Hai cây lim xanh cả 100 năm tuổi bị triệt hạ và lâm tặc đã đưa khỏi hiện trường sáu lóng gỗ tròn.

Ngày 2-11, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cho biết vừa phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 272, thuộc lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Điều tra vụ 2 cây lim xanh bị hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông - ảnh 1
Một trong hai gốc lim bị triệt hạ. Ảnh VKSND HTN

Đây là vụ triệt phá hai cây lim xanh cổ thụ nằm trong rừng sâu. Căn cứ nhựa cây và dấu vết để lại hiện trường thì vụ phá rừng xảy ra khoảng trên dưới vài tuần.

Bước đầu, theo nhận định của đoàn kiểm tra, lâm tặc đã lợi dụng thời tiết mưa dầm khắc nghiệt, liên tục thời gian qua và việc đi lại hạn chế của cơ quan chức năng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 để phá rừng.

Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã ghi nhận có hai cây gỗ lim xanh bị triệt hạ và cưa thành nhiều lóng gỗ tròn. Đo đạc và kiểm đếm, đoàn kiểm tra xác định tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 6 m3. Trong đó lâm tặc đã vận chuyển khỏi hiện trường sáu lóng gỗ tròn có chiều dài từ 1,4 m đến gần 7 m và đường kính lóng gỗ lên đến đường kính từ 0,55 m đến 0,75 m.

Điều tra vụ 2 cây lim xanh bị hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông - ảnh 2
Hiện trường vụ hủy hoại rừng. Ảnh VKSND HTN

Toàn bộ số lâm sản trên xác định là chủng loại lim xanh thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA. Đây là giống lim xanh quý hiếm, loài lim này duy nhất chỉ có ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên tình trạng chặt phá rừng tràn lan đã khiến loài lim này đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Đây cũng là loại cây rất khó trồng, từ một cây lim non sau khi trồng 20 năm thì đường kính gốc chỉ khoảng hơn 10 cm. Theo các chuyên gia lâm sinh, hai cây lim xanh vừa bị triệt hạ tuổi thọ xấp xỉ cả trăm năm.

------------------------------------------------------------------------------------------

Nguyên giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bị khởi tố

 
7 năm trước, PLO có loạt bài điều tra về vụ phá rừng có dấu hiệu bảo kê, sau đó cơ quan tố tụng khởi tố nhiều người và nay tiếp tục phục hồi điều tra.

Ngày 22-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bình Thuận về tội hủy hoại rừng.

Ông Dũng được tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là vụ án phá rừng xảy ra năm 2014 tại tiểu khu 279 thuộc rừng Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) mà PLO đã có bài điều tra. Cụ thể tháng 11-2014, PLO có bài điều tra “Bình Thuận: Phá rừng có dấu hiệu bảo kê”.

Nguyên giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bị khởi tố - ảnh 1
              Phóng viên PLO tại hiện trường vụ phá rừng năm 2014

Cụ thể trên diện tích gần 40 ha đã có hơn 1.000 cây gỗ bị triệt hạ. Tuy nhiên đơn vị chủ rừng là Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam và Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bình Thuận không hề có báo cáo nào.

Đặc biệt trong vụ phá rừng này có dấu hiệu bảo kê. 

Sau khi PLO phản ánh, Sở NN&PTNT Bình Thuận lập đoàn kiểm tra, xác định có 1.018 cây gỗ bị triệt hạ trên diện tích 38 ha nằm ở bốn khu vực Nà Dệt, đồi Vĩ Sắt, Giếng Cọp và Tà Nớ nằm trên địa bàn hai xã Hàm Thạnh, Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.

Số gỗ bị triệt hạ bằng cưa máy và được xác định kéo dài từ năm 2012 đến tháng 5-2014. Toàn bộ gỗ bị hủy hoại đều là cây rừng tự nhiên tại hai tiểu khu 284 và 279 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận.

Nguyên giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bị khởi tố - ảnh 2
                Một cây gỗ bị triệt hại tại tiểu khu 279 năm 2014. Ảnh: PN

Tháng 4-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Ngô Văn Phong, Phó Giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam (thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng thời điểm, công an cũng bắt giữ Trần Hải Dương, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận), về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Theo điều tra, từ cuối năm 2012 đến đầu 2014, Dương thuê lâm tặc khai thác rừng trái phép tại các tiểu khu 267, 279, 284 rừng sản xuất là rừng tự nhiên (trên địa bàn xã Hàm Cần và Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam), do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận giao cho ông Phong (Phó Giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam) trực tiếp quản lý bảo vệ rừng.

Nguyên giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bị khởi tố - ảnh 3
                      Trần Hải Dương (trái) và Ngô Văn Phong bị bắt. Ảnh: PN

Dương đã chỉ đạo cưa hạ hơn 4.000 cây rừng với khối lượng 384,031m3 (gồm 324,948m3 gỗ và 59,084m3 củi), trị giá gần 800 triệu đồng. Toàn bộ số gỗ, củi được vận chuyển về TP Phan Thiết tiêu thụ. Sau đó, ông Nguyễn Tiến Dũng với danh nghĩa “cải tạo” rừng đã ký hợp đồng giao cho một công ty 74 ha rừng tại tiểu khu 279 và công ty này đã san ủi, xâm lấn, khai thác gỗ trái phép vào luôn cả khu vực 44 ha rừng tự nhiên khoanh nuôi bảo vệ.

Liên quan đến nguyên giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận, tháng 8-2020 đã ra quyết định khởi tố bị can này về tội hủy hoại rừng. Tuy nhiên đến đầu tháng 9-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định thiệt hại tài nguyên rừng. Sau khi có kết quả giám định, tháng 5-2021, Cơ quan điều tra đã phục hồi điều tra và tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Hiện vụ án đang được tiếp tục mở rộng.

PHƯƠNG NAM