao thông công cộng duy nhất khả dĩ hoạt động được vào lúc này. Dù rất muốn là công dân gương mẫu và hy sinh vì đại cuộc, nhưng thật khó để nói rằng những người đã cố gắng làm việc để có được chiếc xe hơi lại cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc khi bước chân lên xe buýt, móc một khoản tiền lẻ nào đó ra đổi lấy một cái vé để được lắc lư và toát mồ hôi hột. Đó sẽ không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là 230 ngày làm việc trong năm (đã trừ nghỉ phép).
Câu hỏi là: sao phương Tây họ làm được, Singapore làm được, còn chúng ta thì không? Câu trả lời thực ra rất đơn giản: khi ta đi qua các nước phương Tây hay Singapore sống, tôi tin ai cũng có thể làm được như họ. Chỉ có điều, hoàn cảnh và điều kiện hiện tại của nước ta hoàn toàn không giống những gì mà nước họ đang có.