Hà Nội vừa cập nhật cấp độ dịch mới ở quy mô toàn thành phố, chuyển từ vùng xanh thành vùng vàng. Trong khi số ca mắc mới trong những ngày qua ở Hà Nội có tăng, việc chuyển màu bản đồ dịch ở Hà Nội đang gây sự chú ý lớn.
Tiêu chí 2: tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ngừa từ 1 mũi vắc xin Hà Nội đạt 92%, đạt tiêu chuẩn vùng xanh.
Tuy nhiên ở tiêu chí 3, trong tháng 10 đạt 80% người từ 65 tuổi trở lên tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, nếu không đạt thì nâng 1 mức nguy cơ. Tiêu chí này Hà Nội mới đạt 47% và nâng 1 mức nguy cơ dịch lên vùng vàng.
Kèm theo việc nâng 1 mức nguy cơ, Hà Nội đã phải thay đổi trong một số hoạt động và dịch vụ công cộng, như hạn chế số người dự đám cưới, đám tang, hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời...
Điều đáng chú ý, ở giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng vắc xin, Hà Nội hạn chế tiêm ngừa cho nhóm 65 tuổi trở lên, điều này dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng toàn Hà Nội hiện rất cao nhưng riêng nhóm tuổi từ 65 trở lên lại chưa đạt. Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng cho nhóm từ 50 tuổi trở lên.
"Vùng vàng" TP.HCM: 32 phường, xã tăng cấp độ dịch
Tính đến chiều 31-10, TP.HCM đang ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình), trong đó có 13/22 quận huyện đạt cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp), còn lại thuộc cấp độ 2, không còn địa phương nào thuộc cấp độ 3.
Tuy nhiên vẫn còn một số phường là cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) gồm: phường 4, quận Phú Nhuận; xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn.
So với tuần trước, TP có 53 phường, xã giảm cấp độ dịch và 32 phường, xã tăng cấp độ dịch.
Những ngày gần đây, số ca COVID-19 nhập viện tại TP.HCM tăng nhẹ trong khi độ bao phủ vắc xin dần tăng. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - phân tích nguyên nhân: nguyên nhân đầu tiên là các cơ sở thu dung tại địa bàn quận, huyện thu gọn lại, bệnh nhân điều trị tại đây sẽ được chuyển vào các bệnh viện.
Các công ty, xí nghiệp, nhà máy tại TP bắt đầu hoạt động và triển khai xét nghiệm nhanh định kỳ, phát hiện thêm nhiều người dương tính là lực lượng lao động từ các tỉnh thành trở về. Nhưng xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly nên phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Những người lao động nghèo mắc COVID-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.
Người dân ở các tỉnh, thành khác trở về TP.HCM, Sở Y tế TP cho biết bên cạnh xét nghiệm, cách ly y tế đúng quy định thì sẽ tiêm vắc xin ngay cho người chưa được tiêm đầy đủ.
TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ từ 3-12 tuổi
Sở Y tế TP.HCM cho biết đang lập kế hoạch chi tiết đề xuất Bộ Y tế tiêm vắc xin cho trẻ từ 3-12 tuổi trong thời gian tới, mốc thời gian dự kiến để tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên là vào năm 2022.
Về việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người có nguy cơ cao, lực lượng chống dịch, TP cũng đã đề xuất với Bộ Y tế. Theo các chuyên gia, hiệu quả vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, việc tiêm mũi 3 giúp tăng thêm kháng thể.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đề nghị tiêm vắc xin cho nhóm 3-12 tuổi. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện chưa có vắc xin nào có chỉ định cho nhóm tuổi này. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, năm 2022 Việt Nam cũng có kế hoạch nhập khẩu vắc xin cho nhóm trẻ 3-12 tuổi.
Trước 5-11 có mẫu "hộ chiếu vắc xin"
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, ban hành thống nhất mẫu "hộ chiếu vắc xin" của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5-11, phối hợp với Bộ Ngoại giao có phương án thuyết phục các nước công nhận những vắc xin Việt Nam đang sử dụng. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có ý kiến cho biết.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận "hộ chiếu vắc xin". Các bộ Thông tin và truyền thông, Công an, Y tế thực hiện việc xây dựng ứng dụng, cấp mã QR.
Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh đúng đối tượng đã được cho phép, những người tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, dự hội nghị, hội thảo, thăm thân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân (theo nhóm thị thực tương ứng DN2, HN, VR) và có giấy chứng nhận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện theo thủ tục quy định tại nghị định số 82/2015 ngày 24-9-2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực.
Thế giới có hơn 224 triệu người khỏi bệnh
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 2-11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 247 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,02 triệu ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,2 triệu ca, trong đó có hơn 73.350 ca trong tình trạng nguy kịch.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca).
Ảnh chụp ngày 2-7-2021 cho thấy một phụ nữ suy sụp khi cầu nguyện trước lễ hỏa táng một người thân đã mất vì COVID-19 ở Gauhati, Ấn Độ - Ảnh: AP
Châu Á mở cửa lại ở nhiều nước
Ngày 1-11 đánh dấu một loạt nước châu Á mở cửa trở lại và tiếp tục thực hiện nới lỏng các hạn chế sau khi đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vắc xin COVID-19, cùng quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
Từ ngày 1-11, Thái Lan cho phép du khách quốc tế đã tiêm vắc xin COVID-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh mà không cần cách ly.
Campuchia mở cửa trở lại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực từ ngày 1-11, áp dụng mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch "cơ chế hộp cát" - cho phép du khách đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) - kể từ ngày 30-11 mà không cần cách ly.
Hàn Quốc lấy thời điểm ngày 1-11 để bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn nhằm khôi phục hoàn toàn cuộc sống thường nhật.
Hãng hàng không Qantas chuẩn bị sẵn sàng cho các máy bay để thực hiện các chuyến bay quốc tế trở lại tại sân bay Sydney ở Sydney, Úc ngày 21-10 - Ảnh: REUTERS
Người Úc cũng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi nước này mở lại biên giới quốc tế sau gần 600 ngày đóng cửa. Sau hơn 18 tháng, hàng triệu người dân Úc hiện có thể tự do đi lại mà không cần giấy phép hay cần phải cách ly khi đến nước này.
Nhật Bản ngày 1-11 công bố quyết định nới lỏng quy định về hạn chế số người tham gia các sự kiện quy mô lớn như các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc đã được áp dụng tại 27/47 tỉnh.
Indonesia ngày 1-11 quyết định nới lỏng các điều kiện đi lại bằng máy bay, theo đó hủy bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm PCR đối với các hành khách.
Ở Trung Đông, Israel, một trong những quốc gia tiêm phòng sớm và nhanh nhất trên thế giới, từ ngày 1-11 cũng mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đã tiêm vắc xin.
Những diễn biến trên là một phần trong nỗ lực của các nước nhằm khôi phục kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua đã đẩy ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng.
Nga đánh dấu 3 ngày liên tiếp số ca mới trên 40.000
Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 1-11, Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.402 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 8,5 triệu ca, 1.155 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Nga vượt trên 40.000.
Tại Pháp, số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã tăng 48 người trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6-9.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 6.329 ca, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7,17 triệu ca. Cũng theo ghi nhận, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 7 trường hợp trong 24 giờ qua lên 1.046 người. Thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca.
Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch bệnh hiện tại "rất đáng lo ngại" và cần phải nhanh chóng hành động. Bà nhấn mạnh chính phủ liên bang và chính quyền các bang sẽ phải cùng nhau thảo luận về các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đại dịch cũng như tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
-----------------------------------------------
Mỹ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi
Ngày 1-11, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tuần này.
Hàng triệu liều vắc xin cho trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ đến các trung tâm phân phối trong vài ngày tới. Hiện chính phủ liên bang đã mua đủ số vắc xin để tiêm cho tất cả 28 triệu trẻ em đủ điều kiện.
Nhà Trắng cho biết bắt đầu từ ngày 8-11, chương trình tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ vận hành hết công suất.
Ngày 29-10, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer (Mỹ) cho trẻ em 5-11 tuổi, mở đường cho việc tiêm chủng cho 28 triệu trẻ em thuộc nhóm tuổi này do lợi ích của vắc xin nhiều hơn so với nguy cơ tác dụng phụ.
Hôm nay, 2-11, CDC sẽ quyết định về cách thức tiến hành tiêm với một nhóm cố vấn bên ngoài.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi, mở đường cho việc tiêm vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi này.
Ngày 1-11, người đứng đầu BPOM Penny Lukito thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng của vắc xin Sinovac cho thấy vắc xin này an toàn đối với trẻ em từ 6-11 tuổi. Bà Penny cho biết việc cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em là vấn đề cấp bách, vì các trường học đang bắt đầu triển khai từng bước học trực tiếp.
Trước đó, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng vắc xin của Sinovac cho trẻ em từ 11-17 tuổi. Báo cáo thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy khả năng sinh miễn dịch của vắc xin ở trẻ em cao hơn người lớn. Tỉ lệ này ở trẻ em là 96,15% so với 89,04% ở người lớn.
Vắc xin của Sinovac là vắc xin đầu tiên được đăng ký với BPOM để sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi 6-11.
Người bị đau tim nhiễm COVID-19 có tỉ lệ tử vong cao
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nội khoa JAMA, nếu bệnh nhân nhiễm COVID-19, tỉ lệ sống sau cơn đau tim của họ thấp đi đáng kể.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 80.000 người bị đau tim ở Mỹ từ năm 2019-2020. Khoảng 76.000 trong số họ bị đau tim tại nhà hoặc tại nơi làm việc và các môi trường cộng đồng khác. Trong nhóm này, 15,2% trường hợp có nhiễm COVID-19 chết sau đó tại bệnh viện. Tỉ lệ này của bệnh nhân đau tim không có COVID-19 là 11,2%.
Trong số khoảng 4.000 bệnh nhân nhập viện khi bị đau tim, 78,5% người có COVID-19 tử vong, so với 46,1% người không có COVID-19.
Nhìn chung, các bệnh nhân đau tim nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng bị ngừng tim. Các nhà nghiên cứu cho biết họ cần nghiên cứu sâu thêm để hiểu tại sao chẩn đoán COVID-19 lại làm tăng nguy cơ tử vong ở người đau tim.